Hệ lụy từ ô nhiễm môi trường hồ

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với dòng chảy thời gian và quá trình đô thị hóa, diện tích hồ trên địa bàn Hà Nội đang dần dần bị thu hẹp, ô nhiễm, mất đi giá trị vốn có.

Báo động đỏ
Theo các chuyên gia quy hoạch, hồ là địa hình đặc trưng của Hà Nội. Đây là phần không gian mở tự nhiên len lỏi, xen kẽ trong không gian xây dựng và là một hệ sinh thái tự nhiên quan trọng của đô thị, góp phần hình thành hệ thống hạ tầng xanh, giúp Hà Nội thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu. Không chỉ vậy, đó còn là nơi lưu giữ không gian văn hóa vật thể và phi vật thể của quá trình phát triển đô thị.

Tuy nhiên, theo báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, diện tích các ao hồ trên địa bàn TP đang bị thu hẹp theo thời gian. Trong đó, giai đoạn 2010 - 2015, Hà Nội có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn. Hiện số hồ còn lại khoảng 112, tổng diện tích mặt nước năm 2015 gần 7 triệu mét vuông, giảm 72.500m2 so với năm 2010. Bên cạnh đó, cùng với tốc độ đô thị hóa, đặc biệt là ý thức của người dân, sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương khiến tình trạng ô nhiễm tại các hồ ở Thủ đô cũng ngày càng trở nên phức tạp.
 Công nhân thoát nước dọn dẹp rác thải trên hồ Trúc Bạch. Ảnh: Vân Nhi
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tại mốt số hồ trên địa bàn TP như: Rẻ Quạt, Thịnh Quang… tình trạng ô nhiễm vẫn diễn ra khá phức tạp. Tại đây, mặt hồ phủ kín bởi bèo, xác động vật, rác thải đủ loại… bốc mùi khó chịu.
Ông Trần Văn Bách, sống gần hồ Rẻ Quạt, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân ngán ngẩm cho biết: "Với nhiều người, sống gần hồ là niềm may mắn, hạnh phúc nhưng với chúng tôi đó thực sự là một áp lực rất lớn. Lý giải về việc này, ông Bách chia sẻ, ngày nắng nước hồ bốc mùi rất khó chịu, ngày mưa thì ẩm thấp, muỗi, côn trùng đầy nhà… làm xáo trộn cuộc sống của người dân".

Đây cũng là thực trạng đã và đang diễn ra tại hồ Linh Quang (phường Văn Chương, quận Đống Đa). Ông Phạm Văn Dũng, phường Văn Chương nhớ lại, năm 2004 TP Hà Nội đã phê duyệt dự án cải tạo hồ Linh Quang nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân, người dân rất vui mừng và phấn khởi. Thế nhưng, kỳ vọng bao nhiêu càng thất vọng bấy nhiêu, bởi từ ngày đó đến nay đã 17 năm trôi qua, dự án vẫn ngổn ngang, chưa rõ ngày hoàn thành.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đường Phan Tuấn Anh - Phó Chủ tịch UBND phường Văn Chương cho biết, các công tác thuộc thẩm quyền, phường đều đã thực hiện, hoàn thành nhưng đến nay, bao giờ dự án hoàn thành phường cũng không nắm được. “Người dân trong khu vực có ý kiến rất nhiều về tiến độ của dự án. Do đó, kiến nghị TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị chức năng đẩy nhanh tiến độ dự án để đảm bảo môi trường sống của người dân trong khu vực” – ông Đường Phan Tuấn Anh cho biết.

Cần những biện pháp mạnh tay

Thống kê của Chi cục Thủy lợi Hà Nội đến tháng 6/2021, trên địa bàn TP Hà Nội tồn tại 13.025 vụ vi phạm công trình thủy lợi (sông, hồ...). Trong đó, riêng từ đầu năm 2021 đến nay, phát sinh 158 vụ vi phạm công trình thủy lợi. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các địa phương mới xử lý được... 10 vụ phát sinh trong năm 2021 và 52 vụ trên tổng số 12.877 vụ xảy ra từ những năm trước 2021.

Theo các chuyên gia quy hoạch, công viên cây xanh, mặt nước được đánh giá là lá phổi của các đô thị lớn, giúp điều tiết khí hậu, tạo cảnh quan môi trường… Vì vậy, trong quá trình phát triển đô thị, Hà Nội cần có quy hoạch cụ thể để vừa bảo tồn diện tích mặt nước và các ao, hồ hiện có, vừa phát triển thêm nhiều hồ nước mới. Và trong khi chưa thể phát triển thêm được các hồ nước mới, chúng ta phải quyết liệt bảo vệ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương nếu để xảy ra vi phạm kéo dài, không được xử lý kịp thời.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Ngọc Uyên - Phó Trưởng phòng Đối ngoại Truyền thông, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho hay, ngoài việc điều hòa khí hậu, các hồ ở Hà Nội còn có chức năng thoát nước. Do đó, tình trạng ô nhiễm của các hồ ở Hà Nội sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu, thoát nước tại Thủ đô mỗi khi trời mưa.
Dẫn chứng về việc này, ông Bùi Ngọc Uyên chia sẻ, để đảm bảo việc vận hành thông suốt của hệ thống thoát nước, đơn vị thường xuyên phải bố trí lực lượng dọn dẹp, nhặt rác tại các đường ống thoát nước và trong hệ thống hồ trên địa bàn TP trước, trong, sau những đợt mưa, bão. “Nếu không thường xuyên dọn dẹp, lượng rác thải phát sinh trong quá trình sinh hoạt của người dân sẽ gây cản trở hệ thống thoát nước, làm ô nhiễm môi trường nước trong hồ và gây ra hàng loạt những hệ lụy khác đến đời sống” - ông Bùi Ngọc Uyên nhấn mạnh.

Để khắc phục tình trạng trên, ông Bùi Ngọc Uyên cho rằng, ngoài việc tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, vận động cơ sở kinh doanh ăn uống, sửa chữa ô tô, xe máy... lắp đặt hệ thống tách dầu, mỡ trước khi thải ra môi trường.
Cùng với đó, cơ quan chức năng cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cải tạo hạ tầng kỹ thuật và tách nước thải không để nước thải chảy vào các hồ. “Những việc làm trên dù rất nhỏ nhưng nếu được thực hiện nghiêm sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo môi trường, hệ thống thoát nước và sâu hơn là những giá trị lịch sử của Thủ đô Hà Nội” - ông Bùi Ngọc Uyên nhấn mạnh.

Lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp

Trước thực trạng tại nhiều địa phương đang xảy ra tình trạng hồ, ao, đầm bị lấn chiếm, san lấp làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm chất lượng nguồn nước, Bộ TN&MT đã có công văn gửi UBND các tỉnh, TP về việc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp. Bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo khẩn trương rà soát, lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh, TP gửi báo cáo về Bộ TN&MT theo quy định của Luật Tài nguyên nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần