Hello, Tam Đảo!

Phan Thị Mỹ Hảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày nóng nực như hiện nay, nếu không có điều kiện đi xa thì Tam Đảo chính là điểm đến lý thú nhất với những người dân Thủ đô. Độ cao 900m đã giúp cho bầu không khí nơi đây luôn se lạnh.

Khu du lịch Tam Đảo nằm trên dãy núi Tam Đảo ở độ cao trên 900m so với mực nước biển được người Pháp phát hiện và xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XIX. Ðến năm 1940, Tam Ðảo đã là một “đô thị” trên núi cao với 145 tòa nhà, biệt thự cao cấp, lộng lẫy; trong số này có tới 60 biệt thự với kiến trúc theo nhiều kiểu cách khác nhau.
Điểm đến thân quen
Khu du lịch Tam Đảo cách Hà Nội khoảng 80km bao gồm 50km theo quốc lộ 2 và khoảng 24km theo đường quốc lộ 2B trong đó có khoảng 13km đường đèo.
Từ lâu Tam Đảo đã là khu nghỉ mát nổi tiếng trong nước, mỗi năm đón hàng trăm nghìn lượt khách trong nước và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng, nghiên cứu. Tam Đảo có phong cảnh núi non hùng vĩ, bao quát cả một vùng đồng bằng Bắc Bộ rộng lớn. Khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình là 18 - 25°C.
 Tam Đảo là điểm đến hấp dẫn của du khách. Ảnh: Phạm Hùng
Mùa Hè từ tháng 5 đến tháng 9 nhiệt độ tại các tỉnh đồng bằng thường oi bức từ khoảng 27 - 38°C thì Tam Đảo là nơi nghỉ mát lý tưởng với sự luân chuyển rõ rệt 4 mùa trong một ngày. Buổi sáng se se gió Xuân, buổi trưa nóng ấm mùa Hạ, buổi chiều lãng đãng heo may mùa Thu, buổi tối lạnh giá của mùa Đông.
Hiện nay, từ Hà Nội lên Tam Đảo có thể đặt xe bus Neway qua mạng với giá vé khoảng 100.000 đồng/lượt, với bến tại 32 Nguyễn Công Trứ và 122 Xuân Thủy, Cầu Giấy.
Những địa danh không thể bỏ qua
Địa điểm đầu tiên mà du khách thường tìm đến là Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên. Đây là một thiền viện thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử nằm tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, cách Hà Nội khoảng 85km về phía Tây. Cùng với Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt và Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong 3 thiền viện lớn nhất của Việt Nam. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên xây dựng ngay bên cạnh Khu di tích danh thắng Tây Thiên cổ tự (chùa Tây Thiên, đền Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, đền Cô, đền Cậu, đền Thõng, Thác Bạc).
Điểm tiếp theo chính là đền Chúa, ngôi đền thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, nơi nổi tiếng nhất của cả thị trấn đất đồi Tam Đảo. Theo truyền thuyết, hồi đầu thế kỷ XX, khi Pháp khám phá ra thung lũng xinh đẹp này, biến thành nơi nghỉ mát dành cho quan chức của họ, thì họ cho làm các con đường. Khi đó có một nhà thầu phụ người Việt đã bỏ tiền xây đền Chúa. Theo lời truyền khẩu của dân địa phương và một số tư liệu, đây là nơi thờ Bà Chúa Thượng Ngàn.
Vượt qua những con dốc thoai thoải, cảnh trí đẹp, du khách sẽ đến ngôi đền nổi tiếng linh thiêng, thu hút nhiều khách thập phương đến viếng, lễ bái. Hấp dẫn nhất là những ngày mồng Một, ngày rằm hàng tháng, đền Chúa đều có hầu đồng.
Muốn có bộ ảnh đẹp, nhất định bạn phải vào Nhà thờ đá cổ Tam Đảo. Đứng trên nhà thờ cổ bạn cũng có thể nhìn thấy toàn cảnh thiên nhiên Tam Đảo rất mộng mơ. Không biết bao đôi vợ chồng trẻ, phải kỳ công đến đây để có bộ ảnh cưới để đời. Theo trí nhớ của dân địa phương nhà thờ Tam Đảo được xây dựng từ năm 1906 đến năm 1912, tọa lạc tại trung tâm thị trấn Tam Đảo, bên con đường dẫn lên đỉnh núi Thiên Nhị.
Ban đầu, người Pháp chỉ dựng mô hình nhà sàn lợp lá, đến năm 1937 nhà thờ chính thức được xây dựng lại kiên cố bằng đá và tồn tại cho tới ngày nay. Về mặt kiến trúc, nhà thờ Tam Đảo được xây dựng bằng đá trên một triền đất cao theo mô hình kiến trúc Gothic.
Những ai thích khám phá, sẽ tìm đến thác Bạc và cổng Trời. Xuống thác Bạc, bạn như có cảm giác được về với khu rừng nguyên sinh trù phú. Ở đây khí hậu mát mẻ, cây rừng xanh tốt uy nghiêm tỏa bóng. Bạn không còn lạ mắt khi thấy những chú chim rừng, chú sóc dạn dĩ quen thuộc bên đường. Trong khi đó Cổng trời Tam Đảo là điểm cao mà bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh khu du lịch Tam Đảo. Những ngày nắng nóng nhưng khi đến đây bạn vẫn sẽ nhìn thấy Tam Đảo mờ ảo trong những làn sương.
Chỉ cần bỏ ra độ 800.000 đồng, bạn vẫn có thể có 2 ngày, 1 đêm thả hồn vào mây, trời và cảnh quan đẹp tuyệt vời. Vậy còn chần chừ gì nữa mà không khoác ba lô và lên đường đến Tam Đảo.