Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệu quả điều trị nghiện chất bằng thuốc thay thế Methadone

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - HĐND TP Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết “Quy định giá một số dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone và chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với đối tượng chính sách được hưởng theo quy định tại các cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế của Nhà nước thuộc TP Hà Nội.

Theo các chuyên gia y tế, loại thuốc mới thay thế này có hiệu quả tương tự Methadone nhưng nhiều ưu việt hơn.
Kéo dài thời gian tác dụng

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), hiện nay toàn quốc có khoảng 52.000 người nghiện được điều trị bằng thuốc Methadone, chiếm khoảng 33% số người nghiện chất dạng thuốc phiện. Trong năm 2017, Bộ Y tế đã triển khai điều trị Buprenorphine – loại thuốc thay thế Methadone cho khoảng 500 bệnh nhân tại một số tỉnh miền núi (Điện Biên, Nghệ An, Sơn La). Tuy nhiên, việc tiếp cận điều trị vẫn rất khó khăn. Các cơ sở điều trị chủ yếu nằm ở tuyến quận, huyện, trong khi nhiều địa phương miền núi khoảng cách từ nhà đến huyện lên tới hơn 60 km, rất khó tiếp cận với dịch vụ điều trị bằng thuốc thay thế Methadone cũng như các dịch vụ y tế khác.

Khám cho bệnh nhân HIV tại Bệnh viện 09 Hà Nội. Ảnh: Trần Nga

Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Hoàng Đình Cảnh cho biết, Buprenorphine là chất đồng vận bán phần với các chất dạng thuốc phiện, có tác dụng và hiệu quả điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tương tự như Methadone nhưng an toàn hơn. Liều thấp được sử dụng để điều trị đau cấp và mạn tính; liều cao được sử dụng để điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bất hợp pháp. Thời gian bán hủy của loại thuốc này từ 20 – 73 giờ nên kéo dài thời gian tác dụng của thuốc, do đó bệnh nhân chỉ cần uống thuốc từ 3 - 4 lần/tuần là đủ hiệu quả điều trị cho một tuần và hầu như không gây tăng dung nạp. Đặc biệt, Buprenorphine có tác dụng trần, giảm nguy cơ quá liều, uống thuốc cách nhật và ít có tương tác với các thuốc điều trị HIV (ARV). Song, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, nên sử dụng song song 2 loại thuốc Methadone và Buprenorphine trong điều trị nghiện chất.

Mở rộng điều trị

Ông Hoàng Đình Cảnh cho biết, nhược điểm của loại thuốc này là giá thành đắt hơn Methadone, tuy nhiên, vì những ưu điểm của nó, Bộ Y tế cho phép các tỉnh triển khai điều trị Buprenorphine để bệnh nhân đủ điều kiện kinh tế có thêm lựa chọn. Dự kiến, năm 2018, Bộ Y tế tiếp tục duy trì và mở rộng điều trị Buprenorphine cho khoảng 2.000 bệnh nhân tại Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Yên Bái và Lai Châu. Cụ thể, Bộ Y tế sẽ tổ chức điều trị Buprenorphine lồng ghép vào hệ thống Methadone sẵn có. Đồng thời thiết lập mạng lưới mới tại những địa bàn chưa triển khai điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện, bao gồm: cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc và cấp phát thuốc qua hệ thống nhân viên y tế thôn bản.

Tại Hà Nội, theo Nghị quyết “Quy định giá một số dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone và chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với đối tượng chính sách được hưởng theo quy định tại các cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế của Nhà nước thuộc TP Hà Nội” được HĐND TP thông qua ngày 5/12, bệnh nhân điều trị nghiện bằng chất dạng thuốc phiện thay thế sẽ được hỗ trợ 100% chi phí khám sức khỏe và chi phí điều trị nghiện đối với các đối tượng thương binh, người bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, người nghèo, người cao tuổi cô đơn, trẻ em mồ côi, người khuyết tật nặng; cùng các chính sách hỗ trợ khác theo quy định. Kinh phí hỗ trợ lấy từ nguồn ngân sách của TP.

TS Hoàng Đình Cảnh cho biết, để tăng số người nghiện ma túy được điều trị, thời gian tới cần tăng cường công tác truyền thông, vận động chính sách; tiếp tục mở rộng mô hình cấp phát thuốc Methadone tại tuyến xã,phường, đặc biệt tại các tỉnh miền núi. Đồng thời, mở rộng triển khai điều trị bằng các thuốc khác như Suboxone – Buprenorphin, Naloxone. Tăng cường chất lượng điều trị, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin vào điều trị Methadone và thuốc thay thế Methadone nhằm giảm tải các hồ sơ biểu mẫu rườm rà, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận điều trị và uống thuốc tại địa phương một cách đơn giản hơn. Đặc biệt, ngành Y tế sẽ tham gia hỗ trợ đào tạo nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp thuốc điều trị tại các cơ sở cai nghiện, cơ sở giam giữ.

Chủ động phòng tránh lây nhiễm HIV

Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam hiện có khoảng 250.000 người nhiễm HIV còn sống, tuy nhiên, chỉ có gần 200.000 người nhiễm được quản lý.

Như vậy, vẫn còn hơn 50.000 người nhiễm HIV chưa biết tình trạng bệnh của mình. Họ có thể sẽ là nguồn lây nhiễm cho cộng đồng do không được tư vấn và tiếp cận các dịch vụ dự phòng, họ cũng không được tiếp cận các dịch vụ điều trị ARV sớm để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và làm giảm lây truyền HIV ra cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay hầu hết các cơ sở y tế đều đã có thể xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm lây nhiễm HIV. Ngoài các cơ sở y tế, xét nghiệm HIV tại cộng đồng thông qua các cán bộ y tế thực hiện lưu động hoặc do các nhân viên tiếp cận cộng đồng thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV. Với kỹ thuật ngày càng đơn giản, người có nhu cầu xét nghiệm HIV có thể tự thực hiện qua lấy máu đầu ngón tay để xét nghiệm hoặc tự xét nghiệm bằng dịch miệng. Chỉ khi các xét nghiệm sàng lọc này nghi ngờ mới cần xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV tại các phòng xét nghiệm được Bộ Y tế cho phép.

"Trong thời đại hiện nay, bệnh nhân không nên cảm thấy HIV là một bản án tử hình. Tuy bệnh còn những thách thức của nó nhưng sống chung với HIV vẫn trong tầm tay nếu mỗi người biết bảo vệ sức khỏe và điều trị đúng phác đồ” - bà Lã Thị Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội khẳng định. Cũng theo bà Lan, do thiếu hiểu biết về HIV/ AIDS nên nhiều người vẫn kỳ thị với người nhiễm. Thậm chí có người cho rằng, sống và làm việc với người HIV cũng có thể bị lây nhiễm HIV. Đó là một quan điểm hoàn toàn sai lầm vì HIV không dễ bị lây nhiễm như người ta tưởng tượng. Ngoài ba đường lây: qua máu, mẹ truyền sang con, tình dục thì HIV không thể lây qua các đường tiếp xúc thông thường giữa người với người như bệnh cúm, lao. Vì vậy, bà Lan khuyến cáo, để hạn chế sự lây nhiễm khi sống chung với người nhiễm HIV cần:

Về ăn uống, sinh hoạt: Người nhiễm HIV có thể ăn uống, sử dụng chung bàn, ghế, giường, tủ… với những người khác mà không sợ lây nhiễm HIV cho gia đình. Nhưng nếu như những dụng cụ ăn uống (bát, đĩa, cốc…) có dính máu của người nhiễm HIV thì cần rửa sạch bằng xà phòng. Người rửa cần đi găng tay cao su và băng kín các vết thương. Đối với bàn, ghế, giường bị dính máu, mủ, tinh dịch của người bị nhiễm, cần được làm sạch đúng cách để phòng lây nhiễm.

Ngủ: Người nhiễm HIV có thể ngủ cùng với những người khác trong gia đình mà không sợ lây virus cho người đó, nhưng cần tránh không để cho các chỗ da bị tổn thương của hai người tiếp xúc với nhau.

Quan hệ tình dục: Người nhiễm HIV khi quan hệ tình dục nhất thiết phải dùng bao cao su. Với hai người cùng nhiễm HIV vẫn nên sử dụng bao cao su vì HIV có nhiều chủng khác nhau, mỗi người mắc HIV đều mang trong mình những chủng riêng biệt, nếu như không sử dụng biện pháp phòng tránh thì sự kết hợp của các chủng này với nhau sẽ làm cho người nhiễm HIV nhanh chóng chuyển sang giai đoạn AIDS, mức độ tử vong đến với người bệnh nhanh hơn.

Bên cạnh đó, bệnh nhân phải dùng riêng một số đồ dùng như: bàn chải đánh răng, dao cạo, đồ làm móng tay, chân. Nếu người trong gia đình bị những vật sắc nhọn dùng cho bệnh nhân nhiễm HIV như kim tiêm, dao cạo… làm bị thương, cần để máu chảy và rửa vết thương dưới vòi nước sạch bằng xà phòng, sát trùng bằng cồn 70 độ. Sau đó, phải liên hệ ngay với cơ sở điều trị để được hướng dẫn điều trị dự phòng.

Nhật Nguyên