Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệu ứng từ những tuyến đường vành đai

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những đô thị lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh luôn tập trung cư dân đông đúc, gây sức ép lên hạ tầng giao thông. Bởi vậy, phát triển hạ tầng giao thông làm sao để kéo giãn mật độ dân số đang là bài toán cần có ngay lời giải.

Đường Vành đai 3 trên cao. Ảnh: Hải Linh  
Đường Vành đai 3 trên cao. Ảnh: Hải Linh  

Hạ tầng giao thông quá tải

Trong nhiều năm qua, ùn tắc giao thông vẫn luôn là nỗi ám ảnh thường trực của người dân Thủ đô dù cho rất nhiều giải pháp cùng tiền bạc được chi ra để tìm lời giải cho bài toán này. Thực tế cho thấy, không phải cứ mở đường lớn, làm đường mới sẽ giúp giao thông được cải thiện. Đây là cách làm vừa tốn kém vừa chưa mang lại hiệu quả, nhất là khi lưu lượng phương tiện ở Thủ đô đã vượt ngưỡng “chịu đựng” của hạ tầng giao thông.

Nhìn lại những tuyến phố “nghìn tỷ” được mở ra ở Hà Nội trong những năm qua, chúng ta dễ dàng nhận ra điều này. Những con phố được coi là “đắt nhất hành tinh” như Kim Liên – Ô Chợ Dừa hay Nguyễn Văn Huyên kéo dài, đường Vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái… đều là những tuyến đường có giá trị đầu tư lên tới hàng tỷ đồng cho mỗi mét đường. Tuy nhiên, không bao lâu khi đường được mở ra, cảnh ùn tắc lập tức ập đến.

 

Theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ có nhiều tuyến đường Vành đai để kết nối nội bộ và thông thương với các tỉnh, thành lân cận. Đó là các tuyến như Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5, Vành đai 3,5, Vành đai 4…

Trong những tuyến đường mới sớm rơi vào cảnh ùn tắc phải kể đến đường Tố Hữu. Trước đó, nhằm giảm tải sức ép giao thông lên tuyến đường Nguyễn Trãi đi về Hà Đông, tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài (nay là đường Tố Hữu) được triển khai. Đến tháng 10/2010, con đường này khánh thành được xem là tuyến đường kiểu mẫu, huyết mạch cho trục phía Tây Nam Hà Nội.

Tuy nhiên, từ chỗ là một trong những tuyến đường đẹp, thông thoáng, chỉ một thời gian đưa vào sử dụng, dọc hai bên tuyến đường này ùn ùn mọc lên cơ man nhà cao tầng, kéo theo đó là tình trạng dân cư trù mật hai bên đường. Theo thống kê, trên một đoạn dài chưa đến 3km của đường Tố Hữu có đến 40 dự án cao ốc từ 25 – 35 tầng mọc lên hai bên tuyến đường.

Câu chuyện về tuyến đường Tố Hữu chính là bài học trong quy hoạch hạ tầng giao thông. Một dự án đường được quyết định đầu tư cần được tính toán kỹ nhằm hướng tới mục tiêu vừa nâng cấp hạ tầng giao thông, vừa kéo giãn mật độ dân số. Có như vậy hiệu quả của tuyến đường mang lại mới cao nhất.

Giải pháp từ các tuyến đường vành đai

Lý giải cho tình trạng quá tải hạ tầng, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, nhất là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, giới chuyến gia nhận định, nếu chỉ tập trung vào phát triển hạ tầng giao thông rất khó chạy theo để giải quyết được vấn đề ùn tắc.

Để giải quyết bài toán ùn tắc cho Hà Nội cần có một giải pháp đồng bộ và lâu dài. Trong đó, quan trọng nhất là công tác quy hoạch giao thông phải có tầm nhìn chiến lược. Tầm nhìn đó phải vượt thời gian hàng chục, thậm chí hàng trăm năm mà cụ thể là phải thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia các đô thị, các trung tâm để kéo giãn bớt dân.

Theo đó, việc đầu tư các đô thị vệ tinh, kết nối giao thông công cộng tốt là rất quan trọng. Trong đó, vấn đề cốt lõi là làm thế nào thu hút người dân chuyển ra sinh sống và làm việc tại các đô thị lân cận, đồng thời kiên định thực hiện mục tiêu giảm tải cho nội đô. Mà để kéo giãn được mật độ dân số, trước tiên cần hình thành những khu đô thị có chất lượng sống tốt hơn, giao thông thuận lợi, hệ thống giáo dục, y tế đầy đủ.

Một trong những dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho Hà Nội, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô chính là đường Vành đai 4.

Tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP Hà Nội khóa XVI vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, đường Vành đai 4 khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho TP, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường mà còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, TP trong Vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Xây dựng phương án và phân kỳ đầu tư dự án phải đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực, bảo đảm hiện đại, đồng bộ toàn tuyến, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu giao thông trước mắt và lâu dài. Đồng thời có giải pháp kết nối khu vực hai bên tuyến đường, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Với hiện trạng hạ tầng giao thông và mật độ dân cư tại Hà Nội hiện nay, việc kéo giãn mật độ dân cư thông qua quy hoạch, đầu tư hạ tầng giao thông sẽ phải trông chờ nhiều vào những tuyến đường vành đai. Khi những tuyến đường vành đai được hoàn thành, cùng với chủ trương di dời các cơ sở sản xuất, bệnh viện, trường học lớn ra khỏi nội thành, không phát triển mở rộng thêm những cơ sở này trong khu vực nội đô, tình trạng ùn tắc giao thông tại Thủ đô chắc chắn sẽ dần được giải quyết và những khu vực dân dư trù mật sẽ không còn là nỗi ám ảnh với hạ tầng giao thông nữa.