Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hệ sinh thái ngân hàng - doanh nghiệp: Rủi ro tiềm ẩn

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hệ sinh thái ngân hàng - DN là câu chuyện không mới trên thị trường hiện nay. Việc sở hữu các mắt xích tương hỗ lẫn nhau trong chuỗi giá trị tạo ra rất nhiều lợi ích cho DN cũng như ngân hàng. Tuy nhiên, phụ thuộc quá nhiều vào hệ sinh thái này cũng khiến ngân hàng, DN đứng trước những rủi ro hệ thống nếu có khủng hoảng xảy ra.

Lợi cả đôi bên

Xây dựng một hệ sinh thái với các mắt xích có mối quan hệ hỗ trợ nhau là cách mà nhiều ngân hàng và DN đang triển khai để tận dụng tối đa các lợi thế kinh doanh. Hiện nay, có thể kể đến một số hệ sinh thái như: HDBank – VietJet, Techcombank - Vingroup - Vietnam Airline – Masan hay SHB - Tập đoàn T&T. Đa số các tổ chức này thường nắm giữ cổ phần của nhau để tăng sự ràng buộc. Theo đó, DN có thể được hỗ trợ vốn và thanh khoản từ các ngân hàng. Ngược lại, ngân hàng hưởng lợi từ việc quản lý dòng tiền và lãi vay của DN. Ngoài ra, các nguồn lực dùng chung như nguồn vốn, khách hàng và quản trị được chia sẻ cũng là một lợi thế của hệ sinh thái.
 Giao dịch tại chi nhánh Techcombank Hà Nội.
Đơn cử, hệ sinh thái của Techcombank có mối quan hệ chặt chẽ với ba ông lớn là: Vingroup, Vietnam Airlines và Masan. Tính đến cuối năm 2017, gần 11% khoản vay dài hạn của Vingroup đến từ Techcombank. Ngược lại, Vingroup đóng góp 8% vào tổng tiền gửi không kỳ hạn của Techcombank và hơn 85% khoản vay mua nhà của Techcombank đến từ những dự án của Vingroup với hơn 11.000 khách hàng. Với Vietnam Airlines, dù đã thoái hết vốn tại Techcombank nhưng mối quan hệ hợp tác giữa hai DN này cũng mang đến cho hai bên nhiều lợi ích. Đó là hơn 37.000 khách hàng sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ đồng thương hiệu, chiếm 13% số lượng khách hàng trung, cao cấp của Techcombank. Toàn bộ chuỗi giá trị đóng góp 8% vào tổng tiền gửi không kỳ hạn và 7% tổng lãi thuần hoạt động dịch vụ. Với Masan Group, hiện Tập đoàn này là cổ đông lớn nhất sở hữu 15% vốn điều lệ ngân hàng. Tổng tiền gửi của các công ty nằm trong hệ sinh thái Masan Group là 983,264 tỷ đồng. Ngược lại, lợi nhuận tài chính từ việc đánh giá lại khoản đầu tư vào Techcombank đóng góp hơn một nửa lãi ròng nửa đầu năm 2018 của Masan.

Một hệ sinh thái nổi bật được nhắc nhiều đến trên thị trường những năm gần đây là hệ sinh thái HDBank- Vietjetair- HDSaiSon. Đến cuối năm 2017, ngân hàng đã phục vụ hơn 4,5 triệu khách hàng trong hệ sinh thái đặc quyền từ hàng không, siêu thị, viễn thông, tài chính - ngân hàng… kết nối sản phẩm dịch vụ với Vietjet là một kênh trọng tâm thu hút khách hàng. “Hệ sinh thái này là điểm cạnh tranh vô cùng quan trọng của HDBank trong chiến lược hướng đến DNVVN và bán lẻ” - đại diện HDBank cho hay.

Tại SHB, theo báo cáo quản trị, tính đến 30/6/2018, số cổ phiếu SHB mà bầu Hiển cùng người thân và Công ty CP Tập đoàn T&T chiếm gần 15,5% vốn điều lệ của ngân hàng. Dù hiệu quả của mối quan hệ SHB- T&T và các công ty liên quan đến bầu Hiển không công khai, tuy nhiên, hệ sinh thái này chắc chắn có mang lại những mối quan hệ hợp tác, tương hỗ trong sản xuất, kinh doanh của các DN này và SHB. Ngoài ra, trong hệ sinh thái của SHB, mối quan hệ giữa SHB với Tân Hoàng Minh cũng là điểm đáng chú ý khi SHB là cái tên quen thuộc hợp tác trong nhiều Dự án khủng của Tập đoàn này như D’. Le Pont D’or, D’. Le Roi Soleil, D’. El Dorado I…

Ứng phó thế nào với rủi ro?

Có thể thấy, hệ sinh thái ngân hàng - DN mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên. Đó là mối quan hệ tương hỗ, đôi bên cùng có lợi. Hệ sinh thái dạng này cũng được xem như một "con dao hai lưỡi". Bên cạnh những lợi ích trông thấy, việc tập trung khai thác vào hệ sinh thái tạo nên sự lệ thuộc vào một nhóm đối tượng cũng như tạo hiệu ứng đổ vỡ dây chuyền khi có khủng hoảng xảy ra. Bên cạnh đó, những mối quan hệ nhập nhằng trong tỷ lệ sở hữu đặt ngân hàng trước những rủi ro huy động "sân trước", cho vay "sân sau" khiến những lo ngại đổ vỡ hệ thống khi một mắt xích không thuận lợi.

Để đối phó với những rủi ro, Chủ tịch HĐQT Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh cho rằng, ngành ngân hàng phải có khả năng chuẩn bị và sẵn sàng đối phó với mọi sự cố xảy ra, tính luôn cả những khủng hoảng. “Tất nhiên, ngân hàng phải làm việc với các đối tác của mình rất nhiều để đảm bảo 2 bên đều hiểu những ảnh hưởng gì sẽ xảy ra, họ sẽ đối phó thế nào và mình sẽ giúp đỡ họ thế nào để cả hai đều có thể phát triển tốt”- ông Quốc Anh nhấn mạnh.

Cũng theo vị lãnh đạo này, ngoài câu chuyện chủ động trước những rủi ro, việc không tập trung quá nhiều vào một lĩnh vực, một đối tác mà đa dạng nguồn thu, sản phẩm, dịch vụ… sẽ là giải pháp dài hơi để ngân hàng tự tin đối phó với mọi rủi ro và hoàn thành kế hoạch đề ra.