Hiểm họa kép từ đánh bắt thủy sản bằng kích điện

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, mất cân bằng sinh thái, việc khai thác thủy sản bằng kích điện còn tiềm ẩn nguy cơ cao về an toàn tính mạng của chính người đánh bắt.

Đánh bắt cá bằng kích điện trên sông Phú Thọ.
Đánh bắt cá bằng kích điện trên sông Phú Thọ.

Đánh bắt tận diệt

Dọc theo lưu vực sông Phú Thọ, khu vực giáp ranh giữa 2 xã Nghĩa An và Nghĩa Phú (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) là nơi thường xuyên xảy ra tình trạng sử dụng kích điện để đánh bắt cá.

Tình trạng dùng kích điện đánh bắt cá diễn ra khá thường xuyên.
Tình trạng dùng kích điện đánh bắt cá diễn ra khá thường xuyên.

“Họ ngang nhiên chèo ghe dọc theo hai bên bờ sông để chích điện. Nhiều loài thủy sản ở dọc con sông này cạn kiệt và mất dần”, ông Phan Văn Phú (xã Nghĩa Phú) phản ánh.

Theo người dân sống ở khu vực này, việc đánh bắt bằng kích điện xảy ra cả ngày lẫn đêm khiến họ rất bức xúc và lo ngại về tình trạng suy kiệt nguồn lợi thủy sản.

“Ghét thì ghét thật, vì nghề này nó tận diệt quá mức. Như nghề lưới thì mấy loại nhỏ nhỏ nó còn qua được, chứ còn như chích điện thì lớn cũng bắt, nhỏ cũng bắt, bắt diệt gốc luôn. Đời con cháu về sau lấy gì mà sinh sống”, ông Nguyễn Tấn Hồng (xã Nghĩa An) bày tỏ.

Bên cạnh đó, việc đánh bắt cá bằng kích điện còn rất nguy hiểm đối với người đánh bắt nếu máy kích gặp trục trặc dẫn đến rò điện, hoặc người và máy cùng ngã xuống nước… Thực tế, ở Quảng Ngãi cũng đã có nhiều vụ việc thương tâm người đi kích cá bị điện giật tử vong.

Các phương tiện dùng trong việc đánh bắt cá bằng kích điện (Ảnh C.Đ.)
Các phương tiện dùng trong việc đánh bắt cá bằng kích điện (Ảnh C.Đ.)

Chính quyền xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi) thừa nhận, việc sử dụng kích điện để đánh bắt thủy sản trên sông Phú Thọ diễn ra khá thường xuyên, cả ban ngày và ban đêm. Đây là nguyên nhân trực tiếp làm cho nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của nhiều gia đình mưu sinh bằng các ngành nghề truyền thống. Đặc biệt, tác động xấu đến công tác bảo vệ môi trường của địa phương.

“Những loại cá nhỏ khi mà dòng điện xuống thì chết hết, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản. Mong các cơ quan, đơn vị khẩn trương vào cuộc phối hợp để xử lý quyết liệt hơn”, bà Phạm Thị Công - Chủ tịch UBND xã Nghĩa An nói.

Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm

Thông thường, khi sử dụng kích điện thì trong bán kính hơn 1m tất cả các sinh vật dưới nước từ cá, cua, lươn, các sinh vật phù du... đều bị điện giật sốc hoặc chết nổi lên mặt nước.

Sau khi bị sốc, chết, các loại sinh vật đều bị bắt, thậm chí cả trứng của các loài sinh vật dưới nước cũng bị hư hỏng. Đây là cách đánh bắt tận diệt, khiến nguồn lợi thủy sản không thể tái tạo, ảnh hưởng nặng nề đến môi trường sinh thái và đa dạng sinh học, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.

Tuy nhiên, một số người dân chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của việc sử dụng phương thức đánh bắt tận diệt nên vẫn còn tình trạng sử dụng kích điện, thuốc nổ trong đánh bắt thủy sản... Riêng trong năm 2021, cơ quan chức năng phát hiện 34 vụ với 36 đối tượng, xử phạt hơn 113 triệu đồng về hành vi sử dụng chất nổ, kích điện.

Một trường hợp dùng kích điện bắt cá bị phát hiện, xử lý. (ảnh C.Đ)
Một trường hợp dùng kích điện bắt cá bị phát hiện, xử lý. (ảnh C.Đ)

Từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều trường hợp vi phạm khác cũng bị phát hiện, xử lý. Gần đây nhất là vào ngày 21/7/2022, Công an xã Tịnh Hoà phát hiện, bắt quả tang ông Trần Xin (trú thôn Cổ Luỹ Nam, xã Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi) đang có hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thuỷ sản trái phép tại khu vực sông Tịnh Hòa (thôn Xuân An, xã Tịnh Hòa). Bên cạnh bị tịch thu tang vật vi phạm, ông Xin còn bị xử phạt vi phạm hành chính 3 triệu đồng.

Nghị định 42/2019NĐ-CP, ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản từ 3- 50 triệu đồng. Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý phạt tiền ở mức cao hơn, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 10 năm về tội “Hủy hoại nguồn lợi thủy sản”.

Cơ quan chức năng tuần tra, kiểm soát ở khu vực sông Cà Ninh (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).
Cơ quan chức năng tuần tra, kiểm soát ở khu vực sông Cà Ninh (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, việc sử dụng chất nổ, kích điện, chất độc để khai thác thủy sản không chỉ có tính hủy diệt, tận diệt nguồn lợi thủy sản (làm chết hàng loạt các loài thủy sản, trứng và ấu trùng cũng bị hủy diệt hoàn toàn), gây ra nhiều hệ lụy tới môi trường sinh thái các thủy vực, phá hủy các rạn san hô,… mà còn có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người. Hành vi này cần phải được phát hiện và xử lý nhằm bảo vệ và phục hồi nguồn lợi thủy sản.

“Trong thời gian đến, Chi cục sẽ quan tâm triển khai các nhiệm vụ về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là triển khai các mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tổ chức cho cộng đồng tham gia đấu tranh, tố giác hành vi vi phạm pháp luật trong khai thác thủy sản”, đại diện lãnh đạo Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi cho hay.