Hiệu quả thực thi

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực và bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 6 lĩnh vực.

 Đó là thông tin nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Báo cáo tổng kết của các ngành chức năng cho thấy, thời gian qua, mỗi năm có khoảng 7 triệu văn bản xử phạt vi phạm hành chính, điều đó cho thấy đây là một Dự Luật tác động khá lớn đến đời sống xã hội.
Với đề xuất được cơ quan soạn thảo đưa ra, có nhiều lĩnh vực mức phạt tối đa sẽ tăng gấp đôi so với hiện tại. Dù vẫn còn những băn khoăn về căn cứ của những đề xuất này, tuy nhiên, các ý kiến đều cơ bản ủng hộ quan điểm nâng mức xử phạt để đảm bảo tính răn đe, ngăn chặn hành vi vi phạm và phù hợp với yêu cầu thực tế.
Bài học rõ nhất được nêu ra để thấy tác dụng thực tiễn của việc nâng mức xử phạt để răn đe là việc thực hiện xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với mức phạt hành chính cao và Nghị định 100/2019NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Thực tiễn qua một tháng thực thi cho thấy, mức phạt nặng nhưng người dân khá ủng hộ, đã góp phần thay đổi thói quen của nhiều người khi tham gia giao thông. Bởi mức phạt cao nên người điều khiển phương tiện phải cân nhắc khi nâng ly lên đều nghĩ đến mức phạt 40 triệu đồng. Có quan điểm cho rằng, không nên so sánh giữa mức thu nhập của người dân và mức xử phạt, bởi không muốn bị xử phạt thì đừng có vi phạm pháp luật.
Từ thực tiễn cũng cho thấy, có nhiều trường hợp mức xử phạt vẫn chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm hành chính nên chưa đủ sức răn đe, cũng cần tính đến khi sửa đổi Luật này. Đặc biệt, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn để đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, do vậy, mức phạt ở lĩnh vực này cũng cần phải quy định ở mức thật cao. Do đó, cần đánh giá tác động cụ thể cho từng chính sách mới; rà soát, bổ sung thống kê các vụ xử lý vi phạm qua từng năm, từng lĩnh vực để đảm bảo cơ sở thực tiễn có tính thuyết phục.
Tuy nhiên, một góc nhìn khác cũng cần được chú trọng chính là việc thực thi các quy định. Bởi như dư luận phản ánh trong thời gian qua và góp ý của một số cơ quan, tổ chức, có nhiều quy định mức xử phạt thấp không hẳn do bất cập về mức phạt tiền tối đa của lĩnh vực được quy định tại Luật mà còn do các văn bản dưới luật quy định chưa thực sự phù hợp. Hoặc Luật đã quy định cụ thể về mức chế tài với nhiều hành vi vi phạm hành chính nhưng quy định về việc giám sát, kiểm soát đội ngũ thực thi công vụ để chống tiêu cực, phòng ngừa lạm quyền lại "mờ nhạt", cơ quan chức năng nơi này nơi kia vẫn chưa làm hết trách nhiệm, chưa sử dụng hết các mức được luật định.
Do đó, cùng với việc nghiên cứu để sửa đổi Luật cho phù hợp thực tiễn, góp phần hoàn thiện hơn về mặt thể chế, còn cần tính đến việc giải quyết những hạn chế, bất cập trong thực thi pháp luật. Phạt cao nhưng phải tạo được sự đồng tình, để mỗi tổ chức, cá nhân thấy được tình răn đe của hình phạt, tránh vi phạm.