Hình thành đội ngũ chuyên gia về pháp luật quốc tế tại từng địa phương

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề án nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức các bộ, ngành, địa phương về pháp luật quốc tế và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đề án nhằm đưa ra những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý các vấn đề pháp lý quốc tế cho công chức làm công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài và công chức, viên chức làm công tác pháp luật, pháp chế của các bộ, ngành, địa phương; từng bước hình thành đội ngũ chuyên gia pháp luật trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế và tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công tác này.

Bồi dưỡng kỹ năng phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế

Nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu của Đề án là tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế cho công chức làm công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng pháp luật quốc tế và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế cho công chức, viên chức làm công tác pháp luật, pháp chế.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Trên cơ sở tài liệu tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế được xây dựng, mỗi năm tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế cho khoảng 150 - 200 công chức làm công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài được lựa chọn từ các bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, tổ chức bồi dưỡng bổ sung kiến thức phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế cho công chức làm công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài của các bộ, ngành, địa phương.

Sau năm 2020, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng theo các nội dung và cách thức phù hợp với tình hình.

Xây dựng các nhóm chuyên gia giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế

Nhiệm vụ và giải pháp tiếp theo là xây dựng các nhóm chuyên gia giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế tại một số bộ, ngành, địa phương.

Cụ thể, mỗi bộ, ngành chủ chốt trong công tác giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế giao cho đơn vị pháp chế (pháp luật) của mình xây dựng nhóm chuyên gia về giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế và thông báo tên, địa chỉ đơn vị được giao việc này cho Bộ Tư pháp.

Tùy theo tình hình thực tế của địa phương, UBND thành phố trực thuộc trung ương và UBND tỉnh có nhiều dự án đầu tư nước ngoài có thể giao cho Sở Tư pháp hoặc tổ chức pháp chế thích hợp của một trong các cơ quan chuyên môn của mình xây dựng nhóm chuyên gia về giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế và thông báo tên, địa chỉ cơ quan, đơn vị được giao việc này cho Bộ Tư pháp. Biên chế dành cho nhóm chuyên gia về giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế được bố trí trong tổng số biên chế đã được phân bổ của địa phương.

Danh sách các tỉnh có nhiều dự án đầu tư nước ngoài do Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập, gửi Bộ Tư pháp và thông báo cho các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tên trong danh sách biết để cân nhắc việc xây dựng nhóm chuyên gia giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần