70 năm giải phóng Thủ đô

Hết cửa gian lận tạm nhập tái xuất xăng, dầu

Diệu Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực tế, nhiều năm qua, đã xảy ra rất nhiều vụ việc lợi dụng hình thức tạm nhập - tái xuất, mua xăng, dầu từ Việt Nam nhưng không vận chuyển về Trung Quốc, mà bán cho các trùm xăng, dầu lậu của Việt Nam để hưởng chênh lệch.

Để chống gian lận thương mại đối với mặt hàng xăng, dầu xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2020/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan, chính thức có hiệu lực từ ngày 10/8/2022.

Nghị định quy định, các kho xăng, dầu (khu vực lưu giữ xăng, dầu xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất) phải lắp đặt thiết bị đo mức bồn, bể tự động kết nối trực tuyến số lượng xăng, dầu xuất, nhập, tồn kho với cơ quan hải quan.

Theo đó, các kho xăng, dầu có hoạt động kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất đều phải đáp ứng quy định này. Đây là quy định để “siết” các chiêu gian lận thương mại đối với mặt hàng xăng, dầu xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất.

Thực tế, nhiều năm qua, đã xảy ra rất nhiều vụ việc lợi dụng hình thức tạm nhập - tái xuất, mua xăng, dầu từ Việt Nam nhưng không vận chuyển về Trung Quốc, mà bán cho các trùm xăng, dầu lậu của Việt Nam để hưởng chênh lệch. Cũng có thực tế khác là DN tạm nhập xăng, dầu nhưng tái xuất nhỏ giọt, thậm chí không tái xuất như đăng ký ban đầu. Hay việc lách các quy định để hưởng các chính sách thuế có lợi cũng được nhiều DN áp dụng.

Vì thế, việc thực hiện các quy định tại Nghị định số 67/2020/NĐ-CP là một giải pháp mạnh để chống gian lận thương mại với mặt hàng xăng dầu nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, đảm bảo kinh doanh công bằng và tính tuân thủ giữa các DN. Việc căn cứ chứng từ là một kênh giúp cơ quan hải quan có thêm thông tin về lượng hàng xuất nhập khẩu bơm ra, bơm vào kho, kiểm soát khối lượng xăng, dầu tốt hơn.

Công tác chuẩn bị cho giờ G cũng đã được cơ quan Hải quan triển khai rõ ràng. Theo đó, Tổng cục Hải quan đã ban hành nhiều công văn tuyên truyền, phổ biến đến từng DN về thời hạn lắp đặt thiết bị đo bồn bể tự động theo quy định. Nhiều hội nghị cũng phổ biến rất rõ về thời hạn các DN cần triển khai lắp đặt thiết bị đo mức bồn, bể tự động kết nối trực tuyến số lượng xăng, dầu xuất, nhập, tồn kho với cơ quan hải quan theo quy định tại Nghị định số 67/2020/NĐ-CP trước ngày 10/8/2022.

Như vậy, sau 2 năm chuẩn bị, đến ngày 10/8, Tổng cục Hải quan sẽ tiến hành tạm dừng việc thực hiện thủ tục hải quan tại các kho chưa có thiết bị đo bồn bể tự động, chưa kết nối với cơ quan hải quan, không xác nhận lượng xăng, dầu tái xuất và tiến hành thu thuế xăng dầu tạm nhập cho đến khi các DN lắp đặt trang thiết bị đo mức bồn, bể tự động và kết nối với cơ quan hải quan đáp ứng điều kiện theo quy định của Nghị định số 67/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Đây là thời hạn cuối và là giải pháp quan trọng để DN hết cửa lách quy định, chống gian lận thương mại đối với mặt hàng xăng, dầu xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất.

Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ban, ngành thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát. Chính phủ cũng xác định rõ, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới lạm phát tại nước ta là do chi phí đẩy, trong đó có giá xăng, dầu liên tục tăng trong 6 tháng đầu năm. Việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng, dầu trong nước được đánh giá là một trong những giải pháp quan trọng để kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.