Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hình thành phân khu tạo hành lang thoát lũ

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong vòng 100 năm qua Thủ đô Hà Nội đã trải qua nhiều đợt lũ lụt, đặc biệt là trận lụt lịch sử vào năm 2008, thời điểm đánh dấu mốc mở rộng địa giới hành chính. Từ đó đến nay, TP đã xây dựng nhiều quy hoạch và công trình hạ tầng thoát lũ phục vụ sản xuất và đời sống người dân.

Thách thức về biến đổi khí hậu
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định, trong vòng 60 năm qua, các đợt lũ lụt xảy ra tại Hà Nội trở nên thường xuyên hơn với tuần suất 5 - 7 năm/lần. Cùng với đó là tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan có xu hướng ngày càng tăng, nắng nóng kéo dài, rét đậm rét hại, phố thành sông mỗi khi mưa lớn kéo dài. Trong khi đó hạ tầng phòng chống và thoát lũ vẫn còn thiếu, trong khi tình hình thời tiết diễn biến ngày càng theo hướng cực đoan, các công trình thoát nước ngầm đã được xây dựng nhiều nhưng thiết kế phức tạp và chưa có sự đồng bộ.
 Biến đổi khí hậu có tác động tiêu cực đến tình hình mưa lũ của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Quang Quyết
“Việc quy hoạch phát triển thành phố còn chưa đồng bộ, thiếu lồng ghép các giải pháp giảm nghẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu và hạn chế trong hiểu biết của các cộng đồng dân cư về biến đổi khí hậu đang là những thách thức không nhỏ đối với thành phố Hà Nội” - ông Lê Tuấn Định nói.
Từ thời điểm mở rộng địa giới hành chính đến nay, dân số của Thủ đô đã tăng lên nhanh chóng, đặc biệt trong khu vực đô thị lõi, kéo theo đó là số lượng các phương tiện giao thông cá nhân cũng tăng đột biến. Nhu cầu sử dụng nguồn năng lượng, nhiên liệu chất đốt trong đời sống gia tăng gây ra nguồn phát thải đã tác động trực tiếp vào quá trình biến đổi khí hậu, những biến đổi khí hậu xảy ra ngày càng rõ ràng và phức tạp.
Tháng 8/2018, Thủ đô Hà Nội cùng với TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng được lựa chọn là 3 TP đại diện của Việt Nam tham gia mạng lưới 26 TP thông minh của ASEAN, trên cơ sở đó sẽ xây dựng một hệ sinh thái chung, tích hợp những ứng dụng hiện đại nhất của khoa học, công nghệ, lấy tiêu chí tạo dựng ra giá trị phát triển bền vững là mục tiêu hàng đầu.
KTS. Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường trực Hội KTS Hà Nội cho biết, để lên kịp đoàn tàu đi đến tương lai này, Hà Nội cần can đảm nhận diện những bất cập trong kịch bản phát triển. Trước mắt cần tập trung tiếp cận vấn đề liên quan đến cấp nước, thoát nước, giữ nước, xử lý nước thải và bảo vệ nguồn nước sạch…
Phân khu tạo hành lang thoát lũ
Từ khi quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ thông qua, TP Hà Nội đã thực hiện quy hoạch về chỉ giới thoát lũ của các sông trên địa bàn TP, trong đó tập trung vào hệ thống sông lớn như Sông Hồng, Sông Đáy, Sông Nhuệ, Sông Đuống... Trong quy hoạch này, TP đã thành lập những khu vực rộng hàng chục nghìn ha cho hành lang thoát lũ, trong đó có thể kể đến hành lang thoát lũ hạ lưu sông Tích sông Đáy rộng gần 15.000ha.
Vấn đề về lũ lụt, ngập úng không chỉ xảy ra ở vùng ngoại thành mà còn là vấn nạn ngay trong vùng nội đô. Từ những thách thức này đòi hỏi TP Hà Nội cần phải có chiến lược thoát nước mới kể cả ở nội thành và ngoại thành, để có thể đối phó với hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng.
KTS. Trần Huy Ánh cho biết, có 3 giải pháp để Hà Nội có thể đối phó được với thách thức này: Thứ nhất, phân thành 3 khu vực để có 3 giải pháp: nội thành, các khu đô thị mới ven đô và vùng nông thôn (nhất là vùng trũng ngập, hành lang thoát lũ); Thứ hai, cần tích hợp các dự án thoát nước với các dự án hạ tầng đô thị: Đường sắt đô thị đi ngầm + Parking ngầm + Dịch vụ kỹ thuật + Đường bộ ngầm + Thoát nước và xử lý nước thải, trữ nước ngầm… Đây cũng là cơ hội đại chúng hóa nguồn lực đầu tư thay vì ngân sách, vay nước ngoài hay giao cho các tập đoàn; Thứ ba, thoát nước kết hợp với dự trữ nước sạch và nâng cấp cảnh quan, tăng cường sinh kế, khuyến khích vận tải thủy, năng lượng tái tạo…
BOX: Tính đến hết tháng 8/2018, trên địa bàn TP Hà Nội đã thực hiện gần 600 dự án khu đô thị (bao gồm cả các dự án bất động sản) với hàng chục triệu m2 sàn nhà ở mới được cung cấp cho thị trường. Và trong suốt quá trình đô thị hóa của thế kỷ 20, Thủ đô Hà Nội có khoảng 12 triệu m2 sàn nhà ở, đến hết năm 2014 đã tăng lên 118 triệu m2 tăng gấp 10 lần. Gia tăng dân số và các công trình xây dựng, hạ tầng thoát không theo kịp dẫn đến những vấn đề về ngập úng, tắc đường, nước thải, thoát nước...

PGS.TS – KTS Trần Trọng Hanh - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội