Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ: Bước ngoặt cho hai phía

Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân sự kiện ra mắt cuốn sách “Việt Nam, lối rẽ của một nền kinh tế” do ông Nguyễn Đình Lương - nguyên Trưởng đoàn Đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Nam - Mỹ (BTA) chủ biên, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) Virginia Foote đã trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị về ý nghĩa quan trọng của Hiệp định này đối với hai đất nước.

Mất hơn 5 năm để Việt Nam và Mỹ có thể đạt được thỏa thuận về Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, bà đánh giá như thế nào về Hiệp định này?

Đây là một Hiệp định rất lớn, không chỉ về thương mại, hàng hóa mà còn về dịch vụ và có một chương về đầu tư. Nhìn tổng thể, BTA là một Hiệp định mang tính toàn diện và do đó, chúng tôi đã phải đi từng bước một. Đã có thời điểm tưởng chừng mọi thứ đi vào ngõ cụt và bế tắc kéo dài trong nhiều tháng. Nhưng rồi chúng tôi đã quay trở lại bàn đàm phán và tiếp tục nỗ lực giải quyết mọi khúc mắc. 
Rõ ràng là Hiệp định này đã kéo dài hơn dự kiến, nhưng khi nhìn lại, tôi nghĩ mọi thứ đều có logic của nó. Bởi đây là những vấn đề khó khăn mà cả Việt Nam và Mỹ đều cần thời gian để đánh giá, nhìn nhận và hiểu Hiệp định sẽ mang lại lợi ích thế nào cho hai nước.
  Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) Virginia Foote và ông Nguyễn Đình Lương tại sự kiện ra mắt sách. Ảnh: Quang Tấn
Hơn 2 thập kỷ đã trôi qua kể từ khi BTA được ký kết, bà đánh giá thế nào về vai trò của Hiệp định đối với quan hệ Việt Nam - Mỹ?

Hơn 20 năm qua cho thấy BTA đã tạo ra một khung pháp lý rất quan trọng cho hoạt động thương mại và kinh doanh giữa hai nước. Quan trọng hơn, Hiệp định này còn tạo dựng nền móng vững chắc cho quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ. Về sau, đây cũng là một trong những văn bản pháp lý song phương quan trọng nhất.
Bà nghĩ thế nào về triển vọng của một Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Mỹ?

Tôi đã cảm thấy tiếc nuối khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP – nay là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP). Nhưng tôi nghĩ rằng chính quyền mới của Mỹ sẽ nhìn lại vai trò của các Hiệp định Thương mại tự do và chúng ta sẽ sớm có một Hiệp định như vậy giữa hai nước. 
Tất nhiên, vẫn còn khoảng cách phải vượt qua nhưng theo tôi điều đó không phải quá lớn. Hầu hết những gì Việt Nam và Mỹ từng đàm phán trong TPP thì nay các bạn đã áp dụng trong thực tế. Ngoài ra, sẽ có thêm những điểm mới cần thảo luận, ví dụ như các khía cạnh về kinh tế số, vốn là điều mới mẻ với tất cả chúng ta. Tựu chung lại, những khác biệt là vẫn có, nhưng tôi nghĩ không phải không thể vượt qua được.
Là một trong những người có đóng góp tích cực trong nỗ lực cải thiện quan hệ Việt - Mỹ, bà nghĩ gì về triển vọng quan hệ hai nước trong tương lai?
Tôi cho rằng mối quan hệ Việt Nam - Mỹ đang ngày càng phát triển về quy mô và thực chất. Mỗi năm qua đi, chúng ta đều rất thành công trong việc tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ này tốt lên. Mỹ có mối quan tâm rất lớn đối với khu vực châu Á, trong đó bao gồm Việt Nam. Thông qua giáo dục, thương mại, du lịch và nhiều lĩnh vực khác, chúng ta đang xây dựng một tình bạn ngày càng lớn mạnh và sâu sắc. Tôi không thể nghĩ gì khác hơn ngoài việc tin rằng những điều tốt đẹp sẽ đến với mối quan hệ giữa hai nước.
Bà đánh giá thế nào về sự ra mắt của cuốn sách về BTA từ góc nhìn của ông Nguyễn Đình Lương - nguyên Trưởng đoàn Đàm phán Hiệp định của Việt Nam?
Tôi nghĩ đây là một sự kiện tuyệt vời và rất mong quyển sách sớm được dịch sang tiếng Anh để tôi có thể đọc nó. Cả ông Lương và BTA đều là những mảnh ghép quan trọng của lịch sử, qua đây chúng ta thấy cách mà các cá nhân hay tập thể có thể cùng nhau hợp tác để đạt được thành quả mang tính lịch sử và tạo ra sự thay đổi lớn đối với từng quốc gia.
Tôi biết nhiều người Việt Nam coi BTA đã tạo ra bước ngoặt lớn đối với đất nước của các bạn, nhưng BTA cũng đã tạo ra điều tương tự đối với nước Mỹ, đó là về cách để vượt qua quá khứ chiến tranh và đi đến hoà bình, và từ kẻ thù đi đến tình bạn. Đây là quá trình rất quan trọng đối với cả hai nước. 
Bà nghĩ độc giả Mỹ sẽ đón nhận cuốn sách này thế nào khi được chuyển ngữ?
Tôi nghĩ sẽ là rất tích cực. Quyển sách mà Trưởng phái đoàn đàm phán phía Mỹ về BTA [ông Joseph Damond] viết đã được dịch ra tiếng Việt và tạo tiếng vang tốt tại Việt Nam. Tôi nghĩ điều tương tự cũng sẽ xảy ra đối với quyển sách của ông Lương khi nó đến với độc giả Mỹ.  
Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!