Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP): Chất xúc tác để Việt Nam cải cách

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Việt Nam chuẩn bị bước vào sân chơi lớn với hàng loạt Hiệp định Thương mại ký kết có hiệu lực, trong đó phải kể đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Điều này được ví như một chất xúc tác mạnh cho quá trình cải cách”- PGS.TS Hoàng Văn Cường - đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị.

Sân chơi lớn cho các nền kinh tế

Thưa ông, việc Quốc hội sẽ phê chuẩn Hiệp định CPTPP tại kỳ họp này có ý nghĩa như thế nào? Khi CPTPP có hiệu lực vào cuối năm 2018 sẽ mang lại lợi ích cho các nước đã ký kết?

- Việc phê chuẩn này sẽ chính thức hóa việc Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP, giúp đẩy nhanh hội nhập với các nước trong nhóm ký kết. CPTPP không chỉ sẽ tác động ở lĩnh vực kinh tế mà còn tác động tích cực đến Việt Nam trên nhiều khía cạnh, đồng thời tạo vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trước Việt Nam, 6 nước đã phê chuẩn CPTPP là: Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore và New Zealand đã kích hoạt khoảng thời gian chờ kéo dài 60 ngày để đưa thỏa thuận vào thực thi và tiến hành vòng cắt giảm thuế quan đầu tiên. Và trong số các nước trên đều là những nước có vị trí và vai trò kinh tế rất quan trọng trong khu vực này. Hiệp định sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển…

CPTPP có gì khác so với những Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia ký kết và đàm phán? Thuận lợi và thách thức gì, thưa ông?

- Trong số những FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết và đàm phán thì CPTPP là Hiệp định rất quan trọng và tiến bộ, có độ mở cửa thị trường cao nhất, xóa bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình, tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại. Sẽ có tới 66% dòng thuế về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 86,5% dòng thuế sẽ về 0% sau 3 năm và sau 11 năm có 97,8% dòng thuế sẽ được xóa bỏ.
 Ngành dệt may Việt Nam sẽ được hưởng nhiều lợi ích khi vào CPTPP. Ảnh: Thanh Hải
Ngoài ra, không chỉ điều chỉnh các vấn đề thương mại truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà CPTPP còn điều chỉnh nhiều vấn đề mới như thương mại điện tử, mua sắm công, môi trường, DNNN… Các yêu cầu trong CPTPP cao hơn WTO rất nhiều và yêu cầu về sở hữu trí tuệ, bảo vệ người lao động, phòng chống tham nhũng cũng chặt chẽ hơn. Về phía Nhà nước, để đáp ứng được những tiêu chuẩn, quy định trong hiệp định này, cơ quan quản lý cần sớm sửa đổi các luật cho phù hợp quy định, cam kết trong CPTPP.

Hay như trong lĩnh vực đầu tư, nội dung thương mại dịch vụ qua biên giới trong Hiệp định CPTPP đề cập đến 4 khía cạnh, gồm đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc, mở cửa thị trường và hiện diện địa phương. Tại mục đối xử quốc gia đã quy định, nước sở tại không được đối xử với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài ở hoàn cảnh tương tự kém thuận lợi hơn nhà cung cấp dịch vụ trong nước. Điều này sẽ tạo sức ép rất lớn đối với cơ quan quản lý Nhà nước, bởi các DN nước ngoài hoàn toàn có quyền khởi kiện chúng ta, nếu chúng ta làm không tốt.

CPTPP được giới quan sát đánh giá là thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ hiện nay. Đến thời điểm này ông nhìn thấy những thuận lợi gì cho Việt Nam, với các ngành hàng cụ thể?

- CPTPP được ký kết mang một ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế toàn cầu trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang có chiều hướng lan rộng. CPTPP được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu, giảm thâm hụt thương mại và mức độ phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc... Xuất khẩu sẽ tăng thêm, trong đó có nhiều thị trường mới như: Peru, Mexico và nhiều nước khác. Thậm chí những thị trường Việt Nam đã có FTA thì nhiều loại hình dịch vụ cũng được mở ra giúp tình hình xuất khẩu tốt hơn.

Tham gia CPTPP, ngành dịch vụ, viễn thông, bưu chính, thương mại điện tử, dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo… dự báo sẽ tiếp tục có tăng trưởng đột biến. Đặc biệt, dệt may, da giày vẫn được xem là những ngành hưởng lợi nhất khi CPTPP có hiệu lực khi dệt may đang xuất siêu ở một số nước trong khối hiệp định CPTPP. Nhưng ngược lại, hóa chất, sản phẩm nhựa, thiết bị vận tải và máy móc, ô tô… sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt.

CPTPP được 11 nước thành viên bao gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Việt Nam ký kết hồi tháng 3 vừa qua tại Chile sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này. CPTPP tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 500 triệu dân và GDP lên tới 13.500 tỷ USD, chiếm 13,5% tổng GDP toàn cầu. World Bank ước tính, CPTPP sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm theo các kịch bản khác nhau, thấp nhất là 1,1%, mức cao hơn là 3,5% (khi năng suất lao động tăng vừa); xuất khẩu tăng 4,2 - 6,9%; nhập khẩu tăng 5,3 - 7,6%. Nếu tận dụng tốt các cơ hội để nâng cao năng suất lao động hơn nữa thì kết quả còn cao hơn, tăng thu nhập cho người dân, ngân sách.

Đặc biệt, yêu cầu từ CPTPP là xuất xứ. Hiện nguồn cung ứng nguyên phụ liệu, xuất xứ cho ngành dệt may rất hạn chế. Yêu cầu trong CPTPP là xuất xứ của hàng dệt may phải từ sợi (thay vì từ vải như một số hiệp định khác), trong khi các DN trong nước chưa đầu tư được nhiều vào khâu sợi dệt nhuộm. DN cần nhất lúc này là làm sao tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh đầu tư vào khâu xuất xứ cho nguyên phụ liệu mà cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Hay như trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp nhiều ngành chậm chạp trong đổi mới, tái cơ cấu sẽ đối mặt với nhiều thách thức.

Gia tăng áp lực cạnh tranh, thúc đẩy sáng tạo

Ngân hàng thế giới (WB) vừa công bố xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tụt 1 bậc, xếp thứ 69/190 nền kinh tế, sau khi Chính phủ đã liên tục, quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian qua. Điều này nói lên điều gì?

- Môi trường kinh doanh tại Việt Nam dù đã được Chính phủ quyết liệt cải cách song ở nhiều bộ phận khác chưa thực chất, còn nhiều rào cản cho DN. Mặt khác không chỉ Việt Nam, nhiều nước cũng đang cải cách rất mạnh mẽ và nhanh. Như tôi đã nói CPTPP có các quy định, cam kết rất toàn diện với chuẩn mực và tính minh bạch rất cao, lại có cơ chế giám sát chặt chẽ. Như vậy đòi hỏi thể chế pháp luật phải sửa đổi để phù hợp hơn. Điều đó sẽ giúp chúng ta tiến hành các cuộc cải cách một cách bài bản, thực chất, nghiêm túc và hiệu quả hơn. Sức ép bên ngoài cộng hưởng với mong muốn trong nước sẽ buộc chúng ta phải thay đổi mạnh mẽ nếu không muốn bị trả giá.

CPTPP sẽ có hiệu lực vào cuối năm. Điều cần làm cấp thiết lúc này là gì, và ông có lưu ý gì cho DN?

- Điều cần làm lúc này là nhanh chóng đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện khung khổ pháp lý - thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và minh bạch hơn cho DN. Kinh nghiệm khi Việt Nam gia nhập WTO, hay khi ký các FTA cho thấy nếu tận dụng tốt cơ hội khai thác thị trường, thực thi cam kết hội nhập gắn với nền kinh tế một cách chủ động thì sẽ hạn chế được những tác động tiêu cực. Một điểm nữa tôi muốn nói, khi tham gia các FTA thuế xuất nhập khẩu giảm, NSNN sẽ giảm đi nhưng nếu Chính phủ cải thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện cho DN phát triển, tăng năng suất lao động để DN hoạt động hiệu quả thì bù lại sẽ thu được nguồn thuế thu nhập DN, và có thêm nhiều tầng lớp trung lưu xuất hiện, qua đó tăng thu nội địa.

Những quy định khắt khe trong CPTPP sẽ tạo áp lực cạnh tranh, đẩy mạnh sáng tạo trong DN nếu muốn thâm nhập vào các nước và giữ thị trường nội địa. Tuy vậy, các DN của ta chủ yếu là DNVVN, do đó, cần thêm hỗ trợ từ Chính phủ và có sự liên kết với các DN trụ cột, có chương trình riêng hỗ trợ DN. Đặc biệt, Việt Nam cần đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và ngăn chặn tình trạng mượn xuất xứ nhằm hưởng lợi từ CPTPP như đã phân tích ở trên.

Xin cảm ơn ông!