Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hình tượng hổ trong 2.000 năm lịch sử mỹ thuật Việt Nam

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chào mừng Xuân Nhâm Dần 2022, ngày 18/1, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Khu di tích Lịch sử đền Hùng và một số sưu tập tư nhân tổ chức trưng bày chuyên đề “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam”.

Tạo hình hổ trong mỹ thuật

Hình tượng hổ có lịch sử lâu đời trong văn hoá Việt Nam. Thông qua các tài liệu lịch sử đã chứng minh, hổ là đối tượng sùng bái và là vật tổ của nhiều bộ tộc từ thời tiền sử. Hình tượng hổ đã đồng hành và đóng góp những nét đặc sắc vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Bích chất liệu Kim loại, niên đại thế kỷ I - III, trang trí hình 4 thần thú: Thanh Long, Bạch Hổ, Chu thước, Huyền Vũ. 
Bích chất liệu Kim loại, niên đại thế kỷ I - III, trang trí hình 4 thần thú: Thanh Long, Bạch Hổ, Chu thước, Huyền Vũ. 

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Văn Đoàn cho biết: Với trên 30 hiện vật và các tài liệu, hình ảnh chọn lọc, trưng bày giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật tạo hình hổ đặc sắc trải dài trên 2.000 năm của lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Mảnh ghạch trang trí hình hổ, chất liệu đất nung, niên đại thế kỷ XI - XIV.
Mảnh ghạch trang trí hình hổ, chất liệu đất nung, niên đại thế kỷ XI - XIV.

Trưng bày chuyên đề “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam” được thể hiện theo niên đại kết hợp loại hình. Xa xưa, trong nghệ thuật thời Đông Sơn, hình tượng hổ có liên quan đến quan niệm kính sợ và tôn thờ sức mạnh, oai linh của loài vật này.

10 thế kỷ đầu công nguyên, hình tượng hổ có chuyển biến về tạo hình, ý nghĩa, nội hàm văn hóa. Hình tượng hổ thời kỳ này bắt đầu xuất hiện gắn với các quan niệm về Tứ Tượng hay còn gọi là Tứ Linh, Tứ Thần Thú: Thanh Long (phương Đông), Bạch Hổ (phương Tây), Chu Tước (phương Nam), Huyền Vũ (phương Bắc). Hổ trở thành một biểu tượng trong các thần thú mang ý nghĩa tâm linh, tôn giáo; về cấu tạo, thể hình, biểu hiện xa rời hình ảnh của hổ trong thực tế. Trí tưởng tượng và tư duy thẩm mỹ tạo hình thời kỳ này chú trọng vào sự hài hoà, tạo hình thẩm mỹ mang tính thận trọng và uyển chuyển, kết hợp với các biểu tượng mang tính chất thiêng hóa, thể hiện niềm tin và sự tôn kính đối với hổ.

Ý nghĩa của hình tượng hổ

Hình tượng hổ trong nghệ thuật thế kỷ X-XX được đưa đến trưng bày với nhiều thông tin thú vị. Sử sách ghi chép nhiều chuyện thời nhà Lý có liên quan đến hổ như nuôi hổ, đấu hổ để giải trí và trừng trị phạm nhân. Dường như trong quan niệm đương thời, hổ đại diện cho cái ác, sự trừng phạt, tạo cảm giác ghê sợ, do vậy cho đến nay chưa phát hiện được hình tượng hổ nào trong nghệ thuật của thời kỳ này.

Từ thời Trần (1225 - 1400), hổ xuất hiện với tạo hình khoẻ khoắn, sinh động, thể hiện sự dũng mãnh, oai phong, đồng thời được coi như linh thú trấn yểm, bảo vệ các lăng mộ. Khu lăng mộ các vua Lê ở Lam Kinh (Thanh Hóa) cho biết những thông tin chính xác hơn về quy mô, cấu trúc của các lăng tẩm hoàng gia thời phong kiến. Các lăng này thường có 10 pho tượng với kích thước nhỏ, chia làm 5 đôi gồm: Quan hầu, lân, tê giác, ngựa, hổ. Tượng hổ được thể hiện đơn giản ở cách tạo dáng, khối, đường nét nhưng vẫn giàu tính biểu cảm.

Trong trưng bày, người xem có thấy một số hình tượng hổ trong nghệ thuật gốm. Dù khá hiếm nhưng sự hiện diện của hổ trên đồ gốm khá sớm và có tính liên tục. Hổ xuất hiện sớm nhất trên các thạp gốm hoa nâu thời Trần, nổi tiếng với chiếc thạp hoa nâu khắc hình 3 con hổ đuổi nhau tại Bảo tàng Guimet (Paris, Pháp).

Đĩa trang trí hình hổ, chất liệu gốm, niên đại thế kỷ XV.
Đĩa trang trí hình hổ, chất liệu gốm, niên đại thế kỷ XV.

Ở trong nước, kết quả khai quật khảo cổ học ở tàu cổ Cù Lao Chàm (năm 1997 - 2000) và khai quật các lò gốm cổ vùng Nam Sách, Bình Giang (Hải Dương) cho thấy có nhiều tiêu bản gốm trang trí đề tài hổ như: Bình gốm, đĩa gốm, hộp gốm hoa lam... Những hình hổ này thường là các đồ án trang trí tươi vui, sinh động.

Trong điêu khắc đình làng thế kỷ XVI-XVIII, hổ là một đề tài ưa thích trong các bức chạm trên kiến trúc gỗ đình làng. Những ngôi đình nổi tiếng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam như Tây Đằng, Chu Quyến, Nghiêm Xá (Hà Nội), Trùng Hạ (Ninh Bình), đình Chảy (Hà Nam), Thổ Tang (Vĩnh Phúc), Hùng Lô (Phú Thọ) đều có chạm khắc liên quan đến hổ.

Hổ trong điêu khắc đình làng thường tham gia vào các hoạt cảnh như: Hổ chạy theo chân Đinh Bộ Lĩnh trong cảnh mả táng hàm rồng, người cưỡi hổ (đình Chu Quyến), người cầm giáo đâm hổ (đình Tây Đằng), người đánh hổ, người và voi săn hổ (đình Chảy), hổ cày ruộng (đình Hùng Lô), người cầm súng bắn hổ (đình Hạ Hiệp). Theo các chuyên gia, hình ảnh hổ trong điêu khắc đình làng thể hiện sự gần gũi, thân quen, đa dạng về thủ pháp, giản lược về hình thức, hồn nhiên, mộc mạc, hóm hỉnh, đầy sức sống.

Tranh ngũ hổ Hàng Trống.
Tranh ngũ hổ Hàng Trống.

Ngày nay, hình tượng hổ cũng được thể hiện rất đặc sắc trong tranh dân gian Hàng Trống, với bức tranh nổi tiếng Ngũ hổ, thường được bày trong những không gian thờ phụng. Ngoài ra còn có các tranh độc hổ theo màu sắc tương ứng: Thanh hổ, bạch hổ, xích hổ, hắc hổ. Màu sắc trong tranh hổ Hàng Trống khá lộng lẫy uy nghi nhưng cũng không kém phần hài hòa, độc đáo.

Trưng bày chuyên đề “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam” đón khách đến ngày 31/8/2022 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội), giúp công chúng khám phá, tìm hiểu và nhận thức sâu sắc hơn về sưu tập hiện vật, ý nghĩa của hình tượng hổ trong lịch sử văn hóa Việt Nam.