Tại xã Văn Đức, mô hình được triển khai với quy mô 200ha, chủ yếu sản xuất các loại rau, củ quả các loại. Mô hình đã thành lập 25 nhóm nông dân có tổng số 450 hộ tham gia. Chi cục bảo vệ thực vật thành phố, Trạm bảo vệ thực vật huyện cùng các phòng, ban, ngành liên quan đã phối hợp thực hiện việc hướng dẫn và quản lý việc áp dụng quy trình sản xuất của nông hộ.
Tại xã Đặng Xá, 20 nhóm nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ RAT; Ban điều hành mô hình đã chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, hướng dẫn nông dân trực tiếp sản xuất ghi chép sổ nhật ký sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Để giúp nông dân có kiến thức về sản xuất truy xuất nguồn gốc sản phẩm, HTX và Trạm bảo vệ thực vật đã tổ chức tập huấn cho 150 hộ nông dân trực tiếp sản xuất rau tại 2 thôn Đổng Xuyên và Hoàng Long.
Sau thời gian thực hiện, mô hình tại hai xã nói trên đã góp phần làm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức và trách nhiệm của nông dân địa phương về vấn đề an toàn thực phẩm trong sản xuất RAT, góp phần tăng năng suất cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân và phù hợp với chủ trương của Thành phố trong việc quản lý về sản xuất, tiêu thụ RAT Hà Nội.
Đây là những mô hình mới, phù hợp với xu thế trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản xuất theo chuỗi có sự truy xuất nguồn gốc rõ ràng, góp phần tạo niềm tin cho người tiêu dùng đối với các sản phẩm RAT trên địa bàn.