Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiểm họa từ rác thải nhựa

Đặng Văn Diện (Sở NN&PTNT Hà Nội)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay, đe dọa đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và nhiều hệ lụy khác mà con người phải gánh chịu.

Rác thải nhựa ở khắp mọi nơi

Với ưu điểm bền, tiện dụng và giá thành thấp, túi nilon được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt mọi nơi, từ trong các gia đình, cửa hàng nhỏ lẻ đến siêu thị và những trung tâm thương mại lớn. Sự lạm dụng tiện lợi của túi nilon và vật dụng nhựa kết hợp với thói quen vứt rác bừa bãi của con người, khiến túi nilon trở thành rác tràn lan trong cuộc sống.

Mục sở thị tại một số khu chợ lớn, nhỏ tại Hà Nội như chợ Hà Đông và một số chợ đầu mối cho thấy, tình trạng bán và sử dụng túi nilon, ống hút, màng bọc thực phẩm… khá phổ biến. Những sản phẩm này có giá rất rẻ, cốc nhựa chỉ khoảng 20.000 - 35.000 đồng/túi 50 chiếc, ống hút 10.000/túi, giá túi nilon cũng tương đối thấp, chỉ từ 20.000 - 50.000 đồng/kg. Cụ thể, túi màu xanh lá cây và màu vàng có chất lượng kém giá chỉ 20.000 đồng/kg, màu trắng trong đắt hơn thường để đồ ăn nóng, giá 50.000 đồng/kg.
 Thu gom rác thải trên phố tại quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Công Hùng

Dễ thấy, người đi chợ thường đi người không, khi mua hàng, khách được “khuyến mại” theo sản phẩm là túi nilon đi cùng. Tại các siêu thị, sản phẩm nhựa dùng một lần được bày bán nhiều, phần lớn không có thông tin về chất lượng sản phẩm, hạn sử dụng, hướng dẫn cách sử dụng an toàn.

Chị Thu - nhân viên thu gom rác Công ty Môi trường đô thị Hà Đông chia sẻ: “Trước kia, các gia đình còn phân loại rác thải nhựa để bán nhưng giờ được bọc chung với rác thải sinh hoạt đựng trong túi nilon gói gọn và đổ vào thùng rác, việc này đơn giản nhưng vô tình tạo áp lực lớn cho môi trường”.

Cần chung tay của cả cộng đồng

Việc sử dụng tràn lan túi nilon, chất thải nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn mà các quốc gia phải đối mặt. Theo đánh giá mới nhất, mỗi năm lượng chất thải nhựa do con người thải ra trên phạm vi toàn cầu đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương.

Việc lạm dụng, sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường. Khi chôn lấp ảnh hưởng tới môi trường đất và nước, gây xói mòn đất; khi trôi ra sông ngòi sẽ đe dọa đến mạng sống các sinh vật sống dưới nước; khi đốt, sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch của con người…

Nhận thức được vai trò trong giải quyết cuộc khủng hoảng chất thải nhựa toàn cầu, Việt Nam - thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp quốc đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương. Năm 2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 217 quốc gia thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên Hợp quốc của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương.
Năm 2018, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Cannada, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào chống chất thải nhựa trên toàn quốc. Nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương, DN và cá nhân đã có nhiều hành động thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả để chống, giảm thiểu chất thải nhựa.

Những năm qua, Hà Nội luôn bám sát sự chỉ đạo của T.Ư và triển khai nhiều biện pháp để giảm thiểu tối đa lượng rác thải nhựa trên địa bàn. Đặc biệt, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều quy định về việc giảm thiểu chất thải nhựa, trong đó đáng chú ý là Kế hoạch số 232/KH-UBND, ngày 25/10/2019, về Phòng, chống rác thải nhựa và túi nilon đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn TP với các mục tiêu: 100% các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc UBND TP không sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế 80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy từ tháng 11/2019. Đồng thời tăng cường thu gom, tái chế chất thải nhựa; giảm thiểu sự phát thải chất thải nhựa trên địa bàn; đến ngày 31/12/2020 hạn chế tối đa các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng bằng nhựa.

Thực tế cho thấy, để công cuộc phòng, chống rác thải nhựa thực sự hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp chính quyền, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia chống rác thải nhựa bằng các sáng kiến và hành động thiết thực. Cụ thể, thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon thông qua việc mua sắm, trong sinh hoạt, làm việc, lao động thường ngày; sử dụng thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường như giấy, tre, nứa, cói...
Tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường tại nơi sinh sống bằng những hành động nhỏ nhất như phân loại, tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa vào các mục đích khác mà không gây độc hại cho con người. Khi mua hàng nên mang theo làn, giỏ, túi hoặc sử dụng giấy, lá chuối, lá sen để bao gói.

Cùng đó, rất cần đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận từ các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, cộng đồng và DN về tác hại của rác thải nhựa, từ đó, giúp thay đổi thói quen của người dân trong việc thải bỏ rác thải nhựa ra môi trường. Sau khi sử dụng xong không được tự ý đốt hay chôn lấp mà phải phân loại riêng, để công ty môi trường thu gom và tiêu hủy theo quy định.

Theo thống kê, trung bình mỗi ngày Hà Nội thải ra 4.000 - 5.000 tấn rác, trong đó rác thải nilon chiếm khoảng 7 - 8%. Cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác, rác thải nhựa đang ngày tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người.