Xác định rõ động lực phát triển
Gợi mở một số nội dung để các nhà khoa học, các chuyên gia tham gia đóng góp, thảo luận tại tọa đàm, Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan cho biết: Mục tiêu của huyện Thanh Oai là phấn đấu lên quận vào giai đoạn 2028 - 2030, trong đó đến năm 2025 là huyện nông thôn mới nâng cao. Như vậy, nhiệm vụ xây dựng quy hoạch vùng huyện phải đáp ứng yêu cầu tiêu chí trở thành quận trong thời gian tới.
Trong quá trình triển khai nhiệm vụ quy hoạch và triển khai quy hoạch chú ý một số yếu tố tác động, đó là: Quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch cấp trên (tức là quy hoạch vùng Thủ đô); xây dựng quy hoạch vùng huyện xây dựng trong bối cảnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 đã được TP phê duyệt.
Theo ông Bùi Hoàng Phan, khi xác định nhiệm vụ quy hoạch vùng huyện cần thiết tầm nhìn là quận đô thị sinh thái, thương mại dịch vụ kết hợp với công nghiệp. Mong muốn của huyện là phía trước trục đường ngang trục phát triển kinh tế của huyện trở lên phía Bắc là đô thị, đô thị sinh thái, thương mại dịch vụ là chính; từ trục trở xuống đến phía Nam là công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch kết hợp nông nghiệp sinh thái. Cùng với đó, tranh thủ các trục đường QL 21B và đường trục phát triển phía Nam, vành đai 4 để tạo động lực phát triển.
Đặc biệt, Thanh Oai là huyện có bề dày truyền thống với nhiều làng nghề, di tích, cảnh quan, đình đền chùa là cơ sở cho phát triển văn hóa gắn với du lịch cần trùng tu tôn tạo, bảo tồn, phát huy, khai thác.
“Huyện cũng mong muốn, ngoài khu đô thị Thanh Hà, khu đô thị Mỹ Hưng sẽ phát triển một số khu đô thị như dọc theo vành đai 4. Cùng với đó là các điểm dân cư nông thôn, bãi đỗ xe tĩnh, vườn hoa, hệ thông khu vui chơi, thể dục thể thao, các dịch vụ logistics, bệnh viên, khu thương mại dịch vụ… sau khi hình thành vành đai 4” - ông Bùi Hoàng Phan nói.
Tận dụng khai thác vành đai xanh
Phát biểu tại tọa đàm, KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam khẳng định, Thanh Oai là huyện ven đô của Hà Nội, có vị trí quan trọng khi gắn liền với khu vực nội thành. Do đó, cần xác định rõ Quy hoạch vùng huyện Thanh Oai phải vừa hài hòa với sự phát triển của địa phương và phù hợp với sự phát triển của Thủ đô.
Cũng theo KTS Trần Ngọc Chính, Thanh Oai là vùng đất giàu lịch sử, văn hóa truyền thống, do đó trong quy hoạch phải đảm bảo bảo tồn các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có dòng sông Đáy chảy qua nên rất thuận lợi để phát triển các khu đô thị sinh thái, sân golf, khu du lịch…
Đối với các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện cũng cần phát triển bền vững từ thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến tạo việc làm cho lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, Quy hoạch vùng huyện phải chú trọng yếu tố nâng cao giá trị sử dụng đất nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện trong vành đai xanh.
“Với mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Thanh Oai trở thành quận xanh của Hà Nội, tôi đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp trí tuệ, ý kiến quý báu, để từ đó là cơ sở để Hội tổng hợp, tư vấn cho huyện xây dựng nhiệm vụ quy hoạch vùng huyện Thanh Oai sớm trình UBND TP Hà Nội phê duyệt” - KTS Trần Ngọc Chính nhấn mạnh.
Góp ý tại tọa đàm, nhiều chuyên gia đồng quan điểm, Hà Nội đang triển khai thực hiện quy hoạch chung TP Hà Nội và điều chỉnh quy hoạch chung TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nên thời điểm này rất thuận lợi để Thanh Oai xây dựng quy hoạch vùng huyện.
Quan tâm đến sự phát triển kinh tế có tính cạnh trạnh của Thanh Oai trong tương lai, Ths. KTS Đàm Quang Tuấn - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) cho rằng, trong định hướng phát triển, Thanh Oai thuộc hành lang xanh của TP, do vậy cần quy hoạch làm sao để Thanh Oai vẫn phát triển kinh tế mũi nhọn, có tính cạnh tranh so với các vùng khu vực khác.
Mặt khác, Quy hoạch vùng huyện cũng cần nêu rõ phát triển xanh được xác định bằng những tiêu chí nào? Đơn cử như, cần phát triển du lịch văn hóa, du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp sinh thái song vẫn phải đảm bảo giao thoa với vùng lõi đô thị trung tâm thông qua các trục giao thông.
“Cần phân tích cụ thể về phát triển kinh tế mũi nhọn để từ đó đề ra các mô hình phát triển phù hợp. Đặc biệt, cần phải đánh giá kỹ lưỡng về kết quả của các quy hoạch trước đó để có những dự báo, đánh giá những tác động thay đổi kinh tế - xã hội của huyện và TP Hà Nội trong thờ gian tới” - Vụ Kiến trúc Quy hoạch (Bộ Xây dựng) khuyến nghị.
Gợi mở định hướng về phát triển nông nghiệp sinh thái, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, Thanh Oai cần tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái xen kẽ với các vùng nông nghiệp tập trung. Cụ thể là phát triển nông nghiệp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm đi đôi với việc hình thành các vùng chuyên canh tập trung, cánh đồng lớn thu hút hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư phát triển gắn với công nghiệp chế biến sâu.
Bên cạnh đó, nghiên cứu kết nối ngang trong phát triển giao thông; tạo cảnh quan nông thôn, sinh hoạt cộng đồng. Phát triển các trung tâm thương mại liên xã, nhóm xã, từ đó quay trở lại tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Phát huy lợi thế vùng nhưng phải giữ được bản sắc riêng
Phát biểu tại tọa đàm, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai khẳng định, nếu huyện không cụ thể hóa được các chỉ tiêu quy hoạch đưa vào lần điều chỉnh quy hoạch chung của TP thì Thanh Oai rất khó phát triển thành quận theo đúng mục tiêu Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TP đề ra.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, để phát triển lên quận, vấn đề quan trọng nhất là phát triển giao thông. Hiện trên địa bàn huyện mới có 2 trục giao thông xương sống là QL21B, đường trục phát triển phía Nam, nên tương lai huyện phải hình thành các trục xương cá kết nối ngang 2 trục đường trên.
Đề cập đến bài toán khó cần tham khảo ý kiến nhà khoa học, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai lưu ý, việc phân 3 vùng trong quy hoạch, cần cân nhắc tính toán làm sao để quy hoạch cụ thể phát triển lợi thế riêng từng vùng mà vẫn giữ được bản sắc riêng của Thanh Oai.
“Quy hoạch xây dựng vùng huyện được coi là cơ hội vàng đối với Thanh Oai để huyện dự báo, tính toán, cân nhắc phát triển trong 10 năm tới, đặc biệt là bứt phá trở thành quận trong tương lai gần. Do đó, Thanh Oai cần tận dụng trí tuệ của các nhà khoa học, chuyên gia góp ý vào quy hoạch vùng huyện. Mặc dù mục tiêu lên quận vào giai đoạn 2028 - 2030 là khoảng thời gian không phải là ngắn nhưng huyện phải xuất phát ngay từ hôm nay, tận dụng tối đa mọi nguồn lực, sự ủng hộ của TP” - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai nhấn mạnh.
Ở góc độ chia sẻ kinh nghiệm từng là Giám đốc truyền thông cho một số công ty lớn về tư vấn quy hoạch, Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức nhận định, nhìn trên bản đồ có thể thấy Thanh Oai là trung tâm của vùng phía Nam, do đó, huyện có rất nhiều thuận lợi để phát triển đô thị, kinh tế - xã hội. Với câu chuyện hành lang xanh trong quy hoạch vùng, Thanh Oai cần xác định rõ làm được gì, làm tới đâu và cái gì không làm được.
Tuy nhiên, khó khăn của huyện là xây dựng quy hoạch vùng huyện trong bối cảnh phấn đấu mục tiêu trở thành quận nên 2 tiêu chí này có nhiều điểm mâu thuẫn. Chính vì vậy, nhà tư vấn quy hoạch cần cập nhập kịp thời các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao và tiêu chí quận.
Băn khoăn về vấn đề mạng lưới giao thông của Thanh Oai còn nhiều điểm “trắng”, ông Nguyễn Minh Đức khuyến nghị, huyện cần chú ý đến quy hoạch phát triển giao thông đường ngang kết nối 2 trục đường dọc chính của huyện. Riêng đối với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cần chú trọng phát triển bao gồm hệ sinh thái, hệ thống phân phối của nông nghiệp công nghệ cao.
“Thanh Oai có tiềm năng rất lớn về phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh nên huyện cần chú trọng đầu tư phát triển 2 khu vực làng cổ Cự Đà và Đền Quốc tổ Lạc Long Quân này trở thành điểm du lịch tầm cỡ quy mô quốc gia, thu hút du khách trong nước và quốc tế” - ông Nguyễn Minh Đức góp ý.