Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệu quả từ việc lát vỉa hè bằng đá tự nhiên

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc lát vỉa hè bằng đá tự nhiên đã tạo ra một diện mạo mới cho các tuyến đường phố Hà Nội. Tuy nhiên, để biện pháp trên đem lại hiệu quả bền vững, các đơn vị chức năng cần kiểm soát chặt công tác thi công, đặc biệt là biện pháp bảo vệ sau khi công trình đưa vào sử dụng.

Nhiều sự thay đổi tích cực
Xã hội ngày càng phát triển, các vật liệu có độ bền cao trong việc lát vỉa hè ngày càng đa dạng, song việc lát vỉa hè bằng đá tự nhiên đang là phương án lựa chọn hàng đầu của các nhà kiến trúc. Bởi so với các vật liệu khác, đá tự nhiên có độ bền cao, cứng, khả năng chịu những tác động lớn từ con người…
Nhận thức rõ vấn đề này, từ cuối quý I/2019, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định 1303/QĐ-UBND về việc ban hành “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn TP Hà Nội”. Theo đó, hơn 100 tuyến đường tại các quận như Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Hà Đông... sẽ được lát vỉa hè bằng đá tự nhiên.
Theo kế hoạch, đến ngày 31/8/2020, việc lát đá vỉa hè các tuyến đường quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm sẽ hoàn thành. Ảnh: Vân Nhi
Theo ghi nhận của chúng tôi, đến thời điểm này, tại nhiều tuyến đường phố như Bà Triệu, phố Huế, Lê Hồng Phong, Liên Trì, Giã Tượng, Cửa Đông…, việc lát vỉa hè bằng đá tự nhiên đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và ngay lập tức phát huy được hiệu quả.
Bà Vũ Thanh Hà (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, từ khi lát vỉa hè bằng đá tự nhiên, người dân trong khu vực rất phấn khởi. Bởi, ngoài việc bảo đảm mỹ quan đô thị, hiệu quả sử dụng lâu dài, việc lát vỉa hè bằng đá tự nhiên còn giúp công tác bảo đảm vệ sinh trở nên đơn giản và hiệu quả hơn rất nhiều.
Đây cũng là nhận định chung của nhiều người dân Thủ đô khi được hỏi về hiệu quả, tác động của việc thay thế đá lát vỉa hè đối với cuộc sống. Anh Nguyễn Tuấn Hiệp (phường Trung Liệt, quận Đống Đa) cho biết, việc chỉnh trang hè phố bằng đá tự nhiên đã thay đổi thói quen, cách hành xử của người dân với vỉa hè.
Theo lý giải của anh Hiệp, trước đây, bó vỉa trên tuyến đường này rất thấp, vào giờ cao điểm người điều khiển xe máy thường lao lên vỉa hè để di chuyển, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT đối với bản thân và người đi bộ. Tuy nhiên, sau khi chỉnh trang, các bó vỉa đã được nâng cao, ít điểm lên xuống, trên vỉa hè còn bố trí cả phần đường dành cho người khuyết tật di chuyển… Nhờ đó, việc đi lại của khách bộ hành cũng bảo đảm hơn.
Giám sát chặt bảo đảm hiệu quả lâu dài
Liên quan đến việc lát đá vỉa hè, ông Trịnh Hoàng Tùng - Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng quận Hoàn Kiếm cho biết, thực hiện Quyết định số 1303/QĐ-UBND ngày 21/32019 của UBND TP Hà Nội, năm 2020, UBND quận Hoàn Kiếm đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận thực hiện cải tạo hè, thoát nước 18 dự án trên 26 tuyến phố.
Đến nay, đã hoàn thành 7 dự án (8 tuyến phố), gồm Liên Trì, Dã Tượng, Nguyễn Gia Thiều; Cửa Đông (đoạn từ phố Phùng Hưng đến phố Lý Nam Đế), Phan Bội Châu - Nam Ngư, Trần Bình Trọng, Lê Duẩn. Hiện tại, Ban đang triển khai thi công 7 dự án (trên 13 tuyến phố) và tiếp tục thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 4 dự án (trên 5 tuyến phố).
Ông Trịnh Hoàng Tùng cho biết thêm, tại các dự án này, quận Hoàn Kiếm đang sử dụng đá lát kích thước 40 x 40 x 5cm, nhóm đá marble theo đúng tiêu chuẩn quốc gia về đá ốp, lát tự nhiên và hướng dẫn tại Quyết định số 1303/QĐ-UBND ngày 21/3/2019 của UBND TP Hà Nội ban hành “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn TP Hà Nội” để lát đá vỉa hè.
Nguồn gốc của loại đá tự nhiên được lấy từ Thanh Hóa. Đối với đá lát hè, đường dạo khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm sử dụng đá Granit có xuất xứ từ Bình Định, Phú Yên với chiều dày 10cm. Đá granit có độ cứng cao, khả năng chịu được lực tốt và không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố thời tiết. Dự kiến đến 31/8/2020 sẽ cơ bản hoàn thành việc lát hè, đường dạo xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Trong khi đó, theo ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng quận Đống Đa, ngoài việc bảo đảm chất lượng đá theo quy định, trong quá trình thi công, đơn vị sẽ bố trí cán bộ thường xuyên có mặt tại công trường để giám sát việc tổ chức thi công của đơn vị thi công. "Sau khi hoàn thành, các dự án trên đã phát huy được hiệu quả và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người dân" - ông Tuấn cho hay.
Tuy vậy, để các dự án trên phát huy được hiệu quả lâu dài, nếu chỉ trông chờ vào việc quản chặt chất lượng vật liệu, quá trình thi công thì chưa đủ, điều quan trọng không kém đó chính là công tác quản lý sau khi công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. “Hiện nay, không ít dự án khi đi vào hoạt động, chính quyền các địa phương thiếu sự giám sát nên tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, mở xưởng sửa chữa… gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình, gây mất mỹ quan đô thị” - ông Lê Anh Tuấn chia sẻ.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia khẳng định, việc Hà Nội triển khai lát vỉa hè bằng đá tự nhiên đã tạo ra một diện mạo mới cho Thủ đô, thậm chí từng bước nâng cao ý thức trong việc quản lý, sử dụng vỉa hè của người dân. Dẫu vậy, “của bền tại người”, nên nếu người dân, chính quyền địa phương không thực sự quyết liệt trong việc bảo vệ, giữ gìn, xử lý nghiêm hành vi xâm hại những dự án nói trên thì hiệu quả đem lại khó đạt được như kỳ vọng.

Theo Quyết định 1303/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội ngày 21/3/2019, Hà Nội sẽ triển khai lát đá vỉa hè tại hơn 100 tuyến đường, khu vực trên địa bàn TP. Trong đó, quận Ba Đình gồm 19 tuyến đường và khu vực; quận Đống Đa 24 tuyến đường; quận Hai Bà Trưng 12 tuyến đường và các tuyến phố cũ; quận Tây Hồ 8 tuyến phố; quận Hoàn Kiếm 27 tuyến đường; quận Hoàng Mai 5 tuyến đường; quận Hà Đông 11 tuyến đường.


Theo quy định của UBND TP Hà Nội, việc lát đá vỉa hè được thực hiện với điều kiện đã hạ ngầm hệ thống dây nổi, đồng bộ hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi, các công trình kiến trúc 2 bên đường đã được xây dựng ổn định, đồng bộ với việc cải tạo chỉnh trang mặt tiền các tuyến phố; Vật liệu đá tự nhiên sử dụng để lát phải bảo đảm các thông số phù hợp với quy định tại tiêu chuẩn đá ốp lát tự nhiên TCVN 4732:2007, không sử dụng nhóm đá vôi, khảo sát và xác định nguồn gốc đá rõ ràng; trên các tuyến đường, tuyến phố khi vỉa hè có chiều rộng không đều, chiều rộng hẹp cần lựa chọn kích thước viên đá lát cho phù hợp…