Bộ trang phục theo chân Bác
Trong chuyên đề trưng bày lần này, ấn tượng với công chúng là bộ quần áo kaki được xếp trong phần nội dung “Sức mạnh dân tộc”. Theo chú thích bên dưới, đây là một trong những bộ quần áo Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mặc trong những ngày Cách mạng Tháng Tám 1945. Nhưng để sưu tầm, lưu giữ được câu chuyện, hoàn cảnh xuất hiện của bộ trang phục, lại là cả một quá trình dày công tìm hiểu.
Phó Trưởng phòng Trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quốc gia – Trần Thu Hà cho biết: Năm 1958, trong thời gian xây dựng Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia), Bảo tàng đã tiếp nhận một bộ quần áo kaki màu vàng nhạt, trên cổ áo đã có chỗ bị sờn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bộ quần áo kaki này đã gắn bó với Bác trong suốt thời gian dài, từ sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Bác đã mặc trong các sự kiện quan trọng như Lễ ra mắt Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với quốc dân, ngày 3/9/1945; chủ trì các cuộc họp của Chính phủ, của quốc hội… đặc biệt là những cuộc gặp gỡ, nói chuyện với đồng bào Việt Nam cũng như Việt kiều ở nước ngoài. Đến năm 2008, cán bộ của Bảo tàng đã đến gặp bà Hoàng Thị Minh Hồ - vợ của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô để xác minh ngọn nguồn của hiện vật.
Ngày 24/8/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội. Đây là ngôi nhà của gia đình ông Trịnh Văn Bô nhưng đã được sử dụng làm cơ sở hoạt động cách mạng .Theo lời kể của bà Hoàng Thị Minh Hồ, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong ban Thường vụ T.Ư Đảng về ở tại 48 Hàng Ngang, Bác chỉ mặc chiếc áo nâu, quần sóc và vai đeo một chiếc túi dết bạc màu.
Vì sắp đến ngày ra mắt quốc dân đồng bào, nên bà Hoàng Thị Minh Hồ đã đề xuất với ông Nguyễn Lương Bằng: Mỗi người cần có bộ quần áo trang trọng. Khi đó vì vải hiếm, ông Trịnh Văn Bô lại có nhiều bộ quần áo đẹp, may chỉ để quảng cáo, chỉ mặc 1-2 lần nên bà Hồ đã nhờ hiệu may sửa chữa, nhuộm hấp để cắt vừa bộ trang phục cho đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh… Còn bà Hồ may cho Bác 2 bộ quần áo hàng kaki. “Bộ trang phục này được hiệu may Phúc Hưng ở phố Hàng Trống – một hiệu may tốt, có quen biết với nhà tôi may đo. Đến tối ngày 1/9/1945 mới đủ quần áo cho các đồng chí” – bà Hoàng Thị Minh Hồ tâm sự với cán bộ Bảo tàng.
Kỷ niệm ùa về cùng cảm xúc thiêng liêng
Trưng bày "Ngày Độc lập 2/9" được chia thành 2 phần: Sức mạnh dân tộc và Ngày Độc lập 2/9, trong đó, không chỉ có bộ quần áo kaki của Bác, mà rất nhiều hiện vật gốc, hiện vật quý hiếm được lựa chọn từ hơn 1.800 hiện vật về cách mạng tháng Tám được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Trải qua 75 năm, chiếc micro Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, 2 cuốn sổ ghi công việc hàng ngày của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ ngày 2/9/1945 đến 17/10/1945 (bản viết tay), bản nhạc bài hát “Tiến quân ca” do chính nhạc sĩ Văn Cao chép tặng Bảo tàng, bản Nghị quyết hội nghị T.Ư 8 (viết tay)… cũng đã được đưa ra trưng bày lần này
Ngắm nhìn các hiện vật tại chuyên đề “Ngày Độc lập 2/9”, nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ: Bằng các hiện vật quý, triển lãm để lại cho chúng ta cảm xúc rất lớn, đó là cảm xúc tự hào khi từ một quốc gia nô lệ lại trở thành quốc gia độc lập. Nhưng triển lãm cũng giúp thế hệ hôm nay đặt ra câu hỏi: Tại sao, Đảng cộng sản Đông Dương lúc ấy chỉ có hơn 5 nghìn Đảng viên, trong số đó rất nhiều Đảng viên đang bị thực dân giam cầm, nhưng chúng ta vẫn phát huy sức mạnh tập thể, giải phóng giành chính quyền, giành độc lập. Tại sao, trong thời hiện nay chúng ta chưa phát huy được hết sức mạnh của Đảng cầm quyền. Người dân ngày nay sống đầy đủ hơn cha anh nhưng lại bó tay trước rất nhiều khó khăn. Soi chiếu lịch sử để thế hệ hôm nay răn mình.
TS Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết: Thông qua Trưng bày, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mong muốn góp phần giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về mốc son lịch sử Cách mạng tháng Tám 1945, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, giá trị của độc lập, tự do... từ đó góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.