Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệu quả từ mô hình “sông trong ao”

Bài, ảnh: Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khai thác lợi thế vùng chiêm trũng, ông Đinh Quang Lĩnh (xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa) đã đầu tư xây dựng mô hình “sông trong ao”.

Phương thức nuôi trồng thủy sản mới với nhiều ưu điểm giúp mang lại thu nhập khá cho gia đình.
 Mô hình nuôi cá ''sông trong ao'' của ông Đinh Quang Lĩnh.
Hai năm trước, ông Lĩnh đã đi tham quan, học hỏi mô hình “sông trong ao” tại một số tỉnh lân cận Hà Nội. Trở về, ông mạnh dạn đầu tư gần 400 triệu đồng để xây dựng mô hình trên diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 1ha. So với phương thức nuôi cá truyền thống, “sông trong ao” có mức đầu tư cao hơn gấp 2 – 3 lần nhưng thời gian sử dụng có thể kéo dài đến 20 năm.
Mô hình cũng có nhiều đặc điểm khác biệt như: Ao nuôi được xây dựng kiên cố bằng bê tông, xung quanh lát gạch; hệ thống tuần hoàn khí, nạo vét phân thải và cho ăn tự động được lắp đặt đồng bộ… Quy trình nuôi tiên tiến giúp mang lại năng suất hàng chục tấn cá/ha. Đặc biệt, cá được vận động liên tục nên được gọi là “cá thể thao”, thịt rất chắc và thơm ngon.
Để cải thiện quy trình sản xuất, ông Lĩnh còn tự mày mò, nghiên cứu cải tạo máy hút phân làm sạch đáy, hệ thống máng thu hoạch cá. Do mật độ nuôi dày, ông phải trang bị máy phát điện, bởi chỉ cần không cung cấp đủ dưỡng khí cho cá trong vài giờ thì cá có thể chết hàng loạt. Hệ thống camera giám sát tình trạng ao nuôi cũng được ông lắp đặt nhằm phát hiện, xử lý sớm các sự cố.
Có nhiều ưu điểm, tuy nhiên, rào cản lớn nhất đối với các hộ đầu tư phát triển mô hình “sông trong ao” là vấn đề tiêu thụ. Hiện, cá thương phẩm của gia đình ông Lĩnh được thương lái mua, bán buôn tại chợ Pháp Vân. Dù “cá thể thao” đang được bán với giá cao hơn đôi chút nhưng thực tế là phần lớn người tiêu dùng vẫn chưa phân biệt được cá “sông trong ao” và cách thức truyền thống.
Theo ông Lĩnh, để người tiêu dùng biết và ủng hộ, sử dụng “cá thể thao” hàng ngày là điều không dễ dàng. Việc thiếu liên kết trong sản xuất – tiêu thụ dẫn tới giá cả rất bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường và thương lái. Trong chuỗi giá trị đó, người nông dân là đối tượng chịu thiệt thòi nhất.
Hiện, gia đình ông Lĩnh đang xúc tiến xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tiến tới tạo dựng thương hiệu và sơ chế, chế biến, đóng gói các sản phẩm cá thương phẩm. Đây cũng là hướng đi mà nhiều nông dân áp dụng mô hình nuôi trồng thủy sản tiên tiến như ông Lĩnh tính đến trong nỗ lực tìm kiếm và mở rộng thị trường, từng bước nâng cao giá trị cho “cá thể thao”. 

"“Sông trong ao” là mô hình nuôi trồng thủy sản do người Mỹ thiết kế, mới du nhập vào Việt Nam gần đây. Ưu điểm nổi trội của mô hình là giảm tỷ lệ cá chết do ô nhiễm nước, giúp nâng cao chất lượng cá thương phẩm. Đặc biệt, cá được nuôi thả liên tục do không mất thời gian chờ xử lý ao nuôi sau thu hoạch nên năng suất cũng tăng đáng kể." - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn