Hỗ trợ các trường mầm non tư thục khu công nghiệp

Bài, ảnh: Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2021, với giáo viên mầm non nói chung và giáo viên mầm non tư thục khu công nghiệp (KCN) nói riêng là một năm cực kỳ khó khăn. Chính quyền TP Hà Nội đã tiếp thêm động lực giúp các cơ sở này bám trụ, tiếp tục chăm sóc, nuôi dạy và thắp lên tiếng nói cười cho con em công nhân khi đại dịch đi qua…

Với chính sách hỗ trợ trong Nghị quyết 07 của HĐND TP, con em công nhân khu công nghiệp có điều kiện để học tốt hơn.
Càng được quan tâm, càng gắng sức
HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND “Quy định chính sách hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN của TP Hà Nội”; mức hỗ trợ từ 20 - 40 triệu đồng tùy quy mô từng nhóm lớp. Thời gian hưởng hỗ trợ được tính từ năm học 2021 - 2022. Qua rà soát của Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện TP có 138 cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục với gần 7.000 trẻ tại 5 quận, huyện: Đông Anh, Mê Linh, Bắc Từ Liêm, Sóc Sơn và Chương Mỹ thuộc đối tượng thụ hưởng của nghị quyết này.

Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu, Phòng GD&ĐT huyện đã rà soát, lên danh sách và hướng dẫn các cơ sở mầm non, nhóm trẻ độc lập, tư thục làm hồ sơ theo quy định. Số liệu thống kê cho thấy, huyện có trên 30 cơ sở mầm non tư thục thuộc diện được hỗ trợ. Còn Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ Nguyễn Đức Hòa cho hay, huyện có 9 cơ sở mầm non tư thục ở KCN Phú Nghĩa với 320 trẻ thuộc diện này. Hiện, phòng đã hướng dẫn các cơ sở làm thủ tục để được thẩm định và hưởng hỗ trợ trong thời gian tới.

Chủ nhóm Mầm non Sao Mai (huyện Mê Linh) Lê Thị Phương Thảo chia sẻ: “Chúng tôi rất mừng khi nhận được thông tin về gói hỗ trợ. Sự sẻ chia quý báu trong giai đoạn khó khăn đã giúp cơ sở có thêm chi phí để mua sắm trang thiết bị, ổn định cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ chơi để đón học sinh trở lại khi được phép của các cấp. Và suy cho cùng, học sinh sẽ chính là đối tượng được thụ hưởng sự quan tâm ấy. Như vậy, chính sách này chẳng những mang lại niềm vui cho chủ trường, các cô giáo mà còn là niềm hạnh phúc của trẻ và các bậc phụ huynh”.

Theo cô Lê Thị Phương Thảo thì các cơ sở mầm non ở KCN đều có điều kiện còn hạn chế, thiếu nhiều đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Nếu nhận được tiền hỗ trợ, cơ sở Mầm non Sao Mai sẽ cân đối để chọn lựa, mua sắm một số đồ thiết yếu như: Tủ đựng đồ dùng cá nhân, tủ đựng chăn chiếu màn cho trẻ, đầu DVD, đàn, bể chơi với cát và nước... để trẻ có điều kiện vui chơi, học tập tốt hơn. Càng nhận được sự quan tâm, chủ trường cùng các cô giáo càng thấy mình phải có trách nhiệm với chính quyền, với phụ huynh và học sinh”.

Nhọc nhằn mưu sinh mong ngày trở lại trường

Cùng với nhiều loại hình trường mầm non khác, các cơ sở mầm non tư thục KCN đóng cửa im ỉm đã 8 tháng nay. Cô Nguyễn Thị Thu Trang, chủ cơ sở Mầm non Tuổi Thần Tiên (thôn Nghĩa Hảo, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) bộc bạch: “Dịch căng thẳng, các con không được đi học, thầy cô không được đến trường. Để vơi đi nỗi nhớ trường lớp, tuần 1 - 2 lần, em lại đến mở cửa, lau dọn đồ chơi cho thông thoáng, sạch sẽ. Cơ sở được thành lập năm 2019 bằng những đồng tiền mồ hôi nước mắt và sự tâm huyết của cả gia đình nên em chăm lo cho lớp, cho các học sinh từng ly từng tý. 30 học sinh chia làm 2 nhóm lớp từ 1 - 4 tuổi của cơ sở hầu hết là con em công nhân, nay cũng được bố mẹ gửi về ông bà ở quê. Các cô giáo của trường thì mưu sinh vất vả để cố gắng có đồng rau, đồng gạo gồng gánh nhau đi qua mùa dịch…”.

Là cơ sở mầm non có 97% số học sinh thuộc diện con em công nhân KCN Quang Minh - Chi Đông (huyện Mê Linh), Mầm non Sao Mai được thành lập 8 năm với 17 cán bộ, giáo viên. Cô Lê Thị Phương Thảo - chủ trường cho hay, từ khi nghỉ dịch đến nay, các cô giáo có hợp đồng lao động (HĐLĐ) thì được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ; cô chưa có HĐLĐ thì được hỗ trợ theo Nghị quyết 15 của UBND TP; chủ cơ sở được hỗ trợ 3 triệu đồng. Để xoay xở cuộc sống, các cô giáo giáo đã đi làm nhiều việc như bán hàng online, bán nông sản, làm việc thời vụ… Khó khăn là vậy nhưng do đã gắn bó với trường hơn chục năm nên các cô vẫn muốn được trở lại trường, tuần nào cũng chỉ đặt một câu hỏi là “Khi nào các con được đi học?”.

Ngoài chính sách của TP, Công đoàn Giáo dục Hà Nội và các quận, huyện, thị xã đều có hỗ trợ cho các giáo viên… Sau thời gian dài các giáo viên mầm non chưa thể quay trở lại công việc, đời sống vẫn còn gặp khó khăn, Sở GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị, đề xuất cơ chế đặc thù, đề nghị Bộ GD&ĐT trình Chính phủ có mức hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập gặp khó khăn. Sau khi có chính sách của Chính phủ, Hà Nội sẽ kịp thời triển khai nội dung này...