Cả làng mỗi nhà cụ Phan sắm được cái điện thoại bàn, bởi con cháu đi làm ăn xa, phải có cái phương tiện để liên lạc với cha mẹ. Và chiếc điện thoại bàn nhà cụ Phan trở thành “cổng thông tin” của cả làng với… phần còn lại của thế giới!
Ngày đó đám trẻ con gần nhà cụ Phan trở thành “cánh tay nối dài” của chiếc điện thoại, bởi mỗi khi trong Nam - ngoài Bắc có người gọi về, chỉ chúng mới nhanh chân thông báo. Và số điện thoại nhà cụ Phan thì kẻ xa người gần, ai cũng nằm lòng.
Từ ngày có điện thoại, nhà cụ Phan gần như ngày nào cũng có khách. Mà “khách” ở đây là những người “ngồi đồng” để hóng những cuộc gọi của người thân tứ xứ, gia chủ cũng rất vui bởi từ sáng đến đêm khuya, nhà cửa luôn ngập ấm tiếng người.
Ngày đó mỗi khi điện thoại đổ chuông, cụ ông là người luôn có “đặc quyền” bốc máy. Khi nghe rõ đầu dây bên kia muốn gặp ai, sau câu “kinh điển” là: Chờ chút nhé, cụ mới trịnh trọng “ban chuyển” điện thoại cho người cần gặp. Lâu dần cái “đặc quyền” nghe điện thoại được chuyển sang cụ bà, nhưng chỉ một vài tháng sau, giữa ông bà bắt đầu có hiện tượng… đùn đẩy.
Ngày vui vốn chẳng tày gang, cái… háo hức ban đầu dần chuyển sang phiền hà, bởi tuổi đã cao nhưng suốt ngày chẳng mấy khi được ngả lưng vì chiếc điện thoại liên tục “quấy rối”.
Lắm hôm mới bửng mắt đã có người gõ cửa để chờ điện thoại, ông bà lại phải lọc cọc mở cổng. Sau khi nghe điện thoại, người ta cũng ý tứ ngồi ráng lại đôi chút để nói chuyện (đôi khi là thông báo nội dung cuộc gọi), thế là cụ bà thì đun nước pha trà, cụ ông phải hầu chuyện.
Rồi thế sự dần thay đổi, trong làng bắt đầu có thêm vài nhà sắm điện thoại, “tần suất” cuộc gọi về số nhà cụ Phan giảm dần, căn nhà cuối xóm của ông bà cũng thưa kẻ vào, người ra…
Người già đôi khi hay chạnh lòng, cụ Phan bắt đầu cảm nhận được sự buồn, khi suốt ngày nhà cửa vắng hoe, ra ra, vào vào cũng chỉ đôi bóng già làm bạn. Và kể từ ngày có điện thoại, các cụ đâm “siêng” thức khuya dậy sớm. Thời gian trôi đi “khách” nghe nhờ điện thoại giảm dần, nhưng đã thành thói quen, sáng cụ ông vẫn dậy mở cửa, cụ bà đun nước hãm trà như có ý chờ ai đó…
Càng về sau, có khi phải vài ngày mới có người đến nhờ nghe điện thoại. Những lúc như vậy, hai kẻ già như mở cờ trong bụng, bởi nhà cửa có thêm tiếng người, ông bà được mở rộng tầm mắt ra bên ngoài từ những câu chuyện thời sự, thế gian…
Rồi khi điện thoại di động ra đời, công nghệ 2, 3 rồi 4, 5 G xuất hiện, chưa nói đến đám thanh niên, ngay cả lứa sồn sồn trong làng, ai cũng sắm di động thì chiếc điện thoại để bàn nhà cụ Phan hoàn toàn… mất khách.
Thoảng khi có đám, người ta mới tạt qua để mời, hoặc giả ngày rằm, ngày giỗ, Tết con cháu về thăm, ngôi nhà cụ Phan mới “xôm” lên được vài khoảng khắc. Sau đó không khí lại vắng lặng như tờ, thi thoảng căn nhà cuối xóm mới có tiếng chó sủa khi có người lạ đi qua…
Cách đây mấy hôm, vợ chồng anh con cả cụ Phan sắm hẳn cho ông bà chiếc điện thoại thông minh, màn hình rộng. Sau hai ngày hướng dẫn, khi đã tạm biết sử dụng, cụ Phan rút dây, quẳng chiếc điện thoại bàn vào hộc tủ. Thế là chiếc điện thoại bàn cuối cùng của làng tôi “chấm dứt vai trò lịch sử”!