Đây được xem là bước đi quan trọng trong việc hiện thực hóa các mục tiêu bình đẳng giới; nâng cao vai trò, trách nhiệm của phụ nữ trong phát triển kinh tế, xã hội bền vững.
Phụ nữ còn nhiều thiệt thòi
Trong những năm qua, nhờ hiệu quả từ các chủ trương, chính sách về giới của các cơ quan chức năng, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ rõ rệt trong công tác bình đẳng giới. Số hộ gia đình do phụ nữ làm trụ cột đã và đang tăng lên nhanh chóng. Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động của Việt Nam hiện ở mức cao và khoảng cách giới về thu nhập thấp hơn nhiều so với các nước khác thuộc khu vực châu Á.
Một trong 7 nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ do UN Women kiến nghị là khuyến khích giáo dục, đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho phụ nữ.Ảnh:Internet
Tuy nhiên, tỷ lệ lao động nữ đã qua đào tạo còn thấp, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển của thời kỳ mới. Số lao động nữ có bằng cấp chuyên môn chỉ đạt 11%. Phụ nữ cũng thường tham gia vào các công việc dễ bị tổn thương hơn như các lao động tự thuê và công việc gia đình không được trả công. Khoảng cách thu nhập và mức sống giữa các nhóm phụ nữ, thuộc các vùng miền còn lớn. Đời sống của một bộ phận phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và các phụ nữ yếu thế (nghèo, khuyết tật, đơn thân)… thực sự khó khăn.
Bình đẳng giới bắt đầu từ doanh nghiệp
Trước thực trạng trên, nhằm nâng cao quyền năng cho phụ nữ để hỗ trợ họ tham gia đầy đủ vào các hoạt động kinh tế trong mọi khu vực và ở mọi cấp độ, UN Women và Cơ quan hiệp ước toàn cầu của LHQ đã đưa ra nguyên tắc này gồm 7 bước hướng dẫn các doanh nghiệp cách thức trao quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc, thị trường và cộng đồng.
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam nhấn mạnh, khu vực doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng thông qua tạo công ăn việc làm và thu nhập bền vững, nâng cao tay nghề, năng lực và tăng cường tiềm năng về kinh tế - xã hội cho phụ nữ. Vì vậy, việc các doanh nghiệp ủng hộ Các nguyên tắc này là biểu hiện rõ ràng nhất ủng hộ cho mục tiêu chung về sự tiến bộ nhân quyền cho phụ nữ Việt Nam.
Trong khi đó, Trưởng đại diện UN Women, bà Suzette Mitchell kiến nghị, Chính phủ Việt Nam cần cân nhắc cam kết của doanh nghiệp đối với bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ khi đưa ra các quyết định về quan hệ đối tác kinh doanh và mua sắm; đồng thời lưu ý tới các nguyên tắc này trong việc xây dựng, rà soát các chính sách công liên quan đến sự bền vững của doanh nghiệp.
7 nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ
1. Thiết lập nguyên tắc lãnh đạo cấp cao đối với bình đẳng giới.
2. Đối xử bình đẳng nam và nữ trong công việc, tôn trọng, hỗ trợ phụ nữ và không phân biệt nam nữ.
3. Đảm bảo sức khỏe, an toàn và không bạo lực đối với cả lao động nam và nữ.
4. Khuyến khích giáo dục, đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho phụ nữ.
5. Phát triển doanh nghiệp, chuỗi cung ứng và các hoạt động marketing nhằm thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ.
6. Khuyến khích thực hiện bình đẳng giới thông qua các sáng kiến cộng đồng.
7. Các công cụ theo dõi và báo cáo tiến bộ trong công tác bình đẳng giới.
|