Hòa chung vào dòng chảy của tốc độ đô thị hóa, hồ Hoàn Kiếm cũng đứng trước nguy cơ ô nhiễm, nguồn nước cạn kiệt... khiến vẻ đẹp vốn có bị phai nhạt đôi chút. Tuy nhiên, bằng những nỗ lực không biết mệt mỏi của các đơn vị có liên quan, đến thời điểm này, hồ Hoàn Kiếm gần như đã giữ được vẻ đẹp ban đầu, xứng đáng với cái tên danh hiệu: “Hồ Gươm – Trái tim của Thủ đô”.
Hành trình 63 ngày đêm làm sạch môi trường
Đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội nhớ lại, cách đây vài năm, vào mùa khô, do không có nguồn nước bổ cập nên lượng bùn lắng tồn đọng lớn làm mực nước hồ xung quanh gần bờ chỉ ở mức 50 - 70cm. Độ PH trong nước hồ thường xuyên dao động ở mức 9,4 – 10,5... Thậm chí, có những thời điểm nước hồ xanh đặc quánh do lượng tảo phát triển (tảo nở hoa) và bốc mùi khó chịu đe doạ sự sinh tồn của các loài động thực vật.
Trước thực trạng trên, TP Hà Nội đã giao cho Công ty Thoát nước Hà Nội nhiệm vụ lập dự án thực hiện cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm. Dưới sự chỉ đạo sát sao của UBND TP Hà Nội, Công ty đã xây dựng phương án với 3 giải pháp chính như: Nạo vét lớp bùn đáy tích tụ, thanh thải phế thải lòng hồ; Bổ cập nước định kỳ kết hợp với điều tiết mực nước tạo sự điều hoà, lưu thông cho nước trong hồ; Sử dụng chế phẩm Redoxy – 3C để xử lý ô nhiễm khi cần thiết.
Trước trọng trách mà TP giao, Công ty Thoát nước Hà Nội đã tham vấn ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học thuộc tất cả các ngành, ý kiến của cộng đồng nhân dân Thủ đô, chính quyền quận Hoàn Kiếm và các sở, ban, ngành TP; Đồng thời, tổ chức hội thảo trước đông đảo các đại diện tham gia..., để có lắng nghe các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực này.
Sau những bước chuẩn bị bài bản, thận trọng, theo đúng quy định, ngày 1/12/2017, công tác xử lý ô nhiễm môi trường tại hồ Hoàn Kiếm đã chính thức được thực hiện. Với 63 ngày đêm (đến ngày 7/2/2018) lao động hăng say, 57.000 mét khối bùn, phế thải tồn đọng trong lòng hồ đã được thu dọn bằng công nghệ nạo vét cơ giới C2 cải tiến cũng như bằng phương pháp thủ công. Chưa hết, để hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng đến với hệ sinh thái trong hồ và các hạng mục khác, Công ty Thoát nước Hà Nội đã thận trọng chia mặt hồ thành 10 khu vực nạo vét, luân phiên sử dụng lưới quây, dồn hệ thuỷ sinh vật vào từng vị trí riêng biệt, cách xa khu vực thi công và sử dụng thủ công trong các khu vực từ bờ kè ra 7m...
Đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết thêm, các đơn vị thi công xây dựng đã thực hiện hoàn hảo các giải pháp không để dầu mỡ của máy móc thiết bị rơi rớt xuống hồ, không để bùn đất chảy ra lòng đường do dùng hoàn toàn thiết bị là xe téc bùn kín khít, tiến hành vệ sinh tưới nước rửa đường thường xuyên và hạn chế thấp nhất tiếng ồn của thiết bị trong quá trình thi công.
Bên cạnh đó, Công ty đã triển khai thi công giếng khoan khai thác nước ngầm và xử lý nước với công suất 150m3/h. Toàn bộ công trình được thiết kế nhỏ gọn, nằm hoàn toàn dưới lòng đất tại khuôn viên vườn hoa góc phố Hàng Khay – Lê Lợi để bổ cập nước đều đặn góp phần quan trọng vào việc duy trì mực nước, cải thiện chất lượng nước hồ luôn trong sạch và giữ lại và duy trì về tảo lục nên màu xanh đặc hữu của hồ Hoàn Kiếm...
Tiền đề xây dựng Thủ đô xanh
Trong những ngày này, khi Hà Nội bước vào tiết trời Thu, Nhân dân Thủ đô và cả nước hân hoan kỷ niệm Quốc khánh 2/9, TP Hà Nội cũng tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật... tại khu vực phố cổ - hồ Hoàn Kiếm. Nên những ngày qua, bất kì ai đến đây cũng đều cảm nhận được vẻ đẹp nên thơ cùng sự trong lành, sạch sẽ của mặt nước hồ Hoàn Kiếm.
Từ màu nước trong xanh đặc trưng của hồ Lục Thuỷ khi xưa như một viên ngọc bích giữa trái tim của cả nước, hồ in cảnh sắc mây trời Thủ đô và những hàng cây, sắc hoa rủ bóng. Từng cơn gió thu nhẹ thổi mang theo mùi thơm của các loại hoa trồng trong công viên hồ, hoàn toàn không có mùi hôi do ô nhiễm nước. Từng đàn cá tung tăng bơi lội trong đó có loại cá dầu - loại cá chỉ sinh sống phát triển ở nơi chất lượng nước tốt.
Hàng ngày đi bộ, tập thể dục tại hồ Hoàn Kiếm, ông Dương Huy (155 phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) có lẽ là người hiểu và cảm nhận rõ sự thay đổi của môi trường nước hồ. Trao đổi với phóng viên, ông Dương Huy không giấu nổi sự phấn khởi khi cho biết, từ khi hồ được TP và Công ty Thoát nước Hà Nội cải tạo cuối năm 2017, đầu năm 2018 đến nay, hồ ngày càng sạch sẽ, đẹp hơn rất nhiều. “Hằng ngày, tôi cùng rất đông mọi người đến đây đi bộ ngắm cảnh, rèn luyện sức khoẻ. Chúng tôi ai nấy đều phấn khởi khi ô nhiễm môi trường nước của hồ được kịp thời khắc phục. Những việc làm này, không chỉ tạo cảnh quan, đảm bảo cuộc sống của người dân trong khu vực mà đã và đang tạo ra những ấn tượng mạnh đối với du khách trong nước và quốc tế” – ông Huy chia sẻ.
Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng cho biết: “Được sự quan tâm chỉ đạo của Thành uỷ, HĐND, UBND TP, sự ủng hộ của cộng đồng, với tình cảm và trách nhiệm vì môi trường Thủ đô, bằng quyết tâm cao độ của toàn thể cán bộ công nhân viên, Công ty Thoát nước Hà Nội đã vượt qua khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt công tác cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm trong những ngày cuối năm 2017, đầu năm 2018. Từ đó đến nay, Công ty tiếp tục tham gia vệ sinh hồ, bổ cập, điều tiết mực nước, theo dõi kiểm tra, duy trì đảm bảo chất lượng nước hàng ngày cho hồ Hoàn Kiếm của chúng ta”.
Như vậy, cùng với 85 hồ nước đã được Công ty Thoát nước Hà Nội thường xuyên duy trì vệ sinh cảnh quan và duy trì đảm bảo chất lượng nước, việc cải tạo duy trì thành công môi trường nước hồ Hoàn Kiếm và tới đây có thể là hồ Tây, chắc chắn môi trường của hệ thống hồ của Hà Nội ngày càng cải thiện tốt hơn, để “Hà Nội – Thành phố vì hoà bình”, mãi là trái tim của cả nước…
Lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết thêm, tiếp nối thành công của việc cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm, Công ty đã đề xuất phương án cải thiện môi trường nước hồ Tây – một di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng của Thủ đô và đang được TP xem xét phê duyệt. |