Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách ở Thanh Xuân và Phú Xuyên

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 28/6, UBND quận Thanh Xuân và huyện Phú Xuyên tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm triển khai Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Theo báo cáo của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) quận Thanh Xuân, trong gần 20 năm hoạt động, Ban đại diện HĐQT NHCSXH Quận thường xuyên được củng cố, kiện toàn, với sự tham gia của các thành viên Ban đại diện là lãnh đạo của các phòng, ban chuyên môn cấp quận và Chủ tịch của UBND các phường, đã tập trung được ý chí và sức mạnh tập thể trong chỉ đạo và điều hành có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.

Trong những năm qua, mặc dù Ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, nhưng NHCSXH luôn được Chính phủ quan tâm để tập trung các nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đặc biệt, từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển qua NHCSXH để cho vay ngày càng tăng trưởng. Bên cạnh đó, hệ thống NHCSXH cũng chủ động thực hiện nhiều giải pháp để tăng trưởng nguồn vốn huy động từ dân cư, bổ sung thêm nguồn lực thực hiện các chương trình tín dụng chính sách.

Quận Thanh Xuân tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong triển khai Nghị định 78 của Chính phủ
Quận Thanh Xuân tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong triển khai Nghị định 78 của Chính phủ

Đến 31/05/2022, tổng nguồn vốn đang quản lý tại Phòng giao dịch NHCSXH Quận là 249.657 triệu đồng, tăng 245.831 triệu đồng (gấp 65 lần) so với thời điểm mới thành lập, trong đó: Nguồn vốn từ trung ương đạt 139.783 triệu đồng, tăng 135.957 triệu đồng; nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 109.874 triệu đồng, tăng 109.874 triệu đồng (trong đó, vốn ủy thác từ nguồn ngân sách Thành phố là 67.318 triệu đồng; Vốn ủy thác từ nguồn ngân sách quận là 42.556 triệu đồng); nguồn vốn nhận tiền gửi của các thành viên tổ TK&VV đạt 13.556 triệu đồng; nguồn huy động của các tổ chức, cá nhân, tiền gửi dân cư là 6.631 triệu đồng.

Trong gần 20 năm qua, nguồn vốn tại đơn vị đã không ngừng phát triển với tốc độ tăng bình quân đạt 26,89%/năm. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách quận ủy thác sang NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã tăng mạnh so với giai đoạn trước, thể hiện sự quan tâm của Quận ủy, HĐND&UBND Quận đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Đến nay, cơ cấu nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã chuyển biến theo hướng tăng nguồn vốn NHCSXH tự huy động và nguồn nhận ủy thác tại địa phương, giảm dần nguồn vốn cấp trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các chương trình, thể hiện rõ chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực” với phương châm “nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”.

Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Khánh Hòa nhận xét, những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của quận, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để Quận ủy, HĐND&UBND Quận thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế. Tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đến nay đã thực sự đi vào cuộc sống, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn quận nói riêng và phạm vi cả nước nói chung.

Tín dụng chính sách xã hội được thực hiện thông qua NHCSXH đã góp phần ngăn chặn hoạt động tín dụng đen, là một công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường đến với những đối tượng dễ bị tổn thương và là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội, góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Thành tựu đã đạt được của tín dụng chính sách được đánh giá là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” của thống các chính sách giảm nghèo của Việt Nam. Qua đó, khẳng định chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là một chính sách đúng đắn, góp phần hạn chế được mặt trái của kinh tế thị trường, thực hiện phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Sáng cùng ngày, UBND huyện Phú Xuyên cũng tổ chức Hội nghị Tổng kết 20 năm triển khai thực hiện tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Trong 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng ưu chính sách đã được triển khai đến với 100% các thôn, xóm, cụm dân cư trên địa bàn huyện, giúp cho hơn 24.055 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH. Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đã góp phần giúp cho hơn 24.051 hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho hơn 46.900 ngàn lao động, xây dựng và cải tạo sửa chữa được hơn 45.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giúp cho hơn 7.400 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, hỗ trợ 840 hộ nghèo làm nhà ở...

Nhân dịp này, UBND huyện Phú Xuyên khen thưởng cho 12 tập thể và 33 cá nhân có nhiều thành tích trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn huyện.