Ngày 19/2, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Thực hiện hiệu quả Hiệp định CPTPP trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế: Yêu cầu hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam”. Hội thảo được thực hiện cùng với sự phối hợp của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).
Báo cáo của CIEM, trong những năm qua, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam liên tục mở rộng cả về quy mô, thị trường và mặt hàng. Tốc độ tăng trưởng xuất, nhập khẩu trung bình hàng năm giai đoạn 2007 - 2019 tương ứng là 15,6% và 14,2%. Cán cân thương mại chủ yếu đạt thặng dư sau năm 2011, lần lượt từ mức 748,8 triệu USD năm 2012 lên đến trên 9,9 tỷ USD năm 2019.
Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2019 với Việt Nam. Hiệp định CPTPP ít nhiều đã có đóng góp tích cực vào hoạt động thương mại của Việt Nam. Với khối nước CPTPP, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam chiếm gần 30,2% giai đoạn 2007 - 2008 nhưng giảm dần xuống 23% giai đoạn 2009 - 2010 và 18% giai đoạn 2011 - 2018.
Trong năm 2019 - năm đầu tiên thực hiện CPTPP, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 6 nước thành viên đã phê chuẩn Hiệp định đạt 34,4 tỷ USD, tăng 8,3%, trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 30,1 tỷ USD, chỉ tăng 1%.
Trong giai đoạn 2010 - 2019, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam tăng bình quân 12,4%/năm về số dự án, 5,1%/năm về vốn đăng ký, và 7,4%/năm về vốn thực hiện. Quy mô vốn FDI thực hiện liên tục đạt những kỷ lục mới, trong đó có con số 20,4 tỷ USD năm 2019. Niềm tin của các nhà đầu tư ngày càng được củng cố trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư - kinh doanh không ngừng được cải thiện theo hướng thông thoáng hơn, chính sách thu hút FDI ngày càng được hoàn thiện, bên cạnh những yếu tố khác...
Về dịch vụ tài chính, CPTPP cam kết mở cửa thị trường cao hơn so với các FTA và WTO. Dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán là những nhóm chính chịu nhiều tác động từ CPTPP. Chính phủ đã và đang tiến hành những bước cải cách cần thiết để hài hòa hóa khung khổ của các nhóm dịch vụ này với cam kết trong CPTPP.
Lo ngại về thách thức là cần thiết, song không nên đánh giá quá thấp khả năng cạnh tranh và thích ứng của các định chế, DN tài chính trong nước. Trên thực tế, một số định chế tài chính nước ngoài đã thu hẹp hoạt động hoặc rút khỏi Việt Nam trong thời gian qua.
Về lao động - việc làm, so với một số nước trong khu vực ASEAN và các quốc gia thành viên CPTPP, Việt Nam được đánh giá có lợi thế về nguồn lao động trẻ, dồi dào, chất lượng có cải thiện. Tuy nhiên, xu hướng già hóa ngày càng rõ nét, cơ cấu trình độ chuyên môn kỹ thuật còn bất cập, cơ cấu việc làm chưa thực sự bền vững,...
CPTPP nằm trong số những hiệp định thương mại có yêu cầu cao nhất liên quan đến môi trường và nhìn chung phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam về môi trường cũng như định hướng của Việt Nam về phát triển bền vững. Việc thực hiện các cam kết về môi trường không chỉ có ý nghĩa chuẩn bị cho CPTPP mà xuất phát từ yêu cầu nội tại của nền kinh tế. Dù đã có nhiều chuyển biến về xây dựng và thực thi chính sách, song theo CIEM, Việt Nam vẫn cần tích cực chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu về môi trường trong CPTPP.
Công tác xây dựng khung khổ pháp lý nhằm thực hiện hiệu quả CPTPP cho thấy sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Số lượng các văn bản phải sửa đổi, bổ sung không nhiều do đã có một quá trình dài hoàn thiện pháp luật. Việc sửa đổi, bổ sung năm 2019 không chỉ đáp ứng nghĩa vụ thực hiện các cam kết quốc tế mà còn vì nhu cầu phát triển kinh tế xã hội nội tại của Việt Nam.
Tuy vậy, việc thực thi hiệu quả Hiệp định CPTPP đòi hỏi phải xử lý một số yêu cầu về thể chế, bao gồm: Hiểu đúng và đầy đủ các nội dung pháp lý trong CPTPP; cải thiện hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan và kịp thời rà soát và ban hành các văn bản pháp luật thực thi CPTPP.
DN Việt Nam có cơ hội không nhỏ từ CPTPP, bao gồm: Mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tiếp cận nguồn vốn đầu tư; tiếp cận công nghệ, kỹ năng quản lý nước ngoài; và cải thiện hiệu quả hoạt động khi thể chế kinh tế thị trường trở nên hoàn thiện hơn. Dù vậy, DN cũng phải xử lý hiệu quả những thách thức, đặc biệt trong việc cải thiện khả năng cạnh tranh; khả năng tận dụng cơ hội, đặc biệt là hài hòa việc thực hiện CPTPP với các tuyến hội nhập khác.
Tác động đối với DN sẽ tích cực hơn nếu Chính phủ củng cố hơn nữa đồng thuận xã hội về tiến trình và các biện pháp cải cách, cân bằng các mục tiêu chính sách, đồng thời tạo dựng thêm không gian chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI, sau khi Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, các DN trong nước đã nhìn nhận và bắt đầu tận dụng được những cơ hội mà Hiệp định này mang lại.
Tuy vậy, theo bà Trang, CPTPP không chỉ là câu chuyện thuế quan mà còn là câu chuyện của vấn đề cải thiện thể chế ở trong nước như yêu cầu về cải cách thể chế thương mại; thể chế đầu tư; thể chế liên quan đến các biện pháp phi thuế quan; thể chế liên quan đến sở hữu trí tuệ;...
TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM cho rằng, kể từ năm 2012, Việt Nam đã tập trung hơn vào đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, hướng tới cải thiện chất lượng tăng trưởng cũng như chất lượng công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Tăng trưởng kinh tế đã có sự chuyển dịch từ chủ yếu theo chiều rộng sang kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu.
Đặc biệt, sự góp mặt của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng giúp Việt Nam mở ra những cơ hội mới. Tuy nhiên, hiệu quả thực thi và khả năng tận dụng những lợi ích tiềm năng từ Hiệp định CPTPP còn phụ thuộc vào năng lực thể chế, năng lực cạnh tranh và khả năng thích ứng của DN trong nước.