Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày hôm nay

Theo VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Theo quy định của Hiệp định CPTPP sau 60 ngày tính từ khi quốc gia thứ 6 phê chuẩn Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được 11 nước thành viên sáng lập gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru và Việt Nam ký kết hồi tháng 3/2018 tại Chile.
Hiệp định TPP-11 (hay CPTPP) dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 12/2018. (Ảnh: Getty)
Theo quy định, CPTPP sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi được 6 nước phê chuẩn. Sau Nhật Bản, Mexico, Singapore, New Zealand và Canada, Australia là quốc gia thứ 6 đã phê chuẩn CPTPP vào ngày 30/10 vừa qua. Như vậy, ngày hôm nay (30/12), Hiệp định CPTPP sẽ chính thức có hiệu lực.
Tháng 11 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua Hiệp định CPTPP và sẽ có hiệu lực từ ngày 14/1/2019. Với việc CPTPP có hiệu lực từ ngày 30/12 sẽ tạo nên một thị trường gần 500 triệu người tiêu dùng, với quy mô kinh tế của khối lên tới 13.500 tỷ USD.
Theo đại diện Bộ Công Thương, cơ hội lớn nhất từ CPTPP với Việt Nam không phải là việc mở rộng thị trường mà là cải cách thể chế. Việt Nam sẽ hướng tới việc sửa 7 luật và hàng chục Nghị định trong quá trình rà soát pháp luật để phù hợp với các quy định của CPTPP, áp dụng trực tiếp nhiều cam kết, đặc biệt trong lĩnh vực mở cửa dịch vụ và đầu tư.
Việc cải cách thể chế sẽ giúp môi trường kinh doanh được cải thiện, đầu tư nước ngoài và trong nước được duy trì và tăng trưởng, tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu để tận dụng thị trường CPTPP, giúp nâng cao trình độ va năng lực cạnh tranh của hàng Việt; mặt khác, thu hút đầu tư có hàm lượng công nghệ cao.
Đặc biệt, việc các doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu trong nội khối CPTPP không phải chịu các khoản thuế sẽ giúp dịch chuyển chuỗi cung ứng và doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tham gia. Về xuất khẩu, lợi ích cũng sẽ có, trước hết từ các thị trường chưa có FTA như Canada, Mexico, Peru, thậm chí cả thị trường Nhật Bản.