Hồ “chết” được hồi sinh

Bài, ảnh: Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, nhiều hồ ở Hà Nội đã và đang được TP nỗ lực cải tạo, nạo vét, nâng cao chất lượng nước.

Sau cải tạo, tại một số hồ, tình trạng tái ô nhiễm vẫn diễn ra do ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân chưa cao. Tuy nhiên, đan xen trong những “mảng tối” ấy, hiện không ít mô hình cải tạo môi trường hồ đang phát huy hiệu quả với sự tham gia tích cực của cộng đồng.

Hiệu quả về sự chung tay

Hồ Rùa hay còn gọi là hồ Phương Liệt 1 nằm trên địa bàn phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, trước khi được cải tạo luôn được nhắc đến như một “điểm đen” về ô nhiễm. Cả mặt hồ rộng lớn là sình lầy, nơi chứa nước thải, rác đổ bừa bãi, môi trường bị ô nhiễm. Năm 2012, UBND TP Hà Nội đã đầu tư cải tạo, chỉnh trang lại khu vực hồ, trong đó cải tạo tách hoàn toàn hệ thống nước thải không chảy vào hồ mà chảy ra sông Sét, cùng với đó là các hạng mục như kè đá, làm đường dạo xung quanh... Sau khi công trình cải tạo, môi trường hồ Rùa như được hồi sinh, trở thành không gian xanh lý tưởng của người dân sống xung quanh.
Môi trường sạch đẹp tại hồ Rùa đã góp phần nâng cao đời sống sức khỏe, tinh thần của người dân.
Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân vứt rác thải bừa bãi xuống hồ khiến nguồn nước có nguy cơ tái ô nhiễm. Trước thực trạng đó, chị em hội viên phụ nữ Chi hội 13, tổ dân phố 17, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân đã chủ động, sáng tạo trong việc triển khai các mô hình bảo vệ môi trường hồ. Chi hội đã vận động toàn thể cán bộ, hội viên các chi, tổ hội cùng chung tay biến hồ Rùa trở thành “lá phổi xanh” của phường. Ban đầu chị em vận động các gia đình cam kết không vứt rác bừa bãi xung quanh khu vực hồ, thường xuyên ra quân quét dọn đường dạo ven hồ, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đặc biệt, sau khi được cải tạo, xung quanh khu vực hồ có trồng một số cây xanh nhưng nhiều cây đã bị gãy, chết, bị đổ do thiên tai. Chi hội đã vận động các gia đình hội viên tự trồng cây xanh ven hồ trước cửa nhà mình để tạo bóng mát, cảnh quan.

Chuyên gia về môi trường nhận định, các hồ tại Hà Nội đã được cải tạo, xử lý ít nhiều cũng chỉ có thể bảo đảm chất lượng nước tức thời. Sau giai đoạn xử lý, các thông số ô nhiễm có thể tăng trở lại nếu không được bảo vệ. Do vậy, hiệu quả của mô hình cộng đồng tham gia và bảo vệ môi trường nước mặt hồ Rùa tại phường Phương Liệt cần được tuyên truyền nhân rộng đến các khu dân cư sống gần các hồ khác trên địa bàn TP.

Vẫn còn “con sâu làm rầu nồi canh”

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy - Chi hội trưởng 13 cho biết: Cán bộ chi, tổ hội đã kiên trì đến từng gia đình để vận động, thuyết phục. Cùng với sự vào cuộc của tổ dân phố, mặt trận khu dân cư, dần dần người dân đã hiểu và nhiệt tình hưởng ứng. Đến nay, 40 cây gồm sấu, lộc vừng... xung quanh khu vực hồ Rùa do các gia đình trồng đã lên xanh tốt, tỏa bóng mát. Cùng đó, một hộ gia đình đã ủng hộ 15 chiếc ghế đá kê quanh đường dạo ven hồ, tạo điều kiện để người dân có thể đến đây thư giãn, hưởng không khí trong lành. "Quận Thanh Xuân đã tặng Giấy khen cho Chi hội và coi đây là mô hình điểm để nhân rộng phong trào tới các chi, tổ hội khác cùng chung tay cải tạo môi trường cảnh quan trên địa bàn" - bà Thủy chia sẻ.

Hiệu quả của sự chung tay là rõ nét, tuy nhiên chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Gia Long - Tổ trưởng dân phố 17 phường Phương Liệt vẫn không giấu khỏi băn khoăn. Ông Long cho rằng, trong công tác tự quản, đa phần người dân tích cực nhưng không tránh khỏi còn những hộ gia đình chưa có ý thức, vẫn còn "con sâu làm rầu nồi canh" nên rất cần sự thường xuyên vào cuộc của các cấp chính quyền, lực lượng chức năng xử lý thật nghiêm những hành vi xâm hại cảnh quan, môi trường xung quanh hồ Rùa như việc bán hàng quán, thả rông động vật phóng uế bừa bãi tại khu vực đường dạo ven hồ...