Hiệp định EVFTA và EVIPA: Thời cơ đang đến nhưng có tận dụng được thời cơ hay không là vấn đề

Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Chiều 20/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA).

Quốc hội thảo luận trực tuyến việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA)

Thời cơ đang đến

Thảo luận tại phiên họp toàn thể, các đại biểu tại hội trường Diên Hồng và đại biểu phát biểu từ các điểm cầu đều bày tỏ nhất trí cao với đề xuất Quốc hội phê chuẩn các Hiệp định Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA). Bên cạnh đó việc thực hiện cơ chế giải quyết tranh chấp theo Hiệp định EVIPA cũng đặt ra những thách thức lớn hơn trong việc xây dựng và thực thi pháp luật, phòng ngừa và giải quyết có hiệu quả tranh chấp, vướng mắc với nhà đầu tư. Những thách thức nêu trên đòi hỏi Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp phải thực hiện những giải pháp đồng bộ, toàn diện để có thể phát huy tối đa những lợi ích từ Hiệp định EVIPA và EVFTA.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh cho biết nếu như Hiệp định EVFTA có thể có hiệu lực ngay thì Hiệp định EVIPA cần phải có sự phê chuẩn của 27 Nghị viện của các nước thành viên của Liên minh Châu Âu mà các nước này có nền chính trị khác với Việt Nam. Do đó, quá trình phê chuẩn có thể có nhiều ý kiến trái chiều, đặt ra nhiều nhiệm vụ cần phải làm đối với Việt Nam cả về đối nội và đối ngoại trong đó có hoàn thiện thể chế.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng với hai Hiệp định này thời cơ đang đến nhưng có tận dụng được thời cơ hay không là vấn đề. Từ kinh nghiệm hội nhập 20 năm qua từ việc ký kết hiệp định song phương với Hoa Kỳ hay việc gia nhập WTO…cho thấy Việt Nam có những ưu điểm và cũng có những điểm yếu trong biến thời cơ thành động lực. Đại biểu đề nghị Chính phủ chú trọng chiến lược, kế hoạch cụ thể để toàn xã hội, toàn hệ thống chính trị nỗ lực hiện thực các nội dung của Hiệp định để tạo được sự thay đổi mạnh mẽ về thể chế để thời cơ, đem lại cơ hội thúc đẩy phát triển.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Hồng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng không cần thiết ban hành Nghị quyết riêng của Quốc hội về công nhận và cho thi hành phán quyết chung thẩm của Cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Hồng cho rằng các quy định tại Điều 3.57 Chương 3 của Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA đã quy định rõ, chi tiết, có thể áp dụng trực tiếp. Đại biểu Nguyễn Công Hồng chỉ rõ, tại khoản 3,4,5 và 7 Điều 3.57 của Hiệp định quy định trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực hoặc thời gian dài hơn nếu xét thấy cần thiết, phán quyết EVIPA mà bị đơn là Việt Nam được Tòa án có thẩm quyền xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam theo quy định của Công ước New York 1958 và Việt Nam đã là thành viên của Công ước New York 1958.

Các phán quyết chung thẩm được Cơ quan giải quyết tranh chấp phúc thẩm ban hành được coi là phán quyết trọng tài. Việc cho công nhận và thi hành phán quyết trong thời hạn trên và các bên sẽ công nhận phán quyết chung thẩm là ràng buộc và cho thi hành các nghĩa vụ tài chính trên lãnh thổ của mình tương tự như phán quyết chung thẩm của tòa án của Bên đó.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Hồng, nếu ban hành một Nghị quyết riêng thì về bản chất nội dung của dự thảo Nghị quyết chỉ quy định cụ thể hơn việc áp dụng Điều 3.57 của Hiệp định. Do đó việc ban hành Nghị quyết riêng là không cần thiết và chỉ cần ban hành một điều khoản riêng trong Nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội quy định về việc áp dụng trực tiếp, đồng thời yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao rà soát kiến nghị sửa đổi bổ sung quy định của pháp luật trong nước để bảo đảm thống nhất.

Đại biểu Nguyễn Công Hồng cũng cho rằng, phương án này sẽ khắc phục được vướng mắc trong việc xác định thời điểm có hiệu lực của dự thảo Nghị quyết. Hơn nữa việc cho phép áp dụng trực tiếp các quy định tại Điều 3.57 của Hiệp định không dẫn đến bất cứ bất lợi nào; cũng không phải xem xét sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự hoặc Luật Thi hành án dân sự. Việc áp dụng trực tiếp cũng thể hiện sự thiện chí, nhất quán, quyết tâm chính trị cao của Nhà nước Việt Nam trong việc thực thi Hiệp định.

Giải trình làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và có nghiên cứu để báo cáo Chính phủ xem xét khả năng có thể tích hợp các nội dung trong Nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn Hiệp định EVIPA.

Sau khi đại biểu Quốc hội thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA, các Bộ trưởng đã giải trình, tiếp thu một số nội dung về vấn đề này. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc.

 Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh giải trình một số nội dung liên quan đến 2 Hiệp định  EVFTA và EVIPA.
Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trân trọng cảm ơn các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội đối với việc phê chuẩn 2 Hiệp định. Bộ trưởng nêu rõ, Chính phủ sẽ tiếp thu các ý kiến, các phân tích sâu của các đại biểu để thực hiện 2 Hiệp định một cách có hiệu quả cao nhất, đáp ứng được yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian tới. Những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực thi các hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã tham gia trước đây sẽ là những bài học quý báu để rút kinh nghiệm trong việc thực thi 2 Hiệp định này.
Về hiệu quả và ý nghĩa của Hiệp định EVFTA, Bộ trưởng thống nhất với các ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế thế giới và kinh tế của Việt Nam theo chiều hướng tiêu cực, chúng ta càng thấy rằng rất cần phải khẩn trương kích hoạt nền kinh tế trở về trạng thái bình thường mới, khai thác và phát triển những thị trường tiềm năng, chiến lược như thị trường Liên minh Châu Âu này. Đây cũng là cơ hội để chúng ta tăng năng lực cạnh tranh và tiếp tục đa dạng hóa các thị trường, tránh sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.
Bộ trưởng nêu rõ, Chính phủ rất quan tâm và có chỉ đạo kiên quyết để đảm bảo được tiến độ chung của Hiệp định; xây dựng và hoàn thiện sớm chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Hiệp định này. Các Bộ, ngành đã liên tục hoàn thiện các đề án, đến nay, nhiều địa phương và Bộ, ngành đều đã có chương trình hành động riêng của mình.
Giải trình, tiếp thu một số nội dung liên quan đến hiệp định EVIPA, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đối với việc tham gia Hiệp định, bên cạnh những cơ hội rất nhiều thì chúng ta cũng có những thách thức rất lớn khi mà cơ sở hạ tầng của chúng ta còn chưa đảm bảo, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Đây là những cản trở khi chúng ta ký hiệp định với Liên minh Châu Âu, cũng như thu hút đầu tư nước ngoài.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm, đối với cách doanh nghiệp Việt Nam, năng lực cạnh tranh còn thấp, quy mô vốn đầu tư nhỏ, khả năng công nghệ hạn chế. Do đó, để tận dụng được các cơ hội khi chúng ta tham gia Hiệp định thì vấn đề tổ chức thực hiện là quan trọng nhất. Về vấn đề này, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng đề án, trong đó Chính phủ phải xây dựng, hoàn thiện thể chế, giải quyết được các vướng mắc; khẩn trương đầu tư nâng cấp hạ tầng. Đối với doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, đổi mới quản trị, nâng cao năng suất lao động…
Trên cơ sở những phân tích trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, việc đổi mới, cải cách thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư; cơ cấu lại nền kinh tế; đổi mới mô hình tăng trưởng…là nhu cầu tất yếu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Điều này không chỉ đảm bảo những thuận lợi cho việc tham gia 2 Hiệp định mà còn thúc đẩy kinh tế phát triển một cách mạnh mẽ, bền vững.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng ghi nhận ý kiến đại biểu Quốc hội trong việc nhất trí việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA) có ý nghĩa rất quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và triển khai chính sách đối ngoại của Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, hội nhập sâu hơn kinh tế toàn cầu, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Đề nghị các cơ quan hữu quan lưu ý quan tâm đến ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng chỉ rõ, theo Tờ trình của Chủ tịch nước do pháp luật của Việt Nam chưa có quy định liên quan đến phán quyết chung thẩm của Cơ quan giải quyết tranh chấp theo Hiệp định (phán quyết EVIPA) nên sẽ phải có Nghị quyết riêng về vấn đề này và căn cứ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ phải có Tờ trình, Báo cáo đánh giá tác động, nghiên cứu những lĩnh vực điều chỉnh theo hướng tới giải quyết những vấn đề thực tiễn, đối tượng điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh khác với việc nội luật hóa các cam kết về kinh tế…Do đó cần có thêm nghiên cứu để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật mới với đối tượng, phạm vi điều chỉnh rất mới thuộc lĩnh vực tư pháp; cần tiếp tục nghiên cứu kỹ để nội luật hóa những quy định về giải quyết tranh chấp nhất là giá trị của quyết định chung thẩm để bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp này./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần