Nhà máy liên hợp dệt Nam Định là biểu tượng tự hào một thời của thành phố Nam Định khiến nơi đây thậm chí từng còn được gọi là thành phố Dệt. Lịch sử xây dựng, phát triển của Nhà máy Dệt gắn với thời kỳ kháng chiến cứu nước của dân tộc và những trang sử của thành phố Nam Định. Những thăng trầm của Nhà máy Dệt từng làm ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của tỉnh Nam Định. Nhà máy này được biết đến là nhà máy lớn nhất Đông Dương. Vào năm 1924 số công nhân của nhà máy lên tới 6.000 người và lên tới gần 13.000 công nhân viên chức vào năm 1985. Vào thời điểm những năm 1985, người ta tính trung bình cứ mỗi gia đình ở thành Nam lại có một người là công nhân nhà máy này.
Nhà máy liên hợp dệt Nam Định trước khi phá bỏ |
Theo quy hoạch chung phát triển Thành phố Nam Định, toàn bộ diện tích khu vực sau khi di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất ra khu công nghiệp sẽ được đầu tư xây dựng thành Khu đô thị Dệt may Nam Định, thiết lập nên trung tâm hành chính mới của thành phố với khu trung tâm thương mại, dịch vụ, chung cư cao tầng tạo nên một khu đô thị “cốt lõi” hiện đại của thành phố trong tương lai. Tổng diện tích quy hoạch là 24,81ha do Cty CP Phát triển đô thị dệt may Nam Định (Tập đoàn Dệt may Việt Nam) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 412 tỷ đồng. Hiện nay, việc tồn tại của khu liên hợp dệt ở giữa lòng T.P Nam Định đã không còn thích hợp, bao quanh là dân cư đông đúc việc sản xuất công nghiệp cần được di dời ra địa điểm khác cách xa khu dân cư để đảm bảo độ an toàn và sự ảnh hưởng tới con người và môi trường xung quanh. Một lãnh đạo trẻ của nhà máy tin tưởng, việc nhà máy dệt được di dời nhường chỗ cho một khu đô thị hiện đại mọc lên sẽ khiến nhiều người dân thành Nam vui mừng. Đây là cơ hội để Nam Định cổ kính thay đổi diện mạo. Tuy nhiên, với nhiều người, nhất là với những gia đình có nhiều đời gắn bó sẽ không khỏi cảm giác bùi ngùi khi nhớ về quá khứ vàng son của nhà máy từng một thời lừng lẫy cả xứ Đông Dương. Hình ảnh nhà máy Dệt Nam Định được in trên tờ tiền giấy mệnh giá 2.000 đồng. Dưới đây là những hình ảnh cuối cùng, trước ngày toàn bộ nhà máy được phá đi:
Nhiều người không khỏi nuối tiếc khi nhớ về quá khứ vàng son của nhà máy từng một thời lừng lẫy cả xứ Đông Dương… (Ảnh: tintucnamdinh)
|