Hộ chiếu vaccine điện tử: Thuận lợi hơn cho người dân

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian tới, Việt Nam sẽ triển khai thí điểm hộ chiếu vaccine điện tử và triển khai hệ thống thông tin cấp chứng nhận tiêm chủng Covid-19 tại Việt Nam. Đây là một bước tiến lớn trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam, mang đến sự minh bạch về dữ liệu và cho phép hoạch định chính sách dựa trên dữ liệu.

Sẽ cấp hộ chiếu vaccine điện tử trên toàn quốc

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Việt Nam hiện là một trong sáu nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới. Tỷ lệ bao phủ vaccine mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên là gần 100%, 2 mũi là 99%, và tỷ lệ người đã tiêm mũi 3 đạt 43,5 %. Đối với người từ 12 đến 17 tuổi 1 mũi là 99% và 2 mũi là 94%. Hiện tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam đã đạt mức rất cao trong khu vực và quốc tế.

Việt Nam đang dần bước vào giai đoạn phục hồi hoạt động kinh tế - xã hội. Chính phủ đã tuyên bố chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022. Việc triển khai hộ chiếu vaccine điện tử được coi là giải pháp cần thiết để mở cửa đón khách quốc tế trở lại. Hộ chiếu vaccine điện tử hiển thị các thông tin cá nhân và thông tin tiêm chủng của người sử dụng thông qua mã QR code.

Kiểm tra thông tin y tế của hành khách tại sân bay Quốc tế Nội Bài. Ảnh: Phạm Hùng
Kiểm tra thông tin y tế của hành khách tại sân bay Quốc tế Nội Bài. Ảnh: Phạm Hùng

Để việc cấp và theo dõi số lượng giấy xác nhận tiêm vaccine Covid-19 cho người dân bằng chữ ký số, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5772/QĐ-BYT về biểu mẫu và quy trình cấp chứng nhận hộ chiếu vaccine; đồng thời phối hợp với Bộ TT&TT và các cơ quan liên quan xây dựng các hệ thống cấp hộ chiếu vaccine, cũng như chỉnh sửa một số chức năng chữ ký số trên nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19.

Hiện nay, Việt Nam triển khai thí điểm cấp hộ chiếu vaccine điện tử tại 3 bệnh viện (BV) là Bạch Mai, K và E. Sau một tuần thí điểm, kết quả cho thấy, hệ thống đã sẵn sàng, đáp ứng tốt việc triển khai cấp hộ chiếu vaccine điện tử. Những người đã tiêm vaccine Covid-19 tại 3 BV (Bạch Mai, E, K) được cập nhật thông tin vào hệ thống tiêm chủng quốc gia, là cơ sở dữ liệu để thí điểm cấp hộ chiếu vaccine điện tử.

Tuy nhiên, trong quá trình thí điểm có 2 vấn đề mà 3 BV băn khoăn là các cơ sở tiêm chủng phải có chứng thư số để triển khai chữ ký số. Mặt khác, hiện nay, nhiều cơ sở tiêm chủng đang nhập thông tin tiêm chủng của cơ sở khác, do người ở cơ sở khác nhập. Vì vậy, trong quy trình cũng như hướng dẫn của Bộ Y tế, cơ sở tiêm chủng nào chỉ ký số những dữ liệu do cơ sở đó nhập, còn thông tin do cơ sở khác nhập sẽ không ký.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu Y tế, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế Nguyễn Bá Hùng cho biết, hiện Cục Công nghệ Thông tin mới thí điểm phần mềm ứng dụng nên hộ chiếu vaccine chưa đồng bộ trên hệ thống cho các trường hợp này. Bộ Y tế dự kiến trong tuần tới họp để tiến hành triển khai rộng rãi toàn quốc. Hộ chiếu vaccine điện tử có ý nghĩa tương đương hộ chiếu vaccine giấy. Tuy nhiên, hộ chiếu vaccine điện tử sẽ giúp người dân thuận lợi hơn trong việc đi lại, giao thương quốc tế khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường. Hiện nay, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, biểu mẫu hộ chiếu vaccine của Việt Nam đã được công nhận song phương với 17 quốc gia.

“Chúng tôi đánh giá là từ ngày 15/3 chúng ta mở cửa du lịch quốc tế nên nhu cầu cấp hộ chiếu vaccine thời gian tới chắc chắn sẽ lớn. Bởi sau khi Bộ Y tế ban hành Quyết định 5772, chúng tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi của người dân là khi nào được cấp hộ chiếu vaccine” - ông Hùng cho hay.

Người dân chỉ cần đi tiêm và khai báo thông tin

Xung quanh việc cấp hộ chiếu vaccine, nhiều ý kiến cho rằng, có những vướng mắc như cấp tại tuyến xã thì điểm tiêm cấp hay BV cấp? Đề cập đến vấn đề này, ông Hùng nhấn mạnh: “Hiện nay, theo Quyết định 5772, các cơ sở tiêm chủng sẽ thực hiện ký số, tuy nhiên về giải pháp kỹ thuật có hai phương án. Thứ nhất, cho phép các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số. Thứ hai, tùy tình hình thực tế của địa phương có thể giao cho cơ quan nào đó làm đầu mối như Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật… để thực hiện ký số. Thực chất, việc ký số này rất đơn giản và cho phép ký theo lô, có thể ký hàng nghìn người một lúc mà không phải ngồi chọn từng người. Chúng tôi đánh giá về mặt quy trình rất đơn giản, không có phức tạp”.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu Y tế, về quy trình, người dân chỉ cần đi tiêm chủng và khai báo thông tin chính xác. Các cơ sở tiêm chủng phải chịu trách nhiệm về việc rà soát các thông tin, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin của người dân. “Khi chúng tôi thực hiện triển khai cấp hộ chiếu vaccine thì tất cả người dân đã tiêm chủng và có thông tin trên nền tảng quản lý tiêm chủng thì sẽ có một mã QR hiển thị trên ứng dụng PC Covid cũng như ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử của Bộ Y tế phục vụ cho việc kiểm soát khi xuất cảnh. Với ứng dụng PC Covid, hiện nay, chúng tôi đã làm việc với Bộ TT&TT đang xây dựng chức năng để hiển thị hộ chiếu vaccine. Người dân nếu đã có thông tin thì sẽ có thêm chức năng hiển thị hộ chiếu vaccine. Bản chất kết quả đầu ra là một mã QR, người dân sẽ sử dụng QR Code để xuất cảnh, có ý nghĩa gần như thẻ xanh Covid, nhưng mã QR theo tiêu chuẩn quốc tế” - ông Hùng nêu rõ.

Đề cập đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Y tế Đỗ Trường Duy cho biết: “Cục Công nghệ Thông tin tiếp tục xây dựng, rà soát thông tin để sớm triển khai rộng trên toàn quốc, đồng thời phối hợp với các đơn vị chuẩn bị phương án tiêm mũi thứ 4 cũng như tiêm vaccine cho trẻ em 5 - 11 tuổi. Thời gian tới, Cục Công nghệ Thông tin sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ Y tế, đề xuất phối hợp với Bộ Công an để xây dựng kế hoạch rà soát, bổ sung, làm sạch dữ liệu tiêm chủng”.

 

"Có 11 thông tin hiển thị trên hộ chiếu vaccine gồm: Họ và tên; ngày tháng năm sinh; Quốc tịch; bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới; số mũi tiêm đã nhận; ngày tiêm; liều số; vaccine; sản phẩm vaccine; nhà cung cấp hoặc sản xuất vaccine; mã số của chứng nhận. Các thông tin trên sẽ được ký số, mã hóa và được đóng gói dưới dạng QR định dạng 2D. Hạn sử dụng là 12 tháng.

Với việc ứng dụng công nghệ blockchain, VTS sẽ giúp bảo đảm an toàn thông tin và tính duy nhất của mã QR của người dân trong hộ chiếu vaccine. Đây cũng sẽ là mã QR “động” tự động thay đổi hình dạng nhưng không ảnh hưởng tới thông tin lưu giữ nhằm tránh kẻ gian chụp ảnh để sử dụng cho mục đích khác." - Phó Giám đốc Trung tâm giải pháp Y tế, Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (VTS) Lưu Thế Anh.