70 năm giải phóng Thủ đô

Hiệu ứng tích cực khi lãi suất giảm

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nền kinh tế đang rất khó khăn. Yêu cầu giảm lãi suất, cơ cấu nợ cho DN của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang được cộng đồng DN và giới chuyên môn đánh giá cao bởi "DN sống, ngân hàng mới sống".

Khách hàng giao dịch tại Agribank. Ảnh: Việt Linh
Khách hàng giao dịch tại Agribank. Ảnh: Việt Linh

Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế

Báo cáo của NHNN, tính từ đầu năm đến ngày 16/5, dư nợ toàn nền kinh tế chỉ tăng 2,72% so với cuối năm 2022. Mức tăng trưởng tín dụng thấp so với cùng kỳ các năm trước. Nguyên nhân là do cầu tín dụng giảm, khả năng hấp thụ vốn của DN và nền kinh tế khó khăn khi 3 động lực tăng trưởng suy yếu.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, hiện có nhiều DN không dám vay vốn vì sợ kinh doanh thua lỗ. Có nhóm DN bảo đảm đủ điều kiện để vay vốn, nhưng không muốn vay vì đơn hàng giảm, hàng hóa tồn kho nhiều, không sản xuất nên không có nhu cầu vay vốn. Nhóm còn lại không thể vay vốn và là nhóm đông nhất, đa số là DN nhỏ và vừa không đáp ứng được điều kiện vay vốn…

 

Lãi suất đã giảm khoảng 0,5 - 1% nhưng vẫn còn khá cao so với khả năng của DN. Hiện nay, nếu DN vay ngắn hạn cũng khoảng 9%, dài hạn vẫn ở mức 10 - 11%. Mức lãi suất này vẫn rất cao với DN trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
Giám đốc Công ty TNHH Dệt may Trường Sơn Thịnh Vũ Duy Hân

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, trong thực tế, bên cạnh câu chuyện về khả năng tiếp cận của DN với ngân hàng, còn có một câu chuyện khác là các ngân hàng cũng đang đỏ mắt tìm DN để cho vay. Ngân hàng nào cũng muốn tìm khách hàng tốt để giải ngân. Chẳng có ngân hàng nào muốn giữ tiền trong két. Bởi, nếu cứ khư khư ôm vốn thì ngân hàng cũng "khó mà sống khỏe". Theo Lãnh đạo Bộ Tài chính, tiếp cận tín dụng phải có sự chủ động từ cả hai phía.

Tại cuộc họp chiều 24/5 về các giải pháp tăng tiếp cận vốn và giảm lãi suất, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, ngân hàng và DN "phải đi chung con đường”. NHNN và hệ thống ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, hạ lãi suất huy động. "Phải thiết lập mặt bằng lãi suất huy động hợp lý thì lãi suất cho vay mới phù hợp. DN phát triển ngân hàng mới phát triển"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông yêu cầu NHNN tiếp thu các ý kiến, tiếp tục rà soát các quy định, thủ tục, nếu thuộc về chủ quan thì tháo gỡ ngay để phục vụ tốt nhất nhu cầu vay vốn của DN và người dân, nhất là các DN vừa và nhỏ. Đánh giá kỹ khả năng hấp thụ vốn của từng nhóm DN; rà soát cơ chế chính sách để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét quyết định…
Doanh nghiệp chưa hết lo

Từ 25/5, một loạt lãi suất điều hành sẽ điều chỉnh giảm 0,5 điểm phần trăm. NHNN tiếp thục thực hiện giảm lãi suất điều hành lần thứ ba kể từ đầu năm nay. Bên cạnh đó, NHNN cũng ra Chỉ thị số 02/CT-NHNN, về tăng cường công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023.

Tổ chức thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ đúng quy định; giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để thông đồng, trục lợi chính sách. Được biết, tuần này, NHNN cũng sẽ họp với các ngân hàng thương mại cổ phần để triển khai việc giảm lãi suất cho vay với khách hàng.

Lãnh đạo các ngân hàng thương mại lớn như Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank, MB, Techcombank… khẳng định sẽ tiếp tục chủ động kết nối với DN, khách hàng truyền thống để tháo gỡ khó khăn. Các ngân hàng đồng thuận sẽ tiếp tục "chắt chiu", tiết giảm chi phí hoạt động, nỗ lực để tiếp tục giảm lãi suất huy động, tiến tới giảm mặt bằng lãi suất cho vay; hướng tín dụng vào những lĩnh vực có khả năng tiếp cận vốn, các lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh…

Khi nghe tin NHNN hạ lãi suất điều hành làm cơ sở để lãi suất cho vay giảm, các DN rất phấn khởi nhưng vẫn chưa hết lo. Theo các DN, hạ lãi suất chưa đủ, cần cơ chế tài chính “cởi mở” hỗ trợ DN.

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hưng Phát Thành Nguyễn Thanh Lên thông tin, chưa nhận giảm lãi vay từ ngân hàng. Do đó Hưng Phát Thành đang cố gắng đàm phán với ngân hàng mới với mức lãi vay 7,5%/năm để giảm áp lực cho hoạt động sản xuất nhựa, bao bì và chế biến cao su của nhà máy.

Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP Hồ Chí Minh Lý Kim Chi chia sẻ, thời gian qua lãi suất huy động giảm nhưng lãi suất cho vay chưa giảm như kỳ vọng. Với mức lãi suất cho vay 10 - 11%/năm, DN khó có thể phục hồi. Đồng thời, mong ngân hàng xây dựng gói tín dụng ưu đãi đơn giản về mặt thủ tục để DN dễ tiếp cận.

Một số DN khác chia sẻ, dù có nhu cầu vốn nhưng không dám vay vì lo ngại không đủ sức trả. Do đó DN mong chính sách giãn nợ, cơ cấu lại nợ đi vào thực tế để DN vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Mạnh dạn hạ lãi suất ít nhất 2%, giãn hoãn nợ đúng đối tượng

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chia sẻ, sẽ sửa đổi lại một số điểm của Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng theo hướng "cởi mở hơn nhưng không phải hạ chuẩn". Đồng thời tạo sự đồng bộ cho các ngân hàng; cơ cấu lại các khoản nợ, "khẩn trương hơn nữa"…

Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, cơ hội để giảm lãi suất đã có, nhưng mức giảm từ nay đến cuối năm 2023 nên mạnh dạn ít nhất là 2%, bù lại phần lãi suất tăng của năm ngoái. Trong bối cảnh lạm phát thấp, tín dụng và cung tiền thấp như hiện nay, NHNN đang có cơ hội để tăng cung tiền cơ sở, bơm mạnh tiền ra nền kinh tế.

Về việc ngân hàng cho giãn, hoãn không chuyển nhóm nợ, theo ông Nghĩa, đây là một trong những biện pháp rất quan trọng, nhưng cần rất chọn lọc. Nghĩa là, phải chọn ra những ngành nghề nào ngân hàng có thể hỗ trợ hay chọn ra những khu vực có cơ hội để phát triển. Đặc biệt, phải chọn ra những DN có năng lực quản trị tốt, những khó khăn hiện tại chỉ là tạm thời, việc khoanh nợ không cho chuyển nhóm để cho vay mới sẽ giúp DN phục hồi nhanh.

Bàn về tác động của việc giảm lãi suất điều hành, Công ty Chứng khoán ACBS cho rằng, tình hình khó khăn của một số quốc gia lớn trên thế giới tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu của nước ta.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng suy yếu khi người dân thắt chặt chi tiêu. Do đó, để giải tỏa được nút thắt này cần giảm thuế, thúc đẩy mạnh đầu tư công để giải ngân vốn vào DN, nền kinh tế. Bên cạnh đó, đẩy tín dụng vào nền kinh tế thông qua room tín dụng, gói hỗ trợ lãi suất cho vay. Từ đây đến cuối năm, dự báo sẽ có thêm 1 - 2 đợt giảm lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế.

 

Giảm lãi suất chỉ là yếu tố cần, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiệu quả phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Nên kích cầu tiêu dùng, đầu tư. Trong bối cảnh sức khỏe khu vực tư nhân suy giảm, để kích cầu hiệu quả chắc chắn phải đến từ khu vực công. Chính sách tài khóa phải là chính sách đi đầu, mở rộng sẽ hỗ trợ cho DN, đó là giảm thuế, phí, tiền thuê đất… cần giảm sâu hơn để hỗ trợ DN.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân