Người dân chung tay làm sạch ngõ, phố
Từ nhiều năm nay, việc chung tay giữ gìn ngõ phố sáng, xanh, sạch, đẹp đã được các đoàn thể trên địa bàn dân cư số 1, phường Kim Mã triển khai hiệu quả. Điển hình là phong trào vệ sinh môi trường vào chiều thứ 6, sáng thứ 7 hàng tuần được các hội viên Chi hội phụ nữ duy trì rất tốt.
Trước đây, ngõ phố này là tụ điểm rác, nhưng với nhiều cách làm quyết liệt, sát sao của các cấp chính quyền, đoàn thể phường Kim Mã, người dân sau khi được tuyên truyền, phổ biến, nhắc nhở thì ý thức về việc giữ gìn môi trường sạch, đẹp đã chuyển biến tích cực.

Bà Chử Thị Ngọc Hiền - Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố số 1, phường Kim Mã, quận Ba Đình cho biết: Mang tính đặc trưng của làng xưa, ưu điểm của địa bàn dân cư số 1 là khi bất kể có việc gì thì cả hệ thống chính trị đều chung tay thực hiện. Đối với phong trào vệ sinh môi trường thì các thành viên trong Mặt trận, Cựu chiến binh, Hội phụ nữ đều tham gia rất tích cực.


“Nếu Tổ trưởng Tổ dân phố đi kiểm tra mà thấy có điểm rác lập tức sẽ thông báo nhắc nhở trên nhóm Zalo của Chi bộ hoặc Chi hội phụ nữ để giải quyết ngay. Mặc dù, có một số người dân bán hàng buổi sáng nhưng xong họ phải dọn dẹp sạch sẽ để trả lại mặt phố cho người dân và trẻ con vui chơi. Nhờ đó mà các ngõ phố trên địa bàn chúng tôi luôn được duy trì sạch, đẹp” - bà Chử Thị Ngọc Hiền chia sẻ.

Không chỉ vậy, Chi hội Phụ nữ số 1 phường Kim Mã còn đặt tủ phân loại rác tại ngõ phố; sau đó gây quỹ từ việc phân loại phế liệu và dùng kinh phí đó để làm công tác hỗ trợ cho các trẻ em và phụ nữ khó khăn.
Được biết, 13 tuyến phố của quận Ba Đình do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) 13 phường đăng ký mô hình “Đoạn đường/Tuyến phố không rác” đã có rất nhiều chuyển biến. Không còn rác thải trên lòng đường, vỉa hè vào ban ngày. Người dân ý thức hơn và chấp hành thời gian thu gom rác. Hè phố sạch hơn, các hộ kinh doanh trên mặt phố giảm bớt việc vứt phế liệu ra vỉa hè, lòng đường…

Chủ tịch Hội LHPN phường Kim Mã (quận Ba Đình) Trần Thị Phượng cho biết: Sau thời gian thực hiện thí điểm tuyến phố không rác, Hội LHPN phường Kim Mã đăng ký thí điểm 24 giờ không rác tại một số tuyến phố, ngõ nhỏ, ngắn. Đồng thời, tiến hành xử phạt các trường hợp cố tình vi phạm với mức 1,5 triệu đồng/trường hợp.
Hầu hết các địa bàn trên phường Kim Mã đã tiến hành đăng ký điểm không rác để quản lý đoạn đường. Ngoài ra, trên địa bàn các tổ có đội xung kích tuyên truyền nhắc nhở người dân; quay phim chụp ảnh những đối tượng vi phạm.
“Đối với việc giữ gìn môi trường sạch đẹp, văn minh đô, thị; gần như chúng tôi không đợi kế hoạch, mà có chủ trương là thực hiện luôn. Vì đây là nhiệm vụ hàng tuần chúng tôi vẫn đã và vẫn đang triển khai thực hiện” - bà Trần Thị Phượng nói.

Phường Kim Mã đã xây dựng Tuyến phố văn minh đô thị từ cách đây 2 năm. Đến nay, việc triển khai các nội dung này vẫn đang được triển khai hiệu quả. Ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, UBND phường Kim Mã đã triển khai thực hiện phong trào thi đua Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp.
Trong đó, phường Kim Mã tổ chức tuyên truyền thường xuyên bằng nhiều hình thức về giữ gìn vệ sinh môi trường, trang hoàng đường phố. Tổng vệ sinh địa bàn tối thiểu 1 lần/thuần vào sáng thứ 7. Vận động người dân thu gom, phân loại, để rác thải đúng nơi quy định, bỏ rác sinh hoạt đúng thời gian, không để tồn đọng rác thải trong các khu dân cư, điểm kinh doanh, khu họp chợ, điểm công cộng…
Phường Kim Mã cũng kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm vệ sinh môi trường, trật tự đô thị như: đổ nước thải trực tiếp ra lòng đường, vỉa hè; vứt bỏ rác ra đường; công trình xây dựng không thực hiện che chắn, giảm bụi…

Phường Kim Mã yêu cầu cả hệ thống chính trị phường tới các địa bàn dân cư để huy động toàn bộ cộng đồng tham gia hành động làm sáng, xanh, sạch, đẹp trên địa bàn phường, với sự cam kết mạnh mẽ từ các cấp, ngành, tổ chức và người dân trong thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, tạo ra phong trào rộng khắp, mạnh mẽ…. Đến nay, hơn 3.500 bản cam kết và tờ tuyên truyền đã được các hộ gia đình của phường Kim Mã ký và tiếp nhận.
Còn nhiều khó khăn
Hiện nay, số nhân khẩu của quận Ba Đình là 147.733 người; khối lượng rác phát sinh trung bình là 297 tấn/ngày. Tuy nhiên, hạ tầng ngõ xóm chiếm 62% trên địa bàn quận, với đặc thù chật hẹp gây khó khăn trong việc thực hiện cơ giới hóa và bắt buộc phải sử dụng thu gom thủ công.
Các loại thiết bị thu gom thô sơ đẩy tay, không được cải tiến, không kín gây chảy nước rác trong khi tập trung chờ cẩu. Việc tập trung xe gom xếp hàng dài chờ cẩu phát sinh chảy nước rỉ rác, đọng nước gây mùi…
Ngoài ra, còn tình trạng hộ gia đình, cá nhân bỏ rác ban ngày, bỏ rác theo thói quen, khối lượng trung bình chiếm 25 - 35% tổng lượng rác phát sinh cả ngày.

Là một trong 4 quận nội đô, quận Ba Đình đã triển khai nhiều phương án nhằm nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn. Trong đó, điều chỉnh công nghệ thu gom về đêm. Chỉ thực hiện thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt ở ngõ xóm từ sau 18h và đường phố từ sau 19h30 theo các khung giờ, địa điểm thu rác đã được thống nhất. Ngoài ra, tập trung xóa các điểm tập kết, tập trung gây ô nhiễm môi trường; cơ giới hóa tối đa, tăng cường công tác làm sạch đường phố…
Hội LHPN các phường cũng đã phối hợp với tổ vệ sinh môi trường, Ban Chỉ đạo 197 tuyên truyền, vận động người dân đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không đổ rác ra đường và nơi công cộng.
Tuy nhiên, thời gian thu gom rác trong ngày ít mà lượng rác nhiều. Người dân phải chờ xe thu gom đến, hoặc quá đầy không thu gom được, người dân phải tự tìm chỗ để bỏ rác.

Bên cạnh đó, ý thức của một số người dân, hộ dân chưa được nâng cao, dẫn tới tình trạng không thực hiện vứt rác vào giờ thu gom của đơn vị. Một số địa bàn có khu vực giáp ranh còn có hiện tượng người dân còn vứt rác sang nhau…
Chủ tịch UBND phường Kim Mã Vũ Khắc Thắng cho biết: Đối với một số địa bàn ngõ nhỏ, thì không thể thu gom rác bằng các phương tiện cơ giới mà vẫn phải sử dụng xe đẩy. Vẫn còn tình trạng có bộ phận người dân vẫn chưa ý thức được đầy đủ; đâu đó ở một số góc khuất vẫn còn nhìn thấy một vài bọc rác nhỏ.
Thời gian tới phường sẽ tiếp tục kiểm tra ý thức chấp hành của người dân và có chế tài xử phạt, tiến tới xây dựng phường Kim Mã nói riêng và quận Ba Đình nói chung thành quận không rác, chung tay, góp sức xây dựng thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp.