Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiểm họa từ những khu nhà cơi nới “chuồng cọp”

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ hỏa hoạn tại khu tập thể B9 Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) mới đây làm 5 người thiệt mạng, 2 người bị thương một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về nguy cơ mất an toàn khi xảy ra cháy nổ ở những khu chung cư, tập thể cũ.

Cơi nới xây “chuồng cọp” tại một khu tập thể trên phố Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Hải Linh  
Cơi nới xây “chuồng cọp” tại một khu tập thể trên phố Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Hải Linh  

Vấn nạn “chuồng cọp”

Việc lắp đặt lồng sắt (hay còn được gọi là “chuồng cọp”) nhằm mục đích bảo vệ an ninh trở nên phổ biến ở các đô thị. Nếu như nhiều năm trước việc này chủ yếu xuất hiện ở những khu chung cư, tập thể cũ thì hiện nay trở nên phổ biến ở hầu hết các chung cư cao tầng.

“Chuồng cọp” được xem là một di sản kiến trúc bất đắc dĩ xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng những năm 1980 ở các khu tập thể cũ diện tích khiêm tốn, kém tiện nghi, ra đời với chức năng làm ban công, logia để phơi quần áo, nơi nấu ăn, kho chứa đồ dùng... góp phần cải thiện đáng kể diện tích căn hộ, phục vụ nhu cầu sinh sống của người dân hay nói cách khác “chuồng cọp” là phần cơi nới, lấn chiếm.

“Căn hộ của gia đình tôi rộng 35m2, nhưng chỉ có hơn 20m2 là nằm trong sổ đỏ, còn lại là phần cơi nới. Do cơi nới nên gia đình phải dựng “chuồng cọp” để đảm bảo an ninh. Hầu hết các hộ gia đình ở đây đều làm như vậy. Gia đình chúng tôi đã sinh sống ở đây hơn 30 năm qua, cũng biết là tiềm ẩn nguy hiểm khi xảy ra cháy nổ nhưng điều kiện kinh tế hạn chế nên chúng tôi đành phải chấp nhận, ngay cả việc muốn chuyển đến nơi khác sinh sống thì để bán được căn hộ hiện nay rất khó” – bà Nguyễn Thị Loan, trú tại khu nhà tập thể cũ phố Bùi Ngọc Dương (Hai Bà Trưng, Hà Nội), chia sẻ.

Không phủ nhận việc xây dựng “chuồng cọp” bên cạnh mục đích mở rộng diện tích sinh sống, đây cũng là nhu cầu cần thiết của người dân nhằm bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng trong bối cảnh tệ nạn xã hội ngày càng diễn biến phức tạp, nhưng vô hình chung nó lại trở thành “con dao hai lưỡi” khi xảy ra sự cố bởi căn nhà chỉ có một lối thoát duy nhất.

Chỉ tính riêng trên địa bàn TP Hà Nội, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn liện quan đến việc không có lối thoát hiểm do “chuồng cọp” bị quây kín gây hậu quả đáng tiếc, đơn cử như: Vụ cháy quán karaoke số 68 Trần Thái Tông (Cầu Giấy) vào năm 2016 làm 13 người thiệt mạng; cháy nhà ngõ 41 phố Vọng (Hai Bà Trưng) năm 2017 làm 2 người thiệt mạng; hay mới đây nhất là vụ cháy ở khu tập thể B9 Kim Liên (Đống Đa) làm 5 người thiệt mạng...

Dẫu biết những nguy cơ mất an toàn về tính mạng, tài sản nếu không may xảy ra cháy nổ, nhưng đa phần người dân đều chép miệng chấp nhận, thậm chí phớt lờ cảnh báo từ chính quyền và cơ quan chức năng. “Các hộ dân hay cơi nới, làm chuồng cọp, quây lại để tránh trộm cắp, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, yêu cầu mở thêm lối thoát hiểm để đảm bảo an toàn khi xảy ra cháy nổ, nhưng người dân vẫn phớt lờ” - Phó Chủ tịch UBND phường Kim Liên (Đống Đa) Nguyễn Quang Sơn nói.

Cần nâng cao tính chủ động, tự giác

Đi dọc những khu nhà tập thể cũ trong nội đô Hà Nội, như: Thanh Xuân Bắc, Thành Công, Giảng Võ, Ngọc Khánh… không khó để bắt gặp hình ảnh những “chuồng cọp” do người dân tự chế. Điều đáng nói, không chỉ ở những khu nhà tập thể cũ mà ngay cả ở những chung cư tái định cư cao tầng, như: Đền Lừ (Hoàng Mai) hay Trung Hòa - Nhân Chính (Thanh Xuân)... từ nhiều năm nay người dân cũng đã tự ý lắp đặt thêm phần lồng sắt như vậy. Tuy nhiên hầu hết các căn hộ được lắp đặt thêm phần “chuồng cọp” đều chỉ có một lối ra duy nhất là cửa chính.

“Trong từ điển kiến trúc không có khái niệm “chuồng cọp”, nó chỉ đơn giản được hiểu là phần nới rộng thêm diện tích sử dụng phục vụ nhu cầu sinh sống của người dân tại căn hộ đó, với chức năng để tăng sự an toàn, chống trộm cắp. Đây hoàn toàn là sản phẩm sáng tạo của người dân do thực tiễn nhu cầu cuộc sống, thay đổi theo từng thời kỳ, đến nay không chỉ ở những chung cư, nhà tập thể nữa mà ngay cả ở công trình nhà ở riêng lẻ, khu phố mới người dân cũng lắp đặt “chuồng cọp” để bảo vệ” – Chuyên gia quy hoạch đô thị Thạc sĩ Trần Tuấn Anh nhìn nhận.

Cũng theo Thạc sĩ Trần Tuấn Anh, vấn nạn “chuồng cọp” tràn lan không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đến tính mạng, tài sản của người dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan đô thị. Từ nhiều năm trước đây, TP Hà Nội đã xây dựng dự thảo đề án cải tạo chỉnh trang đô thị, trong đó có việc tháo dỡ lồng sắt ở các căn hộ; Cùng với đó cũng đề xuất về việc những nhà sống liền kề sẽ làm hệ thống lồng sắt bảo vệ thông với nhau để dễ dàng thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn.

“Tuy nhiên những đề xuất trên rất khó thực hiện, bởi bảo vệ tài sản là nhu cầu chính đáng của người dân, hơn nữa ngươi dân ở đô thị vốn đã quen với cuộc sống nhà nào biết nhà đấy và nỗi lo lối thoát hiểm trở thành của nhà mình trở thành điểm yếu để kẻ gian lợi dụng” – Thạc sĩ Trần Tuấn Anh phân tích.

Có thể khẳng định, mặc dù không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy nhưng đến nay câu chuyện về “chuồng cọp” đã trở thành một phần tất yếu của người dân, đặc biệt là người dân sinh sống ở các đô thị. Việc tự ý lắp đặt vật liệu kiên cố khi có cháy xảy ra, lực lượng cứu hộ rất khó khăn để tiếp cận hiện trường, dẫn tới tốc độ xử lý sự cố cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ không kịp thời để lại nhiều hậu quả đáng tiếc.

Vì vậy, người dân cần phải nâng cao ý thức chủ động, tự giác, khi lắp đặt lồng sắt nên tham khảo ý kiến của chuyên gia nhằm đảm bảo yêu cầu về thoát nạn trong trường hợp xảy ra sự cố, đồng thời hiện nay do công nghệ xây dựng phát triển nên có thể cân nhắc việc thay thế lồng sắt bằng hệ thống lưới an toàn.

“Khi lắp đặt cần phải tạo một cánh cửa thoát hiểm ở lồng sắt có thể khóa cửa lại bằng ổ khóa, ngoài ra các gia đình nên thiết kế thêm một nắp thoát hiểm ở nền lồng sắt, khi mở nắp có thể đu dây để thoát ra ngoài. Đối với lồng sắt tại những ngôi nhà cao tầng nên tạo một đường ống hoặc một lối thoát hiểm đặc biệt được sử dụng để thay thế cầu thang thoát hiểm thông thường, nối với tầng thượng, khi xảy ra hỏa hoạn theo ống dẫn đó để thoát ra ngoài” - Kiến trúc sư Phạm Thị Bình, Công ty Kỹ nghệ Trường Giang chia sẻ.

 

Vụ cháy khiến 5 người tử vong ở nhà tập thể B9 Kim Liên thêm một hồi chuông cảnh báo về an toàn công trình nhà ở cũ, xuống cấp trong nội đô nói chung, nhà tập thể nói riêng. Nhiều năm qua, vấn đề cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ đã đặt ra nhưng đến nay thực hiện chưa được nhiều, nguyên nhân do: Thiếu nguồn lực, cơ chế thỏa thuận hỗ trợ đền bù di dời, quy hoạch và còn không ít vướng mắc cần tháo gỡ.

Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm

 

 

Sau sự cố hỏa hoạn ở khu tập thể B9 Kim Liên (Đống Đa), Công an TP Hà Nội yêu cầu Công an quận, huyện, thị xã đồng loạt triển khai kế hoạch về việc kiểm tra an toàn PCCC&CNCH các chung cư, tập thể cũ trên địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ PCCC, nâng cao ý thức cho cư dân trong việc chấp hành quy định về PCCC nhằm nâng cao tính chủ động, khả năng phối hợp, ứng phó, xử lý khi có sự cố cháy nổ của lực lượng PCCC tại chỗ.