Hiện thực hóa giấc mơ nhà ở cho người thu nhập thấp
Kinhtedothi- Chính sách nhà ở xã hội luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, Chính phủ và Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo, xác định đây là chính sách nhân văn, ý nghĩa. Tại Hà Nội, cùng với Luật Thủ đô 2024, nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đã được lãnh đạo TP ban hành nhằm hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp, công nhân trong các khu công nghiệp được cải thiện về nhà ở.
Hàng loạt dự án nhà ở xã hội đã và đang triển khai
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay trên địa bàn Hà Nội đã có 30 dự án nhà ở xã hội (NƠXH) đã hoàn thành, với khoảng 1,66 triệu m2 sàn. 58 dự án đang triển khai với khoảng 4 triệu m2 sàn, 60.480 căn hộ. Ngoài ra, có 83 ô đất với tổng quy mô sử dụng đất khoảng 43,58ha tại 48 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành quỹ đất 20 - 25% để xây dựng NƠXH theo quy định...
Tuy nhiên, Sở Xây dựng Hà Nội nhìn nhận, công tác phát triển NƠXH trên địa bàn TP Hà Nội vẫn hạn chế. Đơn cử như, từ năm 2015 đến nay chưa có dự án NƠXH nào được đầu tư bằng vốn ngân sách, số lượng các dự án NƠXH phát triển mới còn hạn chế, các dự án đầu tư xây dựng NƠXH, nhà ở công nhân đang triển khai đều chậm so với tiến độ được duyệt...
Sở Xây dựng Hà Nội cũng chỉ ra nguyên nhân chủ yếu do khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng NƠXH theo hình thức đấu thầu mất nhiều thời gian; việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án tại các quỹ đất xây dựng NƠXH còn vướng mắc liên quan đến cơ sở pháp lý về tài sản công... Đồng thời, cơ chế, chính sách ưu đãi đối với dự án NƠXH chưa thực sự hấp dẫn, chưa thu hút DN tham gia đầu tư xây dựng NƠXH nhất là các dự án khu vực ngoại thành và dự án phục vụ các đối tượng là công nhân, sinh viên...

Nhà ở dành cho người có thu nhập thấp ở phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Hồng Thái
Theo quy định pháp luật (kể cả Luật Nhà ở năm 2023) chỉ quy định UBND cấp tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án đầu tư xây dựng NƠXH, chưa quy định hỗ trợ đầu tư các công trình bên trong dự án, do vậy chưa thu hút được các nhà đầu tư tham gia đầu tư hoặc không đáp ứng hiệu quả tài chính nhà đầu tư triển khai dự án.
Bên cạnh đó, UBND cấp tỉnh, TP chỉ được quy định những nội dung thuộc thẩm quyền trong khi các văn bản luật hiện nay chưa giao cho địa phương chủ động xây dựng những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù riêng để thu hút đầu tư.
Nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị
Mới đây, ngày 6/3, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 768/UBND-ĐT về việc thực hiện chỉ tiêu hoàn thành NƠXH trong năm 2025 và các năm tiếp theo đến năm 2030 trên địa bàn TP. Theo đó, UBND TP giao Sở Tài chính chủ trì, theo dõi, cập nhật chỉ tiêu hoàn thành NƠXH trong năm 2025 và các năm tiếp theo đến năm 2030 trên địa bàn TP được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 444/QĐ-TTg ngày 27/2/2025 nêu trên vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của TP. UBND TP giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành TP rà soát cập nhật danh mục theo dõi tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà NƠXH trên địa bàn TP. Ngoài ra, kịp thời tham mưu UBND TP xem xét, chỉ đạo, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ đầu tư xây dựng NƠXH, bảo đảm khả năng hoàn thành chỉ tiêu trong năm 2025 và các năm tiếp theo đến năm 2030.
Ngày 24/3, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã ban hành Thông báo số 148/TB-VP về kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn tại cuộc họp nghe báo cáo về tình hình triển khai thực hiện 5 khu NƠXH tập trung trên địa bàn TP. Theo đó, UBND TP yêu cầu Sở Xây dựng cùng các sở, ngành TP và các đơn vị có liên quan nâng cao trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo về cách thức giải quyết công việc, nâng cao chất lượng công tác tham mưu; xác định việc phát triển NƠXH, trong đó trọng tâm là các khu NƠXH tập trung là nhiệm vụ cấp bách cần tập trung, thúc đẩy nhanh, mạnh trong thời gian tới…
Ngày 25/3 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 1087/UBND-ĐT, giao các sở, ban, ngành TP và UBND các quận, huyện, thị xã, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiên cứu, triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, xác định phát triển NƠXH là nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo về cách thức giải quyết công việc, áp dụng cơ chế một cửa liên thông, thực hiện xử lý hồ sơ song song hoặc lồng ghép các thủ tục, ưu tiên giải quyết theo “làn xanh” để rút ngắn ít nhất 30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng NƠXH trên địa bàn TP…
Kỳ vọng tạo bứt phá phát triển nhà ở xã hội
Luật Thủ đô 2024 đã quy định một số biện pháp đặc thù để phát triển nhà ở trên địa bàn Thủ đô; trong đó có quy định đặc thù đối với việc phát triển NƠXH.
Cụ thể, Điều 29 về phát triển nhà ở quy định: Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn TP phải phù hợp với Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô; ưu tiên đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà ở, các khu NƠXH độc lập theo hướng hiện đại, thuận tiện, đồng bộ với việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội. HĐND TP quyết định sử dụng ngân sách TP để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu trong các dự án đầu tư xây dựng NƠXH độc lập. HĐND TP quy định cơ chế, chính sách, biện pháp ưu đãi, hỗ trợ đối với dự án phát triển nhà ở, nhà lưu trú bố trí cho người lao động làm việc tại khu công nghệ cao, khu công nghiệp trên địa bàn TP…
Điều 27 về chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội quy định: Xây dựng hệ thống chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của Thủ đô bảo đảm đa dạng, toàn diện, hiện đại, bền vững, bao phủ toàn dân; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tối đa các dịch vụ xã hội thiết yếu về y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục, thể thao, trợ giúp xã hội, trợ giúp pháp lý, nước sạch, NƠXH, tiếp cận thông tin. HĐND TP quyết định các chính sách xã hội sau đây: Bố trí ngân sách để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, vay mua nhà ở xã hội, hỗ trợ công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp vay mua NƠXH…
Các chuyên gia cho rằng, những quy định mới mang tính “đột phá”, mang đến những cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư ở mức cao nhất theo khung quy định trong Luật Thủ đô 2024 sẽ giúp cho Hà Nội giải quyết được rất nhiều công việc phía trước. Đặc biệt, phát triển NƠXH tại vùng ven như những khu vực xung quanh Vành đai 4, nơi có quỹ đất dồi dào, có thể giúp cho Hà Nội tạo lập được quỹ nhà đủ lớn để cân đối cung - cầu. Khi đó, giá nhà của các dự án thương mại cũng sẽ được điều chỉnh về mức phù hợp hơn với nhu cầu, khả năng chi trả của hàng triệu người dân Thủ đô.

Ưu tiên giải quyết triển khai dự án nhà ở xã hội theo “làn xanh”
Kinhtedothi - Ngày 25/3, UBND TP Hà Nội có Công văn số 1087/UBND-ĐT về việc thực hiện Thông báo số 120/TB-VPCP ngày 18/3/2025 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng đôn đốc các địa phương hoàn thành chỉ tiêu nhà ở xã hội
Kinhtedothi – Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi các địa phương đôn đốc việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (NƠXH).

Tín hiệu từ dự án nhà ở xã hội 600 căn hộ ở Long Biên
Máy móc bắt đầu hoạt động tại khu đất xây nhà ở xã hội ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên.