Hiến máu cứu người để trả “món nợ ân tình” cho đồng đội

Lệ Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở tuổi 80, ông Lê Đình Duật (quận Thanh Xuân) hằng ngày vẫn miệt mài với công việc vận động hiến máu. Với ông, hiến máu cứu người không đơn thuần là gieo một mầm xanh cho đời mà đây còn giúp ông trả “món nợ ân tình” cho đồng đội.

Vợ chồng ông Lê Đình Duật
Vợ chồng ông Lê Đình Duật

“Trả món nợ ân tình”

Trong cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ, được trực tiếp tham gia chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc từ năm 1965 đến năm 1972, ông Lê Đình Duật đã chứng kiến nhiều đồng đội bị thương và hy sinh bởi mất máu quá nhiều nhưng không có máu để truyền.

Còn nhớ, vào một đêm tháng 5 năm 1966, sau khi chuẩn bị trận địa mới ở Hương Khê, Hà Tĩnh, trên đường trở về đơn vị, đoàn xe của ông phải dừng giữa chừng vì cầu phao và phà khi đó đã bị máy bay của Mỹ đánh hỏng. Lúc này, đơn vị công binh đang tiến hành sửa chữa, chưa biết khi nào cầu đường mới xong.

Do phải về đơn vị sớm để kịp thời báo cáo kế hoạch hành quân, ông cùng 7 đồng đội quyết định bơi qua sông lên bờ, sau đó, hành quân ra Can Lộc, nơi đơn vị đang đóng quân. Trên đường đi, ông cùng đồng đội gặp một trạm cứu thương đang có nhiều thương binh nặng. Khi đó, Trạm trưởng nhanh chóng đề nghị đoàn cho máu để cứu chữa cho số anh em bị thương, bởi nếu không có máu để truyền, sẽ khó giữ được tính mạng.

“Đứng trước sinh mạng của đồng đội và ánh mắt cầu khẩn của đồng chí Trạm trưởng, cả đoàn lúc này không thể từ chối. Ngay lập tức, tôi và các đồng chí trong đoàn được kiểm tra sức khỏe và làm các thủ tục cần thiết. Tuy nhiên, chỉ có tôi và 4 đồng chí khác có nhóm máu O là đủ điều kiện. Sau khi cho máu, mọi người thấy sức khỏe bình thường, ai nấy đều phấn khởi vì đã góp phần cứu sống các đồng đội trong lúc nguy kịch”, ông Duật nhớ lại.

Một ngày của tháng 6 năm 1967, khi đang chiến đấu bảo vệ Hà Nội thì ông nhận được tin nơi ở của bố vợ tương lai bị máy bay Mỹ đánh bom. Vì vết thương quá nặng, mất nhiều máu, khi đó bệnh viện huyện lại không có máu để truyền nên bố vợ tương lai của ông đã qua đời.

“Thật đau lòng! Do không có máu truyền mà đồng đội, đồng bào và cả người thân của tôi cũng phải vĩnh biệt cõi đời này. Đó là món nợ mà tôi luôn tự nhủ mình phải trả” , Ông Duật xót xa.

Ông Duật - đại diện gia đình nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội
Ông Duật - đại diện gia đình nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Hơn 1000 đơn vị máu được hiến tặng

Năm 1991, khi được nghỉ chế độ, về sinh sống tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân (Hà Nội), ông được lãnh đạo và Nhân dân phường bầu làm Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của phường. Ông cho biết, đây là điều kiện để ông thực hiện tâm nguyện trả “món nợ” mà bản thân ấp ủ lâu nay.

Hiến máu đối với mỗi người là một việc làm tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa vô cùng to lớn, mang niềm tin, hi vọng về sự sống cho con người. Năm 1999, ngay khi có phong trào hiến máu nhân đạo ở địa phương, ông Duật đã đăng ký tham gia ngay. Tuy nhiên, do ông bị huyết áp thấp nên việc hiến máu bị từ chối. Lúc này, vẫn không nản, ông xác định, mình không hiến máu được thì sẽ vận động những người khác tham gia.

Trong quá trình vận động hiến máu, ông đã gặp không ít khó khăn bởi còn nhiều người hiểu sai và có định kiến với việc hiến máu tình nguyện. Do vậy, ông xác định phải vận động gia đình mình trước. “Rất may là khi tôi chia sẻ thì cả gia đình đều nhiệt tình hưởng ứng. Năm 2000, con gái thứ 2 của tôi tham gia hiến máu trước. Trong những năm tiếp theo, vợ, con gái cả và con trai út của tôi cũng bắt đầu tham gia”. Như vậy, ông Duật đã xây dựng được một gia đình cả nhà cùng đồng hành trong việc tuyên truyền, vận động và tham gia hiến máu tình nguyện.

Bà Lê Thị Dinh (vợ ông Duật) tham gia hiến máu năm 2005
Bà Lê Thị Dinh (vợ ông Duật) tham gia hiến máu năm 2005

Trong suốt 22 năm qua, ngoài những người thân trong gia đình, ông Duật đã kiên trì vận động và tuyên truyền đến mọi người hiểu sâu hơn về ý nghĩa của việc hiến máu nhân đạo. Từ đó, họ có quyết tâm hơn và đã thường xuyên thực hiện hành động ý nghĩa này. “Đến nay, tôi đã vận động được hàng nghìn lượt người tham gia hiến máu tình nguyện, nhận về hơn 1000 đơn vị máu an toàn. Trong đó, chỉ tính riêng 5 thành viên của gia đình tôi đã hiến được hơn 200 đơn vị”, ông Duật phấn khởi.

Với những đóng góp quan trọng trong phong trào hiến máu tình nguyện, ông Lê Đình Duật cũng như các thành viên trong gia đình đã nhiều lần nhận được bằng khen, giấy khen của UBND TP Hà Nội, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam,... Đây là sự động viên quý giá, giúp ông và gia đình thêm động lực khi duy trì tham gia phong trào hiến máu và vận động hiến máu. Nhưng có lẽ đối với ông Duật, động lực lớn nhất để ông cùng gia đình vẫn luôn thực hiện công việc này đó chính là những đơn vị máu an toàn của mọi người được đến với người bệnh. Bởi với ông, cho đi là còn mãi...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần