Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hết cơn sốt nóng, giá thép quay đầu giảm nhiệt

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm đến nay, sắt, thép đã 7 lần liên tục tăng giá. Tuy nhiên, đến giữa tháng 5/2022 các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng sắt, thép đã đồng loạt giảm giá từ 300.000 - 900.000 đồng/tấn.

Sắt thép đồng loạt giảm giá

Giữa tháng 5/2022, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất thép trong nước như Hòa Phát, Việt Ý, Việt Đức, Thái Nguyên… đã thông báo hạ giá mặt hàng này. Cụ thể, Công ty Thép Tung Ho Việt Nam giảm 500.000 đồng/tấn thép thanh vằn và thép cuộn tròn trơn.

Tương tự, mỗi tấn thép cây và thép cuộn xây dựng của Công ty Thép Hòa Phát Hưng Yên, và Công ty thép Việt Đức giảm từ 300.000 - 450.000 đồng/tấn. Đặc biệt, tại thị trường miền Trung, thép Việt Đức giảm 910.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và giảm 920.000 đồng/tấn đối với thép thanh vằn D10 CB300, mức giá mới lần lượt là 18,88 triệu đồng/tấn và 19,18 triệu đồng/tấn.

Kho sắt thép của Công  ty CP Gang thép Thái Nguyên
Kho sắt thép của Công  ty CP Gang thép Thái Nguyên

Với Công ty Thép Việt Mỹ cũng giảm giá 350.000/tấn thép cuộn, còn các loại thép cây hạ 200.000 đồng/tấn. Thép Thái Nguyên giảm 350.000 - 400.000 đồng mỗi tấn thép trơn CB240 D8 và D6 (đường kính 8mm, 6mm) và thép vằn CB400. Sau giảm giá, 1 tấn thép trơn thương hiệu Thái Nguyên được bán với giá 8,75 - 18,87 triệu đồng. Thép thanh vằn đường kính 10mm 19,1 - 19,2 triệu đồng, còn đường kính 12mm dao động 18,95 - 19,07 triệu đồng mỗi tấn.

Công ty Thép Việt Ý cũng vừa công bố giảm 310.000 đồng/tấn đối với sản phẩm thép cây, thép cuộn. Cùng chung xu hướng, thương hiệu thép Kyoei cũng giảm 300.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300 và giảm 310.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240. Hiện thép thanh vằn D10 CB300 được bán với giá 18,78 triệu đồng/tấn, thép cuộn CB240 có giá bán 18,57 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giá bán thép tại Tổng Công ty Thép Việt Nam còn 18,75 - 19,1 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT).

Theo các chuyên gia kinh tế, mặt hàng sắt thép hiện chiếm khoảng 20 - 30% chi phí xây dựng của nhà thầu thi công trong mỗi công trình. Việc giá thép giảm sẽ giúp các nhà thầu công trình hạ tầng giao thông, xây dựng nhà ở dân dụng, công xưởng sản xuất nghiệp… đẩy nhanh tiến độ thi công do bớt áp lực, khó khăn khi giá vật liệu xây dựng tăng cao.

Đâu là nguyên nhân

Lý giải nguyên nhân khiến giá thép đột ngột giảm mạnh sau 7 lần tăng giá trong 4 tháng đầu năm 2022, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Trần Tuấn Dương, từ đầu tháng 5/2022 đến nay giá phôi thép và nguyên vật liệu đầu vào trên các sàn giao dịch quốc tế xu hướng đi xuống.

Kiểm tra chất lượng thép tại Công ty TNHH Thép Vina Kyoei
Kiểm tra chất lượng thép tại Công ty TNHH Thép Vina Kyoei

Cụ thể, ngày 9/5, giá bán quặng sắt tại cảng Thiên Tân (Trung Quốc) giảm 16 USD/tấn so với tháng 4 và được bán với giá 139 USD/tấn. Nếu so với mức giá giao dịch tháng 5/2021 đã giảm 55 - 57 USD/tấn. Không chỉ quặng sắt mới giảm giá, mà nguyên liệu than mỡ luyện cốc do Australia sản xuất cũng trong tình trạng tương tự. Hiện giá xuất khẩu mặt hàng này được giao dịch ở mức 359,5 USD/tấn, giảm mạnh so với đầu tháng 3/2022. Ngoài ra, các nguyên, nhiên liệu khác như thép cuộn cán nóng (HRC), điện cực graphite... cũng trong xu hướng giảm so với tháng 4/2022.

Số liệu của VSA cho thấy, 4 tháng đầu năm, ngành thép sản xuất hơn 11,4 triệu tấn thép thành phẩm, tăng hơn 2% so với cùng kỳ 2021. Lượng thép tiêu thụ đạt gần 10,6 triệu tấn, trong đó xuất khẩu gần 2,5 triệu tấn (tăng trên 9% so với năm 2021). Từ kết quả này, VSA đánh giá, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp thép Việt Nam đã đáp ứng đủ nhu cầu cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu trong nước mới đáp ứng 20 - 30% nhu cầu sản xuất, 70 - 80% nguyên liệu vẫn phụ thuộc nhập khẩu. Vì thế, giá thép tại Việt Nam gần như phụ thuộc vào giá nguyên liệu thế giới.

Thực tế cho thấy, mặc dù giá thép bắt đầu giảm nhiệt nhưng so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn còn cao hơn khoảng 1,5 - 1,7 triệu đồng/tấn, điều đó đòi hỏi Bộ Công Thương và doanh nghiệp sản xuất cần triển khai các biện pháp bình ổn giá.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, thời gian qua, Bộ Công Thương tăng cường công tác quản lý thị trường ngăn chặn, xử lý kịp thời hiện tượng đầu cơ, thao túng tăng giá thép trên thị trường ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, tiếp tục theo dõi triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại qua đó chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.

“Những hoạt động này là giải pháp quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp bình ổn giá bán mặt hàng sắt thép” - ông Đỗ Thắng Hải nói.