Có tiền mà không tiêu hết được là một trong các nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng tăng trưởng kinh tế khi đầu tư công giải ngân chậm, gói hỗ trợ kích thích nền kinh tế “chưa giải ngân được đồng nào”. Quốc hội “sốt ruột”, trong khi đó nhiều DN khát vốn, nhiều ngành, địa phương thiếu nguồn lực tài chính để phục hồi kinh tế sau dịch...
Như những con số được đưa ra tại kỳ họp Quốc hội lần này, đầu tư công cả năm 2021 giải ngân chỉ đạt hơn 70%, vốn ODA cũng chỉ giải ngân 32,85%. Công tác triển khai gói kích thích kinh tế 347.000 tỷ đồng Quốc hội quyết định ở Kỳ họp bất thường hồi tháng 1/2022, đến kỳ họp giữa năm này, phần danh mục dự án dự kiến được rót vốn mới chỉ có tên, dù nhiều nội dung của chính sách này chỉ thực hiện trong 2 năm (2022 - 2023).
Thậm chí, lĩnh vực y tế đã phải vất vả vật lộn với đại dịch, mà qua đó bộc lộ không ít mặt hạn chế, nay được ưu tiên rót 14.000 tỷ đồng, còn chưa lên được danh mục tiêu tiền. Rồi chương trình “Sóng và máy tính cho em” rất nhân văn, rất có hiệu quả với học sinh học trực tuyến, nhưng học sinh đã trở lại trường từ lâu, tiền vẫn chưa đi đến đâu... Chưa kể đến, việc chậm triển khai và phân bổ vốn cho ba Chương trình mục tiêu quốc gia cũng đang gây lãng phí lớn về nguồn lực ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến khả năng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
Sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công gây nên sự lãng phí rất lớn đã được nói đến nhiều. Điều này cũng đồng nghĩa với việc làm chậm tiến độ triển khai các công trình, các chương trình, gây hưởng đến hiệu quả của nguồn vốn, đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Nếu không có giải pháp căn cơ, hiệu quả và chấn chỉnh kịp thời thì điệp khúc “có tiền mà không tiêu được” lại tiếp tục tái diễn.
Vướng do đâu, là câu hỏi tiếp tục được đặt ra. Ở góc độ thể chế, nhiều ý kiến phân tích đã khá đầy đủ, thuận lợi. Bởi thực tế cũng cho thấy, cùng một cơ chế, chính sách nhưng có bộ, ngành địa phương giải ngân chiếm tỷ lệ cao, trong khi có nơi tỷ lệ này lại rất thấp. Một số nội dung như vấn đề mua sắm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, Quốc hội, Chính phủ đã có nghị quyết cho phép mua theo cơ chế đặc cách, đặc biệt, đặc thù, nhưng lại xuất hiện trạng thái một số nơi không dám mua và một số nơi mua thì sai.
Phân tích ra thì có nhiều nguyên nhân, nhưng trách nhiệm đầu tiên là ở khâu tổ chức thực hiện. Nếu trong đầu tư công, có cả việc chuẩn bị dự án chưa tốt, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư dự án không sát thực tế, chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, nhà thầu không đủ năng lực thi công... Đồng thời, có cả việc phân công, phân cấp chưa hợp lý, có tình trạng một số bộ thấy việc gì cũng quan trọng, nên phân cấp cho địa phương chưa đầy đủ; rồi chuyện phối hợp còn yếu kém…
Giải pháp mới cho những vấn đề cũ, những vấn đề đã kéo dài nhiều năm, trầm kha là yêu cầu của Quốc hội cũng là mong muốn của cử tri. Như các ý kiến đã gợi mở, trước hết là mạnh dạn phân cấp, ủy quyền. Khuyến khích tư duy sáng tạo, mạnh dạn với cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết điểm nghẽn, nút thắt cơ chế, chính sách ngay từ cơ sở. Hy vọng với sự nhìn nhận thấu đáo từ Quốc hội, sự quyết liệt của Chính phủ trong chuyện “tiêu tiền” lẫn giám sát tiêu sao cho hiệu quả, trong thời gian tới những đồng vốn đầu tư sẽ đến đúng địa chỉ để đem lại lợi ích cao nhất cho toàn xã hội.