Hết rồi những “chùm khế ngọt”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Món hàng đắt giá mang tên bản quyền World Cup đã có chủ, đó là VTV.

Thế nhưng, đằng sau thương vụ này, dư luận bắt đầu thấy le lói niềm tin về một sự trong sạch rất cần có của thị trường bản quyền truyền hình. Rằng, nếu một ngày các nhà đài đoàn kết, biết cách thương thảo thì chẳng có chuyện, Việt Nam trở thành "chùm khế ngọt" để cho các công ty nước ngoài thỏa sức trèo hái.

Từng xác định không mua

Trong cuộc họp công bố việc sở hữu bản quyền truyền hình, một đại diện của VTV tiết lộ rằng, đã có lúc, cuộc đàm phán với đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình MP& Silva rơi vào bế tắc. Trước tình thế đó, lãnh đạo VTV đã xác định, có thể mùa hè này Việt Nam sẽ không có World Cup.

Không nói thì ai cũng biết, lý do VTV không tiến xa hơn trong đàm phán với MP & Silva chính là giá cả. Công ty này đã đưa ra cái giá 10 triệu USD sau khi đã bỏ thầu gói bản quyền trên lãnh thổ Việt Nam với FIFA số tiền 7 triệu USD. Với tư cách là một đơn vị thương mại, việc MP& Silva tính lãi là dễ hiểu và việc tính giá của công ty này xuất phát từ việc, bản quyền truyền hình ở Việt Nam luôn tăng với tốc độ phi mã sau mỗi năm. 

Và nếu chấp nhận cái giá mà MP& Silva đưa ra, VTV sẽ phải chi số tiền lên tới 12 triệu USD do phải trả tiền thuê truyền dẫn vệ tinh (2 triệu USD). Đó là chưa kể đến việc, nhà đài này sẽ phải một số tiền rất lớn cho việc sản xuất các chương trình. Khi ấy, VTV sẽ lỗ rất nặng bởi theo các chuyên gia, giỏi lắm thì số tiền thu về từ khai thác quảng cáo trong thời gian diễn ra World Cup vào khoảng 80 tỷ đồng. 

Vậy nên, lãnh đạo VTV đã quyết định đình mọi đàm phán và đối tác của họ, MP& Silva đã ngồi trên đống lửa. Cuối cùng, họ đã phải chấp nhận cái giá mà VTV đưa ra. Dù không công khai số tiền mua, nhưng nhiều nguồn tin khẳng định, VTV chỉ phải bỏ ra khoảng 7 triệu USD cho gói bản quyền World Cup 2014. Một con số có thể chấp nhận được và VTV cũng hoàn thành được trách nhiệm phục vụ quảng đại quần chúng của mình.

Thương vụ cho tương lai

Nhiều chuyên gia cho rằng, VTV bằng thương vụ đàm phán bản quyền World Cup đã đặt những cột mốc cho tương lai. Rằng, nếu biết cách đàm phán, thể hiện được sự cương quyết, khôn khéo, các nhà đài ở Việt Nam sẽ nắm được lợi thế trước các đối tác nắm bản quyền. Bởi lẽ, khi các nhà đài tỉnh táo, họ sẽ không mắc vào những cái bẫy tâm lý mà các công ty nước ngoài đưa ra. Đơn giản như chuyện, họ thông qua nhiều kênh khác nhau tuyên bố, đơn vị này, đơn vị khác muốn mua với giá cao để tạo ra một thị trường ảo giữa các nhà đài.
 Khán giả Việt Nam sẽ được xem các trận đấu World Cup 2014 trên các kênh quảng bá của VTV.
Khán giả Việt Nam sẽ được xem các trận đấu World Cup 2014 trên các kênh quảng bá của VTV.
Các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình tại Việt Nam đã hiểu rằng, đã đến lúc họ không thể nhảy theo điệu nhạc mà các công ty nắm giữ bản quyền soạn ra nữa. Bởi, bất cứ một cuộc cạnh tranh không lành mạnh nào chỉ dẫn đến việc, bản quyền bị thổi giá đến mức không thể chấp nhận được. Khi ấy, chính các nhà đài sẽ phải trả giá đắt vì lựa chọn sai hướng đi.

Với riêng các công ty nước ngoài, họ đã bắt đầu nếm trái đắng sau khi thu lợi quá nhiều từ các thương vụ bản quyền. Người ta biết rằng, tại World Cup, một công ty đã phải bán bản quyền thấp hơn giá mua. Đến bây giờ, không thể nói, MP& Silva đã có một thương vụ thành công khi cái giá mà họ đưa ra không được chấp nhận.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các công ty thương mại đã không đánh giá đúng về thị trường Việt Nam. Họ không hiểu được sức cầu cũng như những khó khăn mà các nhà đài đang gặp phải nên bỏ thầu với cái giá cắt cổ. Họ tin, chỉ bằng một vài thao tác kỹ thuật, các đài truyền hình ở Việt Nam sẽ lao vào như con thiêu thân. Rút cuộc, họ đã phải trả giá bởi những tư duy cũ và sự thiếu thực tế của mình.