Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệu quả từ công trình xanh

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thúc đẩy phát triển công trình xanh, nhằm đảm bảo chất lượng môi trường sống cho cư dân đô thị, là giải pháp hiệu quả nhất trong bối cảnh không khí đang bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng tại các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội.

Môi trường sống tại đô thị bị giảm sút
Không khí ngày càng ô nhiễm, không chỉ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của người dân mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, trong những ngày gần đây, chỉ số chất lượng không khí tại Thủ đô liên tục được cảnh báo ở mức “rất xấu”, ảnh hưởng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người khi hoạt động ngoài trời.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí tại Việt Nam khoảng 10 tỷ USD mỗi năm (chiếm từ 5 - 7% GDP). Chỉ tính riêng Hà Nội, ước tính chi phí khám, chữa bệnh về hô hấp, thiệt hại kinh tế do nghỉ ốm với người dân nội thành là 1.500 đồng/người/ngày. Với khoảng 3,5 triệu dân nội thành, quy đổi tổng thiệt hại kinh tế do mắc các bệnh đường hô hấp khoảng 2.000 tỷ đồng/năm.
 Tòa nhà Ecolife Capitol được cấp chứng chỉ công trình xanh quốc tế EDGE. Ảnh: Vũ Lê
Tác nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường của Hà Nội đã được các cơ quan chuyên môn xác định là khí xả thải từ ô tô, xe máy; đun bếp than tổ ong; ô nhiễm ao hồ lâu năm; sản xuất công nghiệp; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa… Dưới góc nhìn của chuyên gia kiến trúc, quy hoạch đô thị, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển đô thị xanh Việt Nam, PGS.TS Hoàng Mạnh Nguyên cho rằng, Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, hệ thống cơ sở hạ tầng không ngừng được cải thiện và xây dựng mới.
Những công trình kiến trúc hiện đại cao đến vài chục tầng mọc lên bên những đại lộ đã không còn xa lạ. Sự xuất hiện các khu đô thị mới với những chung cư cao tầng tiện nghi, hiện đại đã đem đến một hình ảnh về lối sống mới cho cư dân đô thị.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này đã nảy sinh những thách thức, đó là vấn đề môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm nặng nề. Các hồ, đầm bị san lấp, bị lấn chiếm để lấy đất xây dựng. Công viên, vườn hoa… lá phổi xanh của TP bị thu hẹp. Nguồn tài nguyên nước quý giá tưởng như là vô tận đang bị nhiễm bẩn và nguy cơ bị suy giảm...

Trước thực tế đáng báo động về ảnh hưởng tác động của ngành công nghiệp xây dựng với môi trường sống, cảnh quan và hệ sinh thái nhiều chuyên gia đô thị nhận định, phát triển công trình xanh sẽ là một trong những giải pháp bền vững để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống. Công trình xanh đang trở thành xu hướng phát triển bền vững của nhiều quốc gia không chỉ trong các công trình xây dựng mà cả quy hoạch đô thị. Tuy nhiên muốn có công trình xanh, đô thị xanh, chúng ta phải có con người xanh, chủ đầu tư xanh, chuyên gia xanh và đặc biệt là cư dân xanh.

Giải pháp bền vững

Theo PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên, công trình xanh được hiểu là công trình xây dựng mà trong cả vòng đời, từ giai đoạn lựa chọn địa điểm xây dựng, thiết kế, thi công, sử dụng, vận hành... đều đạt hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, tài nguyên nước, vật liệu, sản sinh ra chất thải làm ô nhiễm môi trường ở mức ít nhất.
“Thời gian qua, chất lượng không khí, chất lượng nước ảnh hưởng đến đời sống người dân rất rõ nét. Vì vậy, phát triển công trình xanh xem như giải pháp bền vững giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường sống” - PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên nhấn mạnh.

Mang lại những hiệu quả đáng kể trong việc tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường, tuy nhiên theo thống kê đến nay Việt Nam mới có trên 165 công trình được chứng nhận là công trình xanh. Trong đó, đa phần là những công trình có vốn đầu tư nước ngoài, vốn ngoài ngân sách. Số công trình có vốn đầu tư công, vốn ngân sách chỉ có 3 công trình, chiếm tỷ lệ khiêm tốn.
Phân tích về nguyên nhân, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia PGS.TS Phạm Thúy Loan cho rằng, xây dựng công trình xanh hiện nay chưa phải là bắt buộc mà chỉ khuyến khích. Trong khi đó, các công trình ngân sách bị điều tiết bởi Luật Đầu tư công và những quy trình thực hiện nó rất khắt khe, nghiêm ngặt. Các định mức đơn giá cho các công trình đầu tư công cũng khá chặt chẽ. Nếu thực hiện các công trình xanh từ đầu, chi phí có thể tăng từ 1 - 5 % tổng mức đầu tư. Nhưng, các công trình vốn Nhà nước, chúng ta không có một độ “đàn hồi” cho phần kinh phí này nên việc thực hiện rất khó khăn.

Trên thực tế, tại Hà Nội thời gian qua đã có những chủ đầu tư tiên phong trong việc phát triển các công trình xanh, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, qua đó tiết kiệm được tài nguyên, tiết kiệm sử dụng năng lượng, đồng thời mang đến những luồng gió mới để thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam. Trong đó, tại các dự án của Tập đoàn Capital House, nhờ ứng dụng công nghệ, chủ đầu tư đã giúp cư dân tiết kiệm hóa đơn tiền điện, hóa đơn tiền nước đến 27,5% và 28% về vật liệu xây dựng.
Theo đại diện của Tập đoàn này, vấn đề trở ngại hiện nay là phần lớn các chủ đầu tư và ngay cả người mua nhà còn có nhận thức mơ hồ về công trình xanh. Do đó, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về những lợi ích, hiệu quả của công trình xanh trong lĩnh vực xây dựng để góp phần thay đổi và nâng cao nhận thức, thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Hà Nội cũng như tại Việt Nam ngày càng mạnh mẽ hơn.

Nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu từ nay đến giữa năm 2021, cần thực hiện ngay việc rà soát, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật về kiểm soát bụi, khí thải tại các cơ sở công nghiệp, hoạt động giao thông, xây dựng thuộc phạm vi quản lý, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét tạm đình chỉ, đình chỉ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.