Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hệ thống phát hành phim Nhà nước: Xã hội hóa hay xóa bỏ?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trang thiết bị lạc hậu, doanh thu thấp, nhiều rạp chiếu phim tại một số địa phương do Nhà nước quản lý đang trong tình trạng báo động.

Thế nên nhiều ý kiến cho rằng, nên xã hội hóa hoặc xóa bỏ các trung tâm, rạp chiếu phim do Nhà nước quản lý.

 Rạp Nhà nước thất thế

Không phủ nhận thời gian qua, công tác phát hành, phổ biến phim Việt đã có những bước tiến khá dài. Nhưng cũng phải thừa nhận, bước tiến ấy mới chỉ nằm ở các rạp chiếu thuộc tư nhân hoặc liên doanh quản lý. Còn các đơn vị phát hành phim của Nhà nước lại đi.. giật lùi. Giám đốc Trung tâm chiếu phim Lạng Sơn Dương Văn Biên đưa ra những con số “biết khóc”: “Năm 2011, số lượt người xem phim tại Lạng Sơn là hơn 14.000, doanh thu 384 triệu đồng, nhưng năm 2015 chỉ còn gần 5.900 lượt người xem và doanh thu 188 triệu đồng". Còn tại Ninh Bình, rạp Ninh Bình có 3 phòng chiếu, năm 2013 doanh thu đạt 292 triệu đồng, năm 2015 chỉ còn 195 triệu đồng, trong quý I/2016 chỉ thu về 39 triệu đồng.
Cảnh trong phim ''Sống cùng lịch sử''.
Cảnh trong phim ''Sống cùng lịch sử''.
Thậm chí, ở nhiều địa phương, thực tế còn “đau lòng” hơn. Như tâm sự của Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Sơn La Trần Hồng Tuyến: “Sơn La không có rạp chiếu phim. Người dân ở tỉnh chúng tôi chưa biết phim chiếu rạp là thế nào. Người dân không được hưởng thụ phim hay, phim mới. Đây cũng là một trong những hệ lụy đối với lớp thanh thiếu niên vì thiếu sân chơi bổ ích, dẫn đến tính tự kỷ, sống thực dụng, tệ nạn cờ bạc…”. Vậy nhưng, nhiều tỉnh có rạp chiếu thì lại hoạt động èo uột. Giám đốc Trung tâm chiếu phim Hải Phòng Bùi Thế Lâm không giấu, Hải Phòng thuộc diện có số rạp chiếu phim nhiều nhất nước (3 rạp), song rạp Nhà nước hoàn toàn thất thế so với các đơn vị tư nhân. “Cả 3 rạp Nhà nước đều có phòng chiếu từ 300 - 350 ghế, nhưng mỗi ngày không mở được một buổi chiếu và có chiếu cũng chỉ có 2 - 4 người xem. Chúng tôi phải quây thành một phòng 12 ghế, nhưng chưa bao giờ kín chỗ” - ông Lâm thành thật. Đây cũng là tình trạng chung ở nhiều địa phương khác. Không chỉ thua rạp tư nhân về cơ sở vật chất, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Ninh Bình Vũ Quang Huy cho biết, phim chiếu tại rạp Ninh Bình thường chậm hơn so với ngày phát hành từ 1 – 2 tháng. Thậm chí, nhiều phim chất lượng, có doanh thu “khủng” lại không thể thuê khai thác vì không đáp ứng yêu cầu của nhà phát hành. Đặc biệt, từ năm 2016 có thêm cụm rạp Lotte Ninh Bình hoạt động, hiệu quả kinh doanh của rạp giảm đến 50% so với cùng kỳ năm 2015.

Cạnh tranh công bằng
Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan cho biết: “Công ty phát hành phim và chiếu bóng do Nhà nước quản lý có 58 rạp đang hoạt động với 103 phòng chiếu. Trong đó, 10 rạp không hoạt động; 25 rạp đã chuyển đổi mục đích sử dụng; 18 Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng không có rạp chiếu phim. Năm 2015, chỉ có 41 phim chiếu rạp do Việt Nam sản xuất, trong khi phim nước ngoài nhập khẩu là 199 do các công ty tư nhân hoặc liên doanh nắm giữ và điều tiết”.

Vậy là, cơ sở vật chất lạc hậu, xuống cấp, nguồn phim thiếu đa dạng, kém thời sự… là những điểm trừ khiến khán giả quay lưng với rạp do Nhà nước quản lý. Song có phải các hãng phát hành phim tư nhân, liên doanh đang “đè” rạp chiếu của Nhà nước?

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Phó Giám đốc Công ty BHD Nguyễn Thị Bích Phượng cho hay: Nhận thấy nhu cầu khán giả thích phim Việt Nam, từ 10 năm nay, BHD luôn sẵn sàng chia sẻ các phim hay, phim bom tấn với các tỉnh, TP. Thậm chí, chúng tôi thường xuyên cung cấp cho các địa phương những bộ phim mà tiền vận chuyển có khi nhiều hơn tiền các trung tâm chiếu phim thuê hoặc mua của BHD. “Vấn đề gây trở ngại lớn nhất ở các rạp của Nhà nước quản lý hiện nay là hầu như chưa được trang bị hệ thống máy chiếu kỹ thuật số chuẩn 2K nên không thể tương thích các bộ phim sản xuất theo công nghệ mới. Mặt khác, hiện các phim đều có mã khóa của nhà sản xuất mới mở để chiếu do vấn đề bản quyền. Khi BHD muốn ký kết với các đối tác khác, lại ở định dạng HD hoặc video thì phải rất lâu sau mới có phim” - bà Nguyễn Thị Bích Phượng giải thích.

Để vực dậy hoạt động phát hành phim ở các địa phương, Giám đốc các trung tâm (công ty) phát hành phim đồng loạt lên tiếng đề nghị Cục Điện ảnh có biện pháp cứu nguy, trong đó nhấn mạnh đến việc nâng cấp, xây mới rạp, đầu tư trang thiết bị cũng như về nguồn phim. Nhưng vấn đề đâu chỉ có vậy. Bởi theo đại diện một số rạp tư nhân, liên doanh, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất với kinh phí “khủng”, các đơn vị này còn phải luôn luôn đổi mới cách làm, đặc biệt là đầu tư mạnh cho công tác quảng cáo mới có thể hút khách đến rạp.

Do đó, nhiều người cho rằng, nên xã hội hóa các rạp do Nhà nước quản lý để phát triển bền vững. Như chia sẻ của ông Lâm: “Có nhà đầu tư đề nghị xã hội hóa, góp vốn cải tạo rạp Hải Phòng, nhưng xin hết Sở nọ đến Sở kia mà vẫn không được duyệt”. Một số người khác cho rằng, chỉ nên giữ lại một số rạp hoạt động hiệu quả như Trung tâm chiếu phim Quốc gia, Trung tâm chiếu phim Lào Cai, còn lại, nếu không cho xã hội hóa nên chuyển đổi sang mục đích khác để tránh lãng phí. Bởi hiện nay, các rạp tư nhân, liên doanh phát triển rất mạnh mẽ và gần như đáp ứng được nhu cầu của đại bộ phận khán giả.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần:

Nên kêu gọi tư nhân góp sức

Hệ thống phát hành phim Nhà nước: Xã hội hóa hay xóa bỏ? - Ảnh 1Tham gia sản xuất nhiều phim, chứng kiến những thăng trầm của nền điện ảnh Việt cũng như công tác phát hành phim nhiều năm qua, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho rằng, nên kêu gọi tư nhân góp sức để phát triển hệ thống rạp chiếu do Nhà nước quản lý.

Thưa ông, nguyên nhân nào khiến khoảng cách giữa các trung tâm chiếu phim tư nhân và Nhà nước ngày càng xa như hiện nay? Có phải cơ sở vật chất quá kém, hay bởi “miếng bánh” thị trường đã rơi vào tay các rạp CJ, CGV và Lotte?

- Hiện nay, địa phương nào cũng muốn xây rạp, nhưng họ không tính được có rạp rồi thì nguồn phim ở đâu. Việc trông chờ phim từ Nhà nước cấp xuống vừa chậm, vừa không phù hợp thị hiếu, khiến khán giả quay lưng. Mà khi thu không đủ bù chi, thì làm gì có tiền tái đầu tư cho cơ sở vật chất. Trong khi đó, các rạp tư nhân, liên doanh với nước ngoài đầu tư cơ sở vật chất hiện đại ngay từ đầu. Đặc biệt, họ có hẳn đội ngũ riêng để dịch phim nước ngoài ra tiếng Việt, rồi thiết kế tờ rơi, potter, viết bài giới thiệu phim và làm công tác tuyên truyền, quảng bá nên thu hút được đông đảo khán giả. Cứ như vậy, cuộc cạnh tranh bình đẳng khiến khoảng cách giữa các trung tâm chiếu phim tư nhân và Nhà nước ngày càng xa.

Vậy theo ông, làm thế nào để có thể rút ngắn khoảng cách ấy?

- Theo tôi, Nhà nước nên cải tạo các rạp cũ và kêu gọi tư nhân vào cuộc để nâng cao vai trò đóng góp của xã hội. Khi tự chủ, tự chịu trách nhiệm về “miếng ăn” của mình, họ sẽ có cách giúp nó phát triển. Mặt khác, để điện ảnh Việt Nam phát triển bền vững, cần chú ý tới việc giáo dục điện ảnh cho cộng đồng. Ở đó, cần phải tạo được cho công chúng văn hóa xem phim, thưởng thức phim.

Nhưng để giáo dục điện ảnh cho cộng đồng là việc không đơn giản, thưa ông?

- Tôi vừa trở về từ Liên hoan phim Busan (Hàn Quốc). Ở đây, tôi hiểu tại sao “xứ sở Kim chi” lại có nền điện ảnh cực kỳ phát triển. Đó là bởi Nhà nước chi mạnh tiền cho lực lượng phát triển điện ảnh cộng đồng. Đội ngũ này có nhiệm vụ tiếp xúc với từng đối tượng cụ thể như học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ… để khán giả được nâng cao hiểu biết về điện ảnh, nhận biết được thế nào là hay, là dở. Còn ở Việt Nam, ngay tại Hà Nội, Trung tâm phát triển điện ảnh TPD, mỗi năm chỉ có khoảng 300 em được học làm phim trong vòng ít tuần. Con số đó quá khiêm tốn. Đó là chưa kể trong 300 em đó, có những em hiểu lơ mơ về điện ảnh. Còn ở các trường phổ thông, người ta dạy nhạc, họa… nhưng bỏ quên điện ảnh- bộ môn nghệ thuật phổ biến nhất, đại chúng nhất. Thế nên, thị hiếu của khán giả Việt Nam rất lạ thường. Đơn cử như những bộ phim đoạt giải Oscar, giải Cannes không ai xem, còn phim nội dung hời hợt lại được yêu thích. Đặc biệt, là nhiều khán giả xem phim theo kiểu chơi games. Họ đến rạp kiếm tìm một thứ cảm giác mạnh xong về quên luôn.

Trở lại câu hỏi, tôi cho rằng, việc giáo dục điện ảnh cho cộng đồng không khó. Hiện nay, bất cứ trường phổ thông nào cũng đều có máy chiếu, nguồn phim hay không thiếu; và việc mời những người am hiểu điện ảnh đến nói chuyện với học sinh không khó. Do vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tổ chức dạy môn Điện ảnh ở các trường phổ thông. 

Có những phim Việt đầu tư tiền tỷ nhưng vẫn thất thế trên sân nhà. Phải chăng, chúng ta vẫn còn lúng túng trong quảng bá, phát hành?

- Hiện nay, các nhà làm phim trong nước đang phải “căng mình” cạnh tranh với phim nước ngoài ngay trên chính sân nhà mình, nên buộc các tác phẩm mỗi ngày phải tốt hơn. Đây là xu hướng rất tốt. Nhiều người không hài lòng khi các rạp tư nhân, liên doanh thời gian chiếu phim Việt thường ít, giờ không đẹp. Nhưng, chúng ta cũng nên nhìn thẳng vào thực tế. Nếu phim tốt như: “Em là bà nội của anh” hay “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” thì các đơn vị tư nhân, liên doanh vẫn chiếu vào giờ vàng với tần suất cao. Vấn đề là chất lượng phim của chúng ta chưa đạt mức họ phải ưu ái. Vì thế, đây là việc điện ảnh Việt phải phấn đấu. Cơ chế thị trường không thể bắt người ta chiếu phim mà chỉ có 5 người xem. Do vậy, các nhà sản xuất phim Việt cần phải biết tự quảng cáo cho “đứa con” của mình. Minh chứng là phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” làm quảng cáo quá giỏi, tới mức tôi biết thông tin là muốn đi xem ngay. Ở trailer quảng cáo, có những chi tiết hoàn toàn không có trong phim nhưng đã tạo ra hiệu ứng rất tuyệt vời. Đây là thứ chúng ta đang yếu, nhất là những phim Nhà nước đặt hàng. Do đó, công tác quảng cáo phim cần được chú trọng trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!
Hồng Hạnh thực hiện