Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Hồ sơ di sản hát Then: Vừa xây dựng đã gây tranh cãi

KTĐT - UBND tỉnh Tuyên Quang đã "khởi động" quá trình xây dưng hồ sơ hát Then đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trong khi hồ sơ còn chưa thành hình đã nhận được rất nhiều ý kiến phản biện.

Trống làng nào làng đấy đánh?

Hát Then là loại hình nghệ thuật văn hoá dân gian có sức sống mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Thái… Ngày đi lên nương làm rẫy, đêm lại quây quần bên bếp lửa, người ta lại cùng nhau hát lên những bài Then cổ như: Cốc tính, Sự tích mác ngỏa, Then kỳ yên giải hạn, Cáp tơ hồng… Đứng trước giá trị tinh thần to lớn của di sản phi vật thể hát Then, UBND tỉnh Tuyên Quang đã đề xuất ý tưởng xây dựng Hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể hát Then, đệ trình UNESCO công nhận. Mặc dù, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đồng ý về chủ trương đề nghị lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu hát Then của tỉnh Tuyên Quang và yêu cầu Bộ VHTT&DL hướng dẫn Tuyên Quang, Cao Bằng và các tỉnh khu vực Việt Bắc cùng kết hợp xây dựng và hoàn tất hồ sơ. Tuy nhiên, rất nhiều người lo ngại nếu chỉ giao cho một tỉnh giữ trọng trách xây dựng hồ sơ có dễ xảy ra tình trạng "trống làng nào làng đấy đánh", có bỏ sót nghệ nhân và nét tinh túy của giá trị di sản nằm ngoài Tuyên Quang?.

Bởi vì, theo nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan: Tỉnh Tuyên Quang không phải là vùng mang tính đậm đặc Then hơn cả mà ở Cao Bằng, Bắc Kạn và Lạng Sơn. Tuyên Quang chỉ có hai người nắm giữ được nhiều làn điệu Then cổ nhất là nghệ nhân Hà Thuấn, ở xã Tân An (huyện Chiêm Hóa) và ông Nguyễn Mạnh Thẩm, ở xã Thanh Tương (huyện Nà Hang). Ngoài ra, trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang cũng mới thành lập một số làng văn hóa du lịch, gắn với bảo tồn các làn điệu Then như Làng Văn hóa Du lịch Tân Lập, xã Tân Trào (huyện Sơn Dương); Nà Khá, xã Năng Khả (huyện Nà Hang) và Nà Tông, xã Thượng Lâm (huyện Lâm Bình)… Hơn nữa, "Then phát triển mạnh trong đời sống cộng đồng của các dân tộc Tày, Nùng, Thái nên cũng có thể người Tày, Nùng ở tỉnh Đắc Lăk và Đắc Nông biết hát Then. Bởi vì, số lượng người dân tộc Tày, Nùng sinh sống ở hai tỉnh này còn nhiều hơn ở Hà Giang, và biết đâu trong quá trình di cư vào đây có cả những ông bà hát Then giỏi" - ông Đặng Hoành Loan cho biết thêm.

Ngoài những băn khoăn về cơ quan được giao trọng trách xây dựng hồ sơ di sản, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc còn đắn đo về tên gọi của hồ sơ. Một bên nêu ý kiến nên đặt tên hồ sơ là Then Tày, Nùng, Thái để khẳng định hát Then có bề rộng và bề sâu nhiều tầng văn hóa và nghệ thuật, gồm múa, hát, thi ca, kể chuyện, đối đáp, cầu phúc, chúc thọ... Nhưng có người cho rằng, tên gọi của hồ sơ phải đề cao vai trò của âm nhạc trong hát Then lên hàng đầu.

Lời giải nào cho cuộc thi?

Sau những tranh cãi chưa phân định, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho rằng: "Phương án tối ưu là huy động toàn bộ các tỉnh vào cuộc lập hồ sơ di sản. Với giới chuyên môn, đây không chỉ là câu chuyện lập hồ sơ di sản xin phong danh hiệu mà là cơ hội hiếm có để chúng ta có thể mở một cuộc tổng kiểm kê di sản trên toàn bộ vùng địa văn hóa hát Then".

Trên thực tế, UNESCO đã "đánh trượt" rất nhiều hồ sơ đề nghị của các quốc gia. Vì di sản đó chưa xứng tầm thế giới hoặc vì cách làm hồ sơ của nước sở tại chưa thể hiện được đúng giá trị của di sản. Trong quý IV/2012, hồ sơ hát Then sẽ phải hoàn tất để báo cáo Chính phủ, sau đó trình UENSCO xem xét công nhận. Hy vọng, trong "cuộc thi" giành danh hiệu, hồ sơ hát Then không bị lạc đề. Cách duy nhất để làm được điều này là tìm sự đồng thuận giữa nhà quản lý và nhà khoa học, khẳng định đúng giá trị văn hóa phi vật thể hát Then.

  

 
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ