Trường Tiểu học Đoàn Kết (Long Biên):

Hiệu quả từ mô hình đổi pin lấy đồ dùng học tập

Đặng Vũ Hiệp ( Trường Tiểu học Đoàn Kết, phường Thạch Bàn quận Long Biên, TP Hà Nội)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi –Trong những năm qua, trường Tiểu học Đoàn Kết, phường Thạch Bàn, quận Long Biên luôn xác định công tác giáo dục bảo vệ môi trường trở thành một nhiệm vụ quan trọng. Từ đó, trường đã có nhiều mô hình, hoạt động sáng tạo góp phần tích cực bảo vệ môi trường.

Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn

Chúng ta đều biết rằng các thiết bị điện tử sử dụng trong gia đình đều dùng pin (Pin Con Thỏ, Panasonic, Sony…..), trong mỗi quả pin đó có chứa hàm lượng chì (Pb), Thủy Ngân (Hg) cao, khi sử dụng hết nếu những quả pin đó không được thu gom và xử lý đúng qui định, bỏ chung vào rác thải sinh hoạt hoặc thiêu đốt thì lượng chì (Pb), Thủy Ngân (Hg) sẽ ngấm trong đất, nước, gây ô nhiễm môi trường đất, nước ngầm, không khí và ảnh hướng đến sức khỏe của con người. Xuất phát từ lý do đó, trường Tiểu học Đoàn Kết (quận Long Biên - Hà Nội) triển khai mô hình “Đổi pin hết sử dụng lấy đồ dùng học tập”.

Học sinh trường Tiểu học Đoàn Kết tích cực tham gia mô hình "Đổi pin hết sử dụng lấy đồ dùng học tập". Ảnh: Vũ Hiệp
Học sinh trường Tiểu học Đoàn Kết tích cực tham gia mô hình "Đổi pin hết sử dụng lấy đồ dùng học tập". Ảnh: Vũ Hiệp

Mô hình được phát động thông qua các hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi trong toàn Liên đội, thông qua fanpage, cổng thông điện tử của nhà trường, thông qua các cuộc họp Ban đại diện cha mẹ học sinh nên có sức lan tỏa rộng rãi và thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Với 15 quả pin hết sử dụng, các em đã đổi được một đồ dùng học tập có thể là: một chiếc bút chì hoặc cục tẩy, một quyển sổ tay nhỏ hay hộp màu vẽ. Đặc biệt, khi gom được 50 quả pin hết sử dụng, các em sẽ được nhận được giấy chứng nhận “Chiến sỹ bảo vệ môi trường”.

Hằng ngày, thùng đựng pin hết sử dụng của Liên đội lại có thêm những viên pin cũ, cuốn sổ nhận pin hết sử dụng ngày càng dày thêm, số tên học sinh ngày dài thêm. 

Sau gần 2 năm triển khai, nhà trường đã thu được hơn 80kg pin hết sử dụng. Toàn bộ số pin hết sử dụng  này đều do các bạn học sinh của nhà trường thu gom nhặt tại gia đình, xin lại của hàng xóm, cơ quan của bố mẹ, từ hội trường ở địa phương nơi các em  sinh sống. Số pin thải này sẽ được gom lại và phối hợp với Trung tâm tái chế Việt Nam tiêu hủy theo đúng quy định.

Giấy chứng nhận nhằm động viên,  biểu dương kịp thời các em học sinh. Ảnh: Vũ Hiệp
Giấy chứng nhận nhằm động viên,  biểu dương kịp thời các em học sinh. Ảnh: Vũ Hiệp

Có thể nói, việc làm nhỏ của các “Chiến sỹ nhí” đã gửi đi một thông điệp “mỗi người, mỗi ngày làm những việc nhỏ nhưng có ích cũng có thể mang rác thải ra khỏi đời sống”. Không những vậy, các chiến sỹ nhí còn tuyên truyền đến gia đình, lối xóm để lan tỏa thông điệp trên đến cộng đồng. Với cách triển khai đơn giản, hiệu quả, phù hợp với môi trường tiểu học, phù hợp với lứa tuổi học sinh mô hình “Đổi pin hết sử dụng lấy đồ dùng học tập” sẽ tiếp tục được lan tỏa rộng khắp góp phần bảo vệ môi trường.

Lan tỏa mô hình “Nhà đựng pin cộng đồng”

Nhận thấy ý nghĩa thiết thực của việc thu gom pin hết sử dụng, ngày 26/3/2021, Chi đoàn giáo viên nhà trường đã cho ra đời mô hình “Nhà đựng pin cộng đồng” nhằm tạo ra một địa chỉ để cộng đồng để người dân cùng tham gia thu gom pin đã qua sử dụng.

Sau một thời gian phát huy hiệu quả, nhằm lan tỏa phong trào bảo vệ môi trường ra cộng đồng, Quận Đoàn Long Biên đã nhân rộng mô hình “Nhà đựng pin cộng đồng” của trường Tiểu học Đoàn Kết tới các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn. Với khẩu hiệu ấn tượng “Hãy cho tôi pin đã sử dụng”, lượng pin thu gom được từ “Nhà đựng pin cộng đồng” chuyển đến những nơi thu gom tập trung, xử lý theo quy định vào chiều thứ sáu hàng tuần.

Phó Bí thư Quận đoàn Long Biên ghi nhận mô hình "Nhà đựng pin cộng đồng" tại trường Tiểu học Đoàn Kết. Ảnh: Vũ Hiệp
Phó Bí thư Quận đoàn Long Biên ghi nhận mô hình "Nhà đựng pin cộng đồng" tại trường Tiểu học Đoàn Kết. Ảnh: Vũ Hiệp

Bên cạnh đó, Chi đoàn giáo viên nhà trường còn phối hợp với Đoàn phường Thạch Bàn, thông báo chương trình trên hệ thống loa truyền thanh và fanpage của Đoàn Thanh niên phường, để người dân biết đến mô hình, hiểu được ý nghĩa, lợi ích và chung tay thực hiện.

Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đoàn Kết - Cô giáo Nguyễn Thị Liễu chia sẻ: “Nhà trường phát động mỗi giáo viên trong chi đoàn trở thành một tuyên truyền viên tích cực để mô hình “Nhà đựng pin cộng đồng” lan tỏa đến với người dân thông qua học sinh, phụ huynh. Ban Chấp hành Chi đoàn duy trì thường xuyên, liên tục việc thu gom pin vào chiều thứ sáu hằng tuần và có báo cáo với chi bộ, Đoàn phường kết quả thực hiện hằng tháng.”

Cô giáo Nguyễn Thị Liễu thông tin thêm: “Việc đẩy mạnh tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh cũng như trên fanpage của trường, phường giúp người dân hiểu và có ý thức bỏ những quả pin đã qua sử dụng vào “Nhà đựng pin cộng đồng”. Việc làm ý nghĩa này cần tiếp tục được tuyên truyền để ngày càng có nhiều người dân cùng thực hiện. Đó cũng là trách nhiệm của mỗi công dân để bảo vệ môi trường, bảo vệ chính sức khỏe của mỗi chúng ta và cộng đồng”.

Tuyên truyền Luật bảo vệ môi trường thông qua bài thơ

Ngoài triển khai hiệu quả phong trào đổi pin lấy đồ dùng học tập, trường Tiểu học Đoàn Kết còn có cách làm sáng tạo để đưa Luật Bảo vệ Môi trường 2020 vào cuộc sống, gần gũi với cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh và lan tỏa đến cộng đồng, bằng cách tuyên truyền sách tạo thông qua bài thơ “Luật Bảo vệ Môi trường 2020”.

Với thể thơ “Thất ngôn tứ tuyệt” những điều khô khan của Luật bỗng trở nên mềm mại, những quy định cụ thể của Luật có tác động, liên quan đến cá nhân, gia đình, cộng đồng được gieo vần giúp người đọc, người nghe dễ nhớ, dễ thuộc. Bài thơ đã đề cập đến quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường; bài thơ cũng nhắc đến 14 hành vi bị nghiêm cấm được quy định trong điều 6; các quy định về môi trường công cộng, quy định với hộ gia đình và các nhân được thể hiện trong điều 60.

“Sản phẩm thân thiện với môi trường

Khuyến khích sử dụng các địa phương

Thải nhựa không bỏ nơi thoát nước

Ô nhiễm sông hồ với đại dương”

Bài thơ sau đó được quay thành clip đăng tải trên các phương tiện truyền thông để lan tỏa đến cộng đồng, giúp mọi người hiểu Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và cùng nhau thực hiện.

Cô giáo Nguyễn Thị Liễu - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường luôn chú trọng xây dựng và duy trì khung cảnh sư phạm nhà trường xanh, sạch, đẹp; nhà vệ sinh thân thiện; thu gom, vận chuyển rác trong ngày. Với mục tiêu từng bước giáo dục thói quen tiêu dùng xanh tại trường học, tại gia đình, xây dựng ý thức và định hướng các em học sinh giảm thiểu, hạn chế, từ chối nhựa sử dụng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; tạo ra sân chơi, phát huy tính sáng tạo cho các em học sinh.

Đại diện lãnh đạo Bộ TN&MT, Bộ GD&ĐT trao giải cho nhà trường
Đại diện lãnh đạo Bộ TN&MT, Bộ GD&ĐT trao giải cho nhà trường

Tập thể thầy và trò trường Tiểu học Đoàn Kết đã có nhiều việc làm, mô hình thiết thực, hiệu quả như: thay đổi thói quen sử dụng cốc uống nước của giáo viên, học sinh, tiếp đón khách bằng cốc thủy tinh, sứ, Inox đảm bảo chất lượng; tuyên truyền không mang túi nilon, sử dụng ly, cốc nhựa dùng một lần, ống hút nhựa… mà tập hình thành thói quen sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện môi trường (túi vải, túi giấy, ống hút giấy, ống hút bột gạo); khuyến khích các em tái chế những vật dụng, đồ dùng bằng nhựa thành sản phẩm hữu ích như: hộp bút, chậu trồng cây…

Có thể nói, những mô hình, cách làm hiệu quả của trường Tiểu học Đoàn Kết đã và đang nhận được sự ủng hộ, đồng hành của tất cả giáo viên, nhân viên, phụ huynh, các em học sinh trong nhà trường, đồng thời, lan tỏa đến cộng đồng trên địa bàn phường Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội), góp phần tích cực bảo vệ môi trường trên địa bàn quận Long Biên nói riêng, thành phố Hà Nội nói chung ngày càng “Xanh - Sạch - Đẹp - Văn minh - Hiện đại”.