Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Hiến kế” giúp Thanh Oai phát huy tiềm năng du lịch

Tin,ảnh: Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều góp ý thực tiễn đã được đưa ra trong buổi tọa đàm Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch Thanh Oai, sau cuộc khảo sát một số điểm đến tại địa phương này, do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức, sáng 20/12.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội phát biểu mở đầu buổi tọa đàm sáng 20/12. 
Đoàn đại biểu gồm các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lữ hành và một số cơ quan báo chí truyền thông, do ông Trần Đức Hải - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội dẫn đầu, đã tiến hành khảo sát làng nón Chuông; làng điêu khắc Dư Dụ; đình nội Bình Đà; và chợ phiên làng Chuông họp ngày 14 âm lịch từ 5 giờ sáng.
Nằm cách trung tâm Thủ đô khoảng 20km về phía Tây Nam, Thanh Oai nổi tiếng là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa của vùng đồng bằng Bắc Bộ với những nét riêng độc đáo. Tính đến nay, huyện Thanh Oai có 147/266 di tích đã được xếp hạng, trong đó tiêu biểu có thể kể đến như: Đình nội Bình Đà thờ Thánh tổ Lạc Long Quân, có bức tượng Lạc Long Quân nghìn năm tuổi đã được công nhận là bảo vật Quốc gia; chùa Bối Khê thờ thánh Bình An là một trong những ngôi chùa cổ bậc nhất của TP Hà Nội…
Đình nội Bình Đà, xã Bình Minh.

Bên cạnh đó, toàn huyện có 51 làng nghề, vẫn còn được duy trì và phát triểu đến ngày nay như: làng nghề kim khí, điêu khắc xã Thanh Thùy; nón Chuông - xã Phương Trung; lồng chim Canh Hoạch - xã Dân Hòa… Đặc biệt, đến với Thanh Oai, du khách có cơ hội được hòa mình vào một “thiên đường” ẩm thực dân dã, với những món ngon vang danh toàn quốc như: Giò chả Ước Lễ; tương, miến Cự Đà; bánh đúc Kim Bài; gạo Bồ Nâu; rượu làng Mai…
Để phát huy tiềm năng du lịch đó, Huyện ủy Thanh Oai đã ban hành nhiều kế hoạch, đề án nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp không khói này ngay từ năm 2016 cho giai đoạn 2017-2020, dựa trên các nghị quyết mà Bộ Chính trị và Thành ủy đã đề ra về phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016-2020.
Làm nón tại làng Chuông. 
Đáng chú ý, Sở Du lịch Hà Nội từ đầu năm nay đã cho lắp đặt các biển chỉ dẫn và giới thiệu về điểm du lịch trên địa bà huyện Thanh Oai, đồng thời chỉ đạo xây dựng các ấn phẩm, tài liệu số về những sản phẩm làng nghề, ẩm thực của huyện, cũng như khuyến khích các xã, ngành tham gia những hội chợ hay cuộc thi làng nghề, ẩm thực do TP và các tỉnh tổ chức.
Do vậy, cuộc khảo sát sáng 20/12 và buổi tọa đàm diễn ra chiều cùng ngày như một dịp để Sở Du dịch TP và huyện Thanh Oai cùng đánh giá hiệu quả và tồn tại của ngành du lịch địa phương sau những bước đầu thực thi các chính sách dài hạn nói trên. Những nhìn nhận và giải pháp được đưa ra càng thêm phần khách quan và thực tiễn khi tới từ chính các chuyên gia trong ngành và đại diện các doanh nghiệp lữ hành - những người hiểu rõ nhất về nhu cầu của khách du lịch.
Thợ điêu khắc tại làng Dư Dụ.  
Bên cạnh những ghi nhận về tiềm năng du lịch phong phú sau buổi trải nghiệm sáng ngày 20/12, có hai vấn đề chính đã được đoàn khảo sát tập trung thảo luận nhằm tham mưu cho lãnh đạo Huyện ủy Thanh Oai trong việc đẩy mạnh “thương hiệu” du lịch Thanh Oai.
Tồn tại đáng kể nhất chính là sự hạn chế trong vấn đề quảng bá và phổ biến thông tin đến khách du lịch nói riêng và công chúng nói chung, đang tạo nên rào cản trong cả thu hút khách du lịch cũng như tăng thu từ các sản vật địa phương. Thực tế cho thấy thông tin các điểm du lịch của Thanh Oai hiện vẫn khá nghèo nàn, nhiều hoạt động văn hóa độc đáo - chẳng hạn như chợ phiên - ít khả năng được biết đến nếu không phải là người dân bản địa.
Bên cạnh đó, những sản phẩm làng nghề và đặc sản ẩm thực được bày bán tại các điểm đến chưa khoa học khi vẫn còn thiếu tính tập trung, liên kết khiến việc mua bán trở nên khó khăn, hạn chế.
Một thách thức nữa được chỉ ra tại buổi tọa đàm là người Thanh Oai vẫn chưa tạo cho mình tư duy làm du lịch. Điều này thể hiện qua sự thiếu sót trong nhiều dịch vụ hỗ trợ khách tham quan như bãi đỗ xe, địa điểm ăn uống, cơ sở lưu trú hay thậm chí là công trình vệ sinh công cộng.
Để khắc phục tình trạng này, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải nhấn mạnh, huyện cần sớm chuẩn hóa và số hóa các dữ liệu nhằm tạo thuận lợi cho việc tra cứu thông tin của người dân nói chung và khách du lịch nói riêng. Bởi, đây là một xu thế “thống trị” du lịch trong thời đại công nghệ số hiện nay, khi một thống kê năm 2018 cho thấy 100% du khách biết về các điểm đến thông qua tìm kiếm trên internet.
Giám đốc Sở du lịch Hà Nội khẳng định, Sở sẵn sàng hỗ trợ Thanh Oai trong việc phổ biến thông tin thông qua trang web có lượng truy cập lên tới hàng nghìn lượt mỗi ngày của Sở. Đồng thời, kêu gọi các cơ quan báo đài và doanh nghiệp lữ hành cùng phát huy khả năng của mình để gia tăng hiểu biết nơi công chúng về những tài nguyên quý giá của Thanh Oai.
Đại diện phòng Văn hóa huyện cũng khẳng định Thanh Oai đang trong quá trình xây dựng dư địa chí và cẩm nang về các điểm đến trên toàn địa bàn - sẽ là những tài liệu quảng bá chính thống, chuyên nghiệp về du lịch địa phương.