Đến dự buổi lễ có ông Bùi Xuân – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Đà Nẵng; Nhà báo Mai Đức Lộc – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Đà Nẵng; Ông Nguyễn GiaThuỵ, Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam, Bà Trần Thị Kim Hoa – Trưởng Ban quản lý các Dự án, thành lập Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Cùng lãnh đạo các Hội nhà báo của 14 tỉnh Miền Trung - Tây Nguyên và các nhà báo lão thành cách mạng.
Trong suốt chiều dài lịch sử của Báo chí Việt Nam hơn 150 năm và Báo chí Cách mạng Việt Nam có truyền thống hơn 90 năm. Lịch sử báo chí là một phần lịch sử vẻ vang của dân tộc, cần được lưu giữ một cách có hệ thống, khoa học, được bảo quản lâu dài và khai thác có hiệu quả, để các hiện vật, tư liệu của quá khứ sẽ mãi là niềm tự hào, toả sáng cho các thế hệ người làm báo hôm nay và mai sau. Ý thức được ý nghĩa sâu sắc và tầm quan trọng của việc xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Đề án xây dựng Bảo tàng báo chí Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 21/8/2014. Trong suốt thời gian qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết về địa điểm, nhân sự và bước đầu đã khai thác, tiếp nhận các hiện vật, tài liệu. Tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên có 4500 hiện vật báo chí được hiến tặng. Các Hội Nhà báo của các tỉnh đã mang đến buổi lễ những hiện vật quý, có giá trị. Như Hội Nhà báo Quảng Trị hiến tặng hiện vật là chiếc loa 500W đặt bên bờ Hiền Lương trong Kháng chiến Chống Mỹ là một hiện vật phục chế rất đặc biệt. Sắp đến, Chiếc loa sẽ được vận chuyển từ Quảng Trị ra Hà Nội vì có trọng và số lượng rất lớn. Thư viện Đà Nẵng trao tặng Báo Tiếng dân số 1105, thứ 3 ra ngày 7/9/1937. Một hiện vật rất quý gắn với sự nghiệp làm báo của Nhà báo Huỳnh Thúc Kháng. Ông Mai Đức Lộc – Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, phát biểu: “Những hiện vật tư liệu mà các nhà báo và thân nhân các nhà báo hiến tặng hôm nay đã cho thấy một phần lịch sử vinh quang và oanh liệt của đất nước ta trong chiến đấu và lao động sáng tạo. Có thể nói đây là những thông điệp thiêng liêng từ quá khứ là lời kêu gọi nhắc nhở các thế hệ làm báo hôm nay và mai sau tiếp bước các thế hệ cha anh xây đắp truyền thống báo chí vẻ vang của nước nhà. Bảo tàng báo chí Việt Nam là bảo tàng của tất cả các thế hện nhà báo, của Nhân dân Việt Nam. Vì vậy sự hiến tặng hiện vật của các nhà báo, các gia đình nhà báo, các cơ quan báo chí có tính quyết định cho thành công của bảo tàng.”