Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Hiến kế” cải thiện sự đánh giá của người dân về hoạt động của chính quyền

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-"Các địa phương, đơn vị cần đối chiếu với thực tế riêng tại đơn vị mình, thấy nội dung công việc nào cần có giải pháp khắc phục thì tham mưu báo cáo lãnh đạo để đưa ra nội dung cụ thể trong kế hoạch thực hiện khắc phục Chỉ số PAPI tại đơn vị...” - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà nêu rõ tại Hội nghị chuyên đề “Giải pháp Cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI ) của Thành phố Hà Nội” diễn ra sáng nay (25/11)

Sáng nay (25/11) tại Hà Nội, Sở Nội vụ chủ trì tổ chức Hội nghị chuyên đề “Giải pháp Cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI ) của TP Hà Nội”.
Tới dự có Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Trịnh Huy Thành; cùng đại diện các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội.
 Quang cảnh Hội nghị chuyên đề ''Giải pháp Cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của TP Hà Nội''
Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở đóng vai trò quan trọng
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, những năm gần đây, TP Hà Nội rất nỗ lực trong CCHC, sáng tạo về đổi mới tổ chức và hoạt động chính quyền các cấp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ người dân, với Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) duy trì xếp hạng rất cao, Chỉ số Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, Chỉ số PAPI của TP hiện đang ở mức rất thấp, đặt ra đòi hỏi tập trung các giải pháp đồng bộ để cải thiện chỉ số này, cũng chính là cải thiện sự đánh giá của người dân về hiệu quả hoạt động của chính quyền TP. Ở vai trò chỉ đạo, UBND TP đã ban hành Kế hoạch Cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI hàng năm, trong đó đề ra các nhóm giải pháp theo 8 chỉ số nội dung và 29 nội dung thành phần và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, ngành. Song, câu hỏi đặt ra là, ở vai trò triển khai thực hiện kế hoạch của TP, các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc TP đã nâng cao nhận thức về bản chất, ý nghĩa, tầm quan trọng, cách đo lường Chỉ số PAPI ra sao; đã xác định trách nhiệm, công việc cụ thể cần làm thế nào; những thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện và những kiến nghị, đề xuất gì để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, góp phần triển khai hiệu quả các giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI của TP năm 2020 và những năm tiếp theo? 
Tại đây, bà Đỗ Thanh Huyền, Chuyên gia phân tích chính sách công - Chương trình phát triển LHQ tại Việt Nam và ông Trần Công Chính, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng - Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích về Chỉ số PAPI, cách thức triển khai khảo sát PAPI, thực trạng PAPI trên địa bàn TP Hà Nội. Đặc biệt, ý kiến từ lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy và lãnh đạo quận Hoàn Kiếm đại diện cho các quận, huyện tham dự Hội nghị đã nhấn mạnh đến vai trò vô cùng quan trọng trong khâu tổ chức thực hiện ở cấp cơ sở.
 Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Trịnh Huy Thành tham luận về trách nhiệm của UBND cấp xã trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI của TP
Trong đó, nhấn mạnh về trách nhiệm của UBND cấp xã trong thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Trịnh Huy Thành cho rằng, để có thể cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI của Hà Nội trong những năm tới, các cấp uỷ, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội ở xã, phường, thị trấn trước hết cần thực hiện tốt các nội dung công khai trong Điều 5 Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của UBTV Quốc hội (Khóa XI), như: Kế hoạch phát triển KT-XH, phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế và dự toán, quyết toán ngân sách hằng năm của cấp xã; dự án, công trình đầu tư và thứ tự ưu tiên, tiến độ thực hiện, phương án đền bù, hỗ trợ GPMB, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn cấp xã; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức cấp xã trực tiếp giải quyết công việc của Nhân dân; việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án với cấp xã, các khoản huy động Nhân dân đóng góp; chủ trương, kế hoạch vay vốn cho Nhân dân để phát triển sản xuất, xoá đói, giảm nghèo; kết quả bình xét hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất; kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tiêu cực, tham nhũng của cán bộ công chức cấp xã, cán bộ thôn, tổ dân phố; đối tượng, mức thu các loại phí, lệ phí do chính quyền cấp xã trực tiếp thu... Chính quyền cũng cần thực hiện tốt Điều 10 của Pháp lệnh 34 quy định những nội dung Nhân dân bàn, quyết định trực tiếp.
“Để góp phần cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI của Hà Nội trong những năm tiếp theo, các cấp uỷ, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội ở xã, phường, thị trấn cần sớm có kế hoạch, chương trình công tác để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở; cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; xây dựng đội ngũ cán bộ gần dân, tin dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với Nhân dân”- đồng chí nêu rõ.
Cải thiện ngay từ “bộ phận hành chính”
Đại diện cho chính quyền cơ sở tham luận về nhận thức, hành động của chính quyền địa phương đối với trách nhiệm cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI của TP, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long khẳng định, quận đã xác định rõ, TP Hà Nội muốn cải thiện được Chỉ số PAPI thì cần bắt đầu từ các cấp quận, huyện cải thiện Chỉ số này, đặc biệt chất lượng hoạt động từ bộ phận hành chính của các phường có vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao chỉ số PAPI cho TP.
 Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu tại Hội nghị
Tiếp thu đầy đủ các ý kiến, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà khẳng định Sở sẽ tiếp tục tiếp nhận ý kiến từ các địa phương, đơn vị của TP về nội dung này, trong đó đề nghị Phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ) tiếp tục lấy ý kiến các sở, ngành, quận, huyện về các nội dung cần quan tâm và những vướng mắc, kiến nghị sâu hơn về PAPI, nhằm tiếp tục tham mưu cho TP triển khai những hội nghị giải đáp vướng mắc hoặc triển khai nội dung công việc cho sát với nhu cầu của các đơn vị. Về phía các đơn vị, cần nghiên cứu bộ tài liệu đã được đăng tải trên website của Sở Nội vụ, nhất là nội dung tham luận về thực hiện QCDC ở cơ sở của Ban Dân vận Thành ủy; chậm nhất ngày 10/12 Phòng Cải cách hành chính tổng hợp đầy nội dung cần quan tâm để đưa vào Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ số PAPI năm 2021 của TP Hà Nội (hiện đang chuẩn bị dự thảo). Kế hoạch này sẽ được Thường trực và Thường vụ Thành ủy nghe, chỉ đạo toàn diện, nên Sở rất cần tổng hợp những ý kiến phản ánh các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của các địa phương, đơn vị, giúp TP xây dựng được kế hoạch đáp ứng yêu cầu đề ra.
“Đặc biệt, qua phần truyền đạt của các chuyên gia và các bài tham luận hôm nay, các đại diện địa phương, đơn vị của TP cần đối chiếu với thực tế riêng đơn vị mình, thấy nội dung công việc nào cần có giải pháp khắc phục thì tham mưu báo cáo lãnh đạo để đưa ra nội dung cụ thể trong kế hoạch thực hiện khắc phục Chỉ số PAPI tại đơn vị mình. Cùng kế hoạch chung của TP, tin rằng kế hoạch tổng thể năm 2021 của từng địa phương, đơn vị sẽ cụ thể, sâu hơn về các nội dung công việc” - bà Vũ Thu Hà nêu rõ.
Nhấn mạnh đến việc thực hiện QCDC ở cơ sở, Giám đốc Sở Nội vụ lưu ý, TP đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở để gắn với cải thiện Chỉ số PAPI - là nội dung bắt buộc thực hiện, nên đề nghị các đơn vị rà soát và có kế hoạch triển khai các công việc rất cụ thể. Sở Nội vụ cùng đoàn kiểm tra CCHC và kiểm tra công vụ của TP sẽ tiếp tục kiểm tra đột xuất tới tận xã, phường, thị trấn về thực hiện QCDC ở cơ sở. Vừa qua đoàn đã kiểm tra hơn 30 đơn vị, qua đó chỉ ra rất nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế. Do đó, thời gian tới các đơn vị cần triển khai thực hiện rất nghiêm túc những nhóm vấn đề về cải thiện Chỉ số PAPI, đặc biệt gắn chặt với thực hiện QCDC ở cơ sở.
“Sở Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Dân vận Thành ủy triển khai đồng bộ các nội dung công việc của Chỉ số này nhằm đạt kết quả rõ nét hơn. Sau khi có kế hoạch của UBND TP, chúng tôi sẽ hướng dẫn các đơn vị và kiểm soát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch năm 2021. Với những nội dung khó, gặp vướng, chúng ta cùng bàn bạc, nghiên cứu và từng bước triển khai có lộ trình, chứ không “đốt cháy giai đoạn” bằng mọi cách để cải thiện Chỉ số. Chúng ta không đặt vấn đề về xếp hạng, mà qua đánh giá này là để đối chiếu với địa phương đơn vị mình xem nội dung nào chưa tốt thì có giải pháp cải thiện trong chỉ đạo điều hành, nhằm phục vụ người dân, tổ chức tốt hơn"- bà Vũ Thu Hà khẳng định.