Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệu trưởng trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Nhà giáo ưu tú Bùi Văn Quân: Giữ truyền thống, tạo khác biệt sẽ thành công

Hải Phương (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại học Thủ đô Hà Nội là trường đại học công lập duy nhất trực thuộc TP Hà Nội; phát triển theo định hướng “tiếp nối truyền thống văn hóa của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến và tạo sự khác biệt trong sản phẩm đào tạo”.

Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với PGS.TS.NGƯT Bùi Văn Quân - Hiệu trưởng trường Đại học Thủ đô Hà Nội về vấn đề này.
Xin ông cho biết những thuận lợi và thách thức đối với trường Đại học Thủ đô Hà Nội
- Hà Nội là mảnh đất ngàn năm văn hiến với nhiều giá trị lịch sử và tinh hoa văn hóa. Với vai trò là trường đại học công lập duy nhất của Thủ đô Hà Nội, chúng tôi phải kế thừa và phát triển được những giá trị văn hóa truyền thống đó. Đồng thời sản phẩm đào tạo của nhà trường phải đáp ứng được nhu cầu đời sống thực tiễn, phục vụ sự phát triển cho Hà Nội.
Quá trình tiếp nối văn hóa được bắt đầu từ sự nhận diện những giá trị cốt lõi, tinh hoa của văn hóa để từ đó biết cách bảo tồn và phát triển. Trường Đại học Thủ đô Hà Nội ngày hôm nay chính là thành quả của quá trình phát triển các giá trị truyền thống đã được các thế hệ thầy trò nhà trường vun đắp qua chặng đường hơn 60 năm xây dựng và phát triển.
Làm thế nào để có những sản phẩm đào tạo khác biệt, thưa ông?
- Để tạo sự khác biệt trong sản phẩm đào tạo của trường Đại học Thủ đô Hà Nội, chúng tôi đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là thực hiện “Hà Nội hóa” và “Quốc tế hóa” các lĩnh vực hoạt động chủ chốt của nhà trường. Đặc biệt, trong các ngành học về du lịch và kinh tế, trường đã đưa nhiều môn học về Hà Nội vào chương trình đào tạo.
Trường đại học Thủ đô Hà Nội.
Thực tế, trường đã đổi mới nhanh, mạnh, đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục đại học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học; đa dạng phương thức, loại hình đào tạo; gắn kết giáo dục với cơ sở sử dụng lao động và mô hình thực hành, thực tập nghề thường xuyên... Đại học Thủ đô Hà Nội là một trong các trường có sinh viên sư phạm tốt nghiệp sớm của cả nước.
Chúng tôi đặc biệt coi trọng các nhóm giải pháp về thực hiện tự chủ và trách nhiệm giải trình trong quản lý, điều hành nhà trường. Tiếp tục khai thác thế mạnh, đổi mới đào tạo giáo viên, nâng cao chất lượng hệ đào tạo giáo viên chất lượng cao cho Thủ đô.
Ông đánh giá như thế nào về các kết quả nhà trường đã đạt được?
- Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, đã đạt được những thành tựu nhất định. Đầu tiên là việc xây dựng được đội ngũ nhân lực giảng dạy chất lượng, uy tín với 1 Giáo sư, 8 Phó giáo sư, 50 Tiến sĩ và 207 Thạc sĩ. Trường đã được Bộ GD&ĐT cấp phép thực hiện 12 chương trình bồi dưỡng cấp chứng chỉ; 23 ngành trình độ đại học; 13 ngành trình độ cao đẳng; 3 chuyên ngành sau đại học trình độ Thạc sĩ. Giảng viên của trường đã thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng ở trên 30 tỉnh, thành, tạo được uy tín và nâng cao thương hiệu trường Đại học Thủ đô Hà Nội.
Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp 6 tháng ngày càng cao, một số ngành đạt tỷ lệ từ 75 - 80%. Nhà trường đã xây dựng và mở mới được nhiều ngành đào tạo trực tiếp chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô, đáp ứng yêu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như: Logistics và quản lý chuỗi cung ứng; Toán ứng dụng; Trí tuệ nhân tạo; Khoa học dữ liệu…
Phát huy thế mạnh trong đào tạo giáo viên, trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã chủ động xây dựng Bộ tài liệu bồi dưỡng giáo viên phổ thông thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với tên gọi “Cẩm nang hướng dẫn giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới”. Bên cạnh đó, nhà trường đã ký được Bản ghi nhớ với một số địa phương về việc đào tạo nâng chuẩn đào tạo cho giáo viên theo quy định.
Xin cảm ơn ông!