Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược không nhận lương, chỉ cần môi trường giáo dục tốt để truyền nghề

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Khi nhận các bác sĩ trẻ, GS.TS Lê Ngọc Thành thường nói rằng: “Làm người trước rồi làm nghề sau” thì nghề sẽ tốt. Khi mình đã có tên tuổi thì học trò sẽ tìm đến mình.

“Làm người trước, làm nghề sau” thì nghề sẽ tốt
GS.TS Lê Ngọc Thành là Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược – Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện E. Công việc của GS Lê Ngọc Thành quá bận rộn khi vừa phải điều trị, phẫu thuật cho bệnh nhân, lại vừa phải lo truyền dạy cho những lứa học trò, hết ngày này qua tháng khác. Không chỉ thế, GS Thành luôn phải giải quyết chồng hồ sơ bệnh án và giấy tờ bệnh viện.
"Tôi hay nói vui với đồng nghiệp rằng, mình cũng không thể nghĩ đến cuối sự nghiệp lại trở về làm một "anh giáo quèn", rồi gắn bó với trường ĐH Y Dược – ĐHQG Hà Nội đến tận bây giờ” – GS Lê Ngọc Thành chia sẻ.
Sinh ra trong một gia đình có nhiều đời làm nghề thầy thuốc, GS Thành quyết tâm theo đuổi nghiệp y nhưng ông cũng đến với nghề giáo một cách tự nhiên.
Bởi khi vào ngành Y, các bác sĩ có chuyên môn giỏi thường gắn với công tác giảng dạy để "truyền nghề" cho thế hệ sau. GS Thành cũng không ngoại lệ. 27 năm làm ở Bệnh viện Việt Đức với vai trò một bác sĩ phẫu thuật, ông cũng tham gia giảng dạy cho sinh viên ở ĐH Y Hà Nội...
"Ông bố lúc sinh thời nói với tôi rằng dòng họ nhà mình chỉ làm nghề thầy thuốc không làm những việc khác nên tôi quyết định học y. Truyền nghề cũng là trách nhiệm của những người hành nghề đối với nghề của mình" - ông nói.
 GS.TS Lê Ngọc Thành (bên phải) đang trao đổi với lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội về kế hoạch phát triển trường ĐH Y Dược. Ảnh: VNU.
"Khi nhận các bác sĩ trẻ, tôi dạy các em rằng “làm người trước rồi làm nghề sau” thì nghề sẽ tốt. Nghiệp giáo theo mình như vậy, không bằng tấm lòng và chân tình thì có mười tay, mười mắt cũng không biết người ta như nào đối với mình"- GS Lê Ngọc Thành truyền nghề cho học trò chính bằng lẽ đó.
GS Thành mong muốn các học trò của mình sẽ chỉ mất 2 năm, em nào bình thường cũng chỉ mất 3 năm để thành nghề. Khi mình đã có tên tuổi thì học trò sẽ tìm đến. Vì lẽ đó, GS Thành chỉ muốn dạy các em có một nghề tốt và ông đã và đang say mê việc truyền nghề cho các em, cũng như say mê công việc của mình.
"Nghề giáo theo tôi từ năm 1986 đến bây giờ và luôn gắn bó với mình. Cứ tầng tầng lớp lớp như thế, nó cuốn theo thành trách nhiệm của mình đối với nghề nghiệp, và với các thế hệ học trò sau mình. Thành ra việc giảng dạy rất gắn bó với tôi. Tuy nhiên tôi cho rằng, giảng dạy không bắt buộc phải đứng trên bục giảng" - GS Thành cho hay.
Người thầy không nhận lương
Sau nhiều năm làm Chủ nhiệm Khoa Y - Dược, nhận thấy sự cần thiết phải phát triển hơn môi trường đào tạo nhân lực cho ngành y, thôi thúc GS Lê Ngọc Thành phát triển Khoa thành trường ĐH Y dược của ĐHQG Hà Nội.
Là hiệu trưởng trường ĐH Y Dược, GS Thành mong muốn đưa nhiều hơn nữa những nghiên cứu khoa học cơ bản của ĐHQG Hà Nội vào thực tế, để tránh tình trạng nghiên cứu sẽ bị "đắp chiếu" hay chuyển giao cho nước ngoài.
GS Lê Ngọc Thành cũng kỳ vọng các bác sĩ, dược sĩ trưởng thành từ trường ĐH Y Dược sẽ có khả năng nghiên cứu như những cán bộ nghiên cứu khoa học của ĐHQG Hà Nội. "Tôi muốn có một môi trường đào tạo trong ngành y mà các em sinh viên y dược có thể hội nhập trong nước và quốc tế được. Muốn vậy ngoại ngữ phải giỏi" - ông nhấn mạnh.
 GS Lê Ngọc Thành chỉ cần môi trường giáo dục tốt để truyền nghề. Ảnh: VNU.
GS Lê Ngọc Thành đã truyền nghề bằng đam mê và cả trách nhiệm, trăn trở làm sao để nâng cao chất lượng giảng dạy, tập hợp đội ngũ cán bộ y - dược giỏi làm việc cho trường:
“Các anh, các bạn, các em đang đồng hành cùng với tôi giảng dạy tại ĐH Y Dược chính là những người đang tham gia “cầm cân nảy mực” trong lĩnh vực y tế. Họ cũng giàu nhiệt huyết, sẵn sàng truyền nghề lại cho thế hệ sau. Tôi luôn đau đáu về điều đó. Nếu tôi không tận dụng trí tuệ của những người giỏi để phát triển một môi trường giáo dục thực sự chất lượng, quả thực là đã lãng phí nguồn lực lớn của xã hội".
GS Lê Ngọc Thành là Hiệu trưởng trường ĐH Y Dược nhưng: “Đến thời điểm này, tôi không nhận lương của ĐHQG Hà Nội, tôi chỉ “ăn” một lương thôi. Bộ Y tế đã trả lương cho tôi rồi. Tôi không cần lương. Tôi chỉ cần có một môi trường giáo dục tốt để truyền nghề. Như vậy là đủ”.