Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4

Hiến kế phục hồi kinh tế hậu Covid-19

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sáng 5/6, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập trong tình hình mới” đã chinh thức khai mạc.

Sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức nhằm có căn cứ tham mưu với Ban chấp hành TW mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban bí thư về các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh bình thường mới.

Hoàn thiện chính sách thị trường vốn và bất động sản

Tại hội thảo chuyên đề Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nêu rõ, cần có sự đánh giá, nhìn nhận sự phát triển của thị trường vốn và thị trường bất động sản, từ đó, có giải pháp phát triển phù hợp, giảm thiểu rủi ro. Thống kê cho thấy giai đoạn 2016-2021 quy mô của thị trường vốn Việt Nam tăng trưởng bình quân 28,5%/năm. Đến cuối quý 1/2022, quy mô thị trường vốn đạt 134,57% GDP năm 2021, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015, trong đó quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8% GDP; Quy mô thị trường trái phiếu đạt 40,7% GDP, trong đó, trái phiếu Chính phủ là 22,7% GDP, trái phiếu doanh nghiệp 16,4%GDP. 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4

Với vai trò là kênh dẫn vốn, thị trường vốn là kênh quan trọng cho các doanh nghiệp bất động sản huy động vốn trung và dài hạn, phù hợp với tính chất đầu tư của các dự án bất động sản. Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu các doanh nghiệp bất động sản tăng trưởng nhanh về quy mô nhưng cũng phát sinh nhiều rủi ro, bất cập. Trong khi đó, mặc dù nền kinh tế chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng đầu năm 2021 đến nay giá bất động sản, nhà ở, đất nền tăng bình quân khoảng 5-7% với phân khúc chung cư; Giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%; Đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020. Trong quý 1/2022, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ đạt khoảng 20.325 giao dịch thành công, chỉ bằng khoảng 45,5% so với quý 4/2021 và bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2021. “Cần thiết phải có các giải pháp nhằm phát triển thị trường vốn, thị trường bất động sản lành mạnh, từ hoàn thiện khung khổ pháp lý gồm: Luật chứng khoán, Luật doanh nghiệp, Luật xây dựng, Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn... đến triển khai các giải pháp điều hành và quản lý, giám sát thị trường" - ông Đức Chi nhìn nhận.

Đồng tình với ý kiến này, Tổng Giám đốc Công ty Fiingroup Nguyễn Quang Thuân cho rằng, việc cho vay bất động sản nhà ở 65% dư nợ tín dụng ngân hàng và nhà đầu tư phân khúc này cũng phát hành trái phiếu rất nhiều. 3.000 doanh nghiệp đang phát triển dự án nhà ở trên cả nước, chủ yếu tập trung vào một số địa phương có tốc độ đô thị hóa cao. Do đó, việc điều chỉnh chính sách cần xem xét theo khu vực chứ không nên đồng bộ cho tất cả. 

Phát triển chuỗi cung ứng lao động sau Covid-19

Bên cạnh thị trường vốn, việc phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định là một trong những trụ cột quan trọng góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Đây là ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo chuyên đề Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid-19.

Hội thảo chuyên đề “Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch COVID-19”
Hội thảo chuyên đề “Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch COVID-19”

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết, dịch Covid-19 đã làm cho kinh tế tăng trưởng chậm lại, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực bị đứt gãy, đình trệ; Tình hình lao động, việc làm, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực. Theo đó, nguồn cung lao động bị suy giảm nghiêm trọng, số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Trong đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên giảm mạnh nhất vào quý III/2021, chỉ còn 49,1 triệu người; lực lượng lao động có việc làm quý IV/2021 là 49,07 triệu người, thấp hơn 1,79 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, đạt đỉnh cao nhất là quý III/2021 là 3,98% (hơn 1,7 triệu lao động); Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị cao nhất vào quý III/2021 là 5,54%. Khoảng 1,3 triệu lao động lao động dịch chuyển từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh. Tiền lương, thu nhập của người lao động giảm, đời sống của người lao động khó khăn, trong đó thu nhập bình quân tháng của lao động từ 6,7 triệu đồng năm 2019 còn 5,3 triệu đồng năm 2021, giảm sâu nhất là vào quý III/2021 chỉ còn là 5,2 triệu đồng.

 

Chiều cùng ngày, phiên toàn thể - tọa đàm cấp cao về nội dung chính của diễn đàn sẽ được chính thức tổ chức. Xuyên suốt trương trình, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022 có sự tham dự của khoảng 1.000 đại biểu là lãnh đạo Đảng, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương, đại sứ quán, tổ chức quốc tế cùng các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.

Đề xuất giải pháp cho những vấn đề này, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu và các địa biểu có chung ý kiến cần tập trung phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất. Trong đó, cần tạo môi trường phục hồi và phát triển thị trường lao động, đáp ứng cao nhất nhu cầu phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng lao động; tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật về quan hệ cung - cầu lao động… Đặc biệt, hoàn thiện nâng cao chất lượng của hệ thống thông tin thị trường lao động, hệ thống trung tâm việc làm. “Cần sớm cải tiến, hoàn thiện chính sách về tiền lương, an sinh xã hội, sửa đổi toàn diện chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nâng cấp chuẩn nhà trọ hiện hữu. Đồng thời, tiếp tục đổi mới chủ trương, chính sách và triển khai có hiệu quả quy định về thu hút đầu tư trong và ngoài nước khắc phục tình trạng tập trung nhiều dự án đầu tư ở một địa phương, tạo sức ép hạ tầng và thiếu lao động cục bộ, gia tăng lao động di cư” - ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh. Nhằm giảm tỷ lệ lao động phi chính thức, TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan phù hợp với Bộ luật Lao động nhằm giảm tỷ lệ lao động phi chính thức. Trong đó, hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho lao động, phát triển các tổ chức tài chính và tài chính vi mô dành cho khu vực kinh tế phi chính thức. “Chính phủ cũng cần cân đối ngân sách để triển khai thực hiện Đề án “Thống kê khu vực kinh tế phi chính thức”, có chính sách hỗ trợ để khu vực kinh tế phi chính thức phát triển đúng mực, khuyến khích cơ sở kinh doanh thuộc khu vực phi chính thức chuyển sang khu vực doanh nghiệp” - TS Lợi nhấn mạnh.