Hiện thực mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân là thước đo

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện việc học tập tinh thần phục vụ Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác đang tiếp tục được các cấp, các ngành đẩy mạnh bằng những việc làm, mô hình cụ thể.

Như tại Hà Nội, các cơ quan, đơn vị của TP đã không ngừng nỗ lực đổi mới, quyết tâm xây dựng một nền hành chính phục vụ Nhân dân tốt hơn.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Bảo hiểm xã hội Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Bảo hiểm xã hội Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Không chỉ là khẩu hiệu

Như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ rõ, tấm gương vì dân, vì nước, yêu thương và gắn bó, tôn trọng Nhân dân của Bác Hồ luôn là kiểu mẫu về đạo đức, phong cách của người cộng sản, người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trong giai đoạn hiện nay, một trong những giá trị cần xác lập trong tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức chính là tính chuyên nghiệp, hiệu quả. Trong đó, tính chuyên nghiệp của đội ngũ “công bộc” không chỉ thể hiện qua năng lực thực tế, mà còn thể hiện ở sự chuẩn hóa trong quy trình, bảo đảm các tiêu chuẩn nghề nghiệp.

Tại Hà Nội, trong những năm qua, với mục tiêu lấy người dân và DN làm trọng tâm để phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân là thước đo hiệu quả công việc không chỉ là một khẩu hiệu. Thực tế, cả hệ thống chính trị của TP đã quyết tâm thực hiện việc tăng cường trật tự, kỷ cương hành chính; nâng cao vai trò nêu gương, đạo đức công vụ, tinh thần, thái độ, ý thức, văn hóa ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp tại công sở, nơi cư trú và nơi công cộng. Tại nhiều đơn vị, yêu cầu xây dựng các mô hình văn hóa thanh lịch, văn minh, nhất là mô hình văn hóa ứng xử tại bộ phận “một cửa”, văn hóa giao tiếp thân thiện của người dân... đã được thực thi hiệu quả, theo mục tiêu, yêu cầu của văn hóa công vụ.

Với việc đo lường chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân được thực hiện thường xuyên tại các đơn vị, đã giúp phát huy những điểm tốt, có giải pháp kịp thời những hạn chế. Kết quả đo lường mức độ hài lòng ở các địa phương, cơ quan vì thế cũng tăng lên. Lấy “xây” để “chống”, đi liền với đo lường mức độ hài lòng của người dân, cấp ủy, chính quyền các cấp TP Hà Nội còn đẩy mạnh kiểm tra công vụ, xử lý cán bộ, công chức để xảy ra sai phạm, qua đó khắc phục ngay những hạn chế.

Những mô hình hiệu quả

Tại các phường, xã hoặc những ngành thường xuyên trực tiếp "va chạm" với người dân, việc học tập, làm theo Bác luôn song hành với công việc hằng ngày trong thực hiện tốt các Quy tắc ứng xử nơi công sở, đồng thời, triển khai nhiều mô hình sáng tạo để hiện thực tiêu chí "Lấy người dân làm trung tâm phục vụ".

Điển hình như mô hình “5 thủ tục - 5 giải quyết tại chỗ” tại phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, Hà Nội) được triển khai từ tháng 7/2022, đã giảm thời gian giải quyết một số thủ tục hành chính cấp phường, tiết kiệm thời gian cho người dân. Hay có thể kể đến sáng kiến “5 thủ tục hành chính không chờ” của phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm. Sau gần một năm thí điểm đã giúp việc giải quyết số lượng lớn hồ sơ thuận tiện, rút ngắn thời gian đi lại, chờ đợi của công dân. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính giảm từ ½ - 1 ngày chỉ còn 15 phút. Mô hình này hiện đã được quận Hoàn Kiếm nhân rộng đồng loạt ra 18 phường với quy trình thực hiện thống nhất.

Đầu tháng 10/2022, UBND phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm đã cho ra mắt mô hình "Đánh giá mức độ hài lòng của người dân" tại bộ phận “Tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính”. Như lãnh đạo UBND phường đã nhận định, việc ra mắt mô hình nhằm đẩy mạnh về tổng thể cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình chính quyền đô thị.

Trong đó tập trung đổi mới, nâng cao lề lối, tác phong, thái độ ứng xử, giao tiếp của cán bộ, công chức với Nhân dân, tổ chức khi đến giao dịch hành chính tại công sở nhằm mục đích nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức.

 

TP đang tiếp tục hướng đến nền hành chính hiện đại phục vụ hiệu quả, ngày càng nâng cao mức độ hài lòng của người dân và DN. Trong đó, có kế hoạch khắc phục, cải thiện, nâng cao sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính liên quan hoạt động kinh doanh và đời sống.