Trên cơ sở các nguyên tắc của Hiến chương ASEAN; nhận thức về tầm quan trọng chiến lược của Kết nối ASEAN đối với tăng cường hội nhập và nâng cao vai trò quốc tế của khối; tiến trình hợp tác và quan hệ hữu nghị giữa ASEAN với các bên đối tác đối thoại qua các cơ chế, khuôn khổ hiện hành; sự cần thiết phải tăng cường hợp tác của ASEAN trong các vấn đề toàn cầu chủ chốt, các nhà lãnh đạo ASEAN quyết định thông qua cương lĩnh chung về các vấn đề toàn cầu. Hiệp ước Bali 3 quy định về một ASEAN liên kết và hợp tác chặt chẽ hơn đối với các vấn đề quốc tế cùng quan tâm, thúc đẩy hơn nữa tiếng nói chung của ASEAN tại các diễn đàn quốc tế liên quan; một ASEAN với năng lực được tăng cường nhằm đóng góp, ứng xử với các vấn đề toàn cầu chủ chốt cùng quan tâm vì lợi ích của tất cả các nước thành viên và một Ban Thư ký ASEAN được tăng cường năng lực thực thi. Với những đặc điểm đó, các nước ASEAN cam kết cùng tiến hành hợp tác ở cấp độ khu vực, toàn cầu trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể về hợp tác chính trị-an ninh: Góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định không chỉ thông qua sự tôn trọng nhất quán các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và giải quyết hòa bình các tranh chấp, mà còn thúc đẩy các sáng kiến hòa giải, tích cực tham gia các nỗ lực gìn giữ hòa bình và kiến thiết hòa bình hậu xung đột dựa trên sự sẵn sàng của từng nước thành viên; bảo đảm an toàn, tự do lưu thông hàng hải quốc tế, đẩy mạnh hợp tác hàng hải; tiếp tục nỗ lực hướng tới sự nhất trí chung về các vấn đề liên quan đến Hiệp ước về khu vực Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), phát triển một cách tiếp cận chung của ASEAN nhằm đóng góp vào các nỗ lực bảo đảm an toàn hạt nhân toàn cầu… Về hợp tác kinh tế: Hiệp ước Bali 3 xác định các nội dung về hội nhập, ổn định và phát triển kinh tế trên cơ sở những mục tiêu và nguyên tắc chung về những công cụ cơ bản nhằm triển khai Cộng đồng Kinh tế ASEAN và thúc đẩy sự hội nhập đầy đủ của ASEAN vào nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, các nhà lãnh đạo xác định cần tăng cường sự tham gia tích cực của ASEAN vào các sáng kiến kinh tế khu vực và toàn cầu có tác động đến khu vực; thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế nội khối và đối ngoại của ASEAN, nhất là thương mại và đầu tư; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bổ sung hoàn thiện chính sách kinh tế vĩ mô quốc gia tương thích hơn với những đặc điểm của hợp tác tài chính và điều phối kinh tế vĩ mô ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu; tăng cường hợp tác tài chính và điều khối kinh tế vĩ mô trong và ngoài ASEAN, trong đó có việc tiếp tục sự tham gia tích cực của ASEAN tại G-20; đẩy mạnh các nỗ lực chung về bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng với các nước, cũng như quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế liên quan như Chương trình Lương thực Liên hợp quốc (UNWFP), Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO)… Về hợp tác văn hóa-xã hội: Hiệp ước Bali 3 xác định tăng cường hợp tác của ASEAN trên phạm vi toàn cầu nhằm thúc đẩy nỗ lực đối phó với biến đổi khí hậu, huy động tối đa sự tham gia của các thành phần xã hội vào các chương trình giảm nhẹ thiên tai và đối phó với tình trạng khẩn cấp; tăng cường hợp tác giữa quân đội các nước ASEAN trong khuôn khổ hoạt động cứu trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai (HADR); thúc đẩy hợp tác giữa Trung tâm Điều phối ASEAN về cứu trợ nhân đạo quản lý thảm họa (AHA Center) với các tổ chức khu vực quốc tế liên quan. Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng nhất trí các nước ASEAN sẽ đóng góp tích cực nhằm cùng đạt được một thoả thuận cân bằng, toàn diện và ràng buộc pháp lý theo tinh thần của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC); thúc đẩy hợp tác về chăm sóc sức khỏe, phát triển khoa học công nghệ, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực và văn hóa, trong đó có những cam kết đối với các mục tiêu thiên nhiên kỷ của Liên hợp quốc… Các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí giao các bộ trưởng liên quan thực thi Tuyên bố này với sự hợp tác và vai trò của Ban Thư ký ASEAN, Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC), các cơ cấu tổ chức trực thuộc và Ủy ban các Đại diện thương trực tại ASEAN (CPR)./.